Sự cần thiết của tổ chức kiểm toán nội bộ trong mỗi doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tổ chức kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp của Việt Nam (Trang 27 - 28)

Lịch sử phát triển của kinh tế thế giới cho thấy: kiểm toán nội bộ là chức năng không thể thiếu, là hoạt động bắt buộc phải làm trong hoạt động của doanh nghiệp . Thực chất bản chất của kiểm toán nội bộ không hề xa lạ, không phải hoàn toàn mới mẻ trong mỗi doanh nghiệp. Việc tự soát xét, kiểm tra và đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động của mình là chức năng, là yếu tố khách quan tồn tại trong mỗi tổ chức dù là hình thái đơn giản nhất. Khi quy mô của doanh nghiệp còn nhỏ, hoạt động còn đơn giản và có đủ các điều kiện để kiểm soát trực tiếp thì công việc này do các nhà quản lý trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên điều đó cũng chiếm mất nhiều thời gian của nhà quản lý, ảnh hưởng tới việc điều hành khác và khi phát hiện ra sai sót thì thường là quá muộn. Do vậy, khi quy mô của doanh nghiệp phát triển đến một mức đủ lớn, và hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trở nên ngày càng phức tạp, nhà quản lý không đủ sức tự mình đảm đương công việc này thì phải giao cho những cá nhân chuyên nghiệp thực hiện với vai trò trợ giúp hữu hiệu. Đó là các kiểm toán viên nội bộ được chuyên môn hóa trong việc thẩm định và đánh giá mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy kiểm toán nội bộ đã phát triển thành một nghề, một công cụ quản lý có đối tượng, có kỹ thuật, có phương pháp và nghiệp vụ riêng biệt, nhờ đó phát huy được đầy đủ các thế mạnh và hỗ trợ cho các nhà quản lý doanh nghiệp một cách nhiều nhất, hiệu quả nhất.

Ở nước ta, do trải qua thời kỳ hoạt động kế hoạch hóa tập trung đã tạo ra hậu quả tính quan liêu bao cấp nặng nề, các doanh nghiệp hoạt động mang tính thụ động, ỷ lại và trông chờ vào cấp trên, hiệu quả kinh doanh thấp, phân

phối thu nhập mang nặng tính bình quân… sự phát triển của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế bị kìm hãm, trong tình hình đó công tác kiểm tra đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trước đây bị lầm tưởng là công việc của nhà nước và cũng mang nặng tính hình thức.

Từng bước dịch chuyển sang cơ chế thị trưởng, mỗi doanh nghiệp phải tự đổi mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi những bước đi thực tế của cả nền kinh tế cũng như của mỗi doanh nghiệp. Việc phải đối mặt với những yêu cầu cao, sự cạnh tranh gắt gao ở mọi lĩnh vực: thông tin, công nghệ, chất lượng… Thực tế đó khiến doanh nghiệp không thể hô khẩu hiệu, duy trì sự tồn tại yếu ớt bằng cách này hay cách khác được nữa.

Giờ đây những doanh nghiệp yếu kém phải nhanh chóng giải thể để nhanh chóng nhường chỗ cho các doanh nghiệp có trí hướng, có sức vươn lên trong cơ chế thị trường thực sự. Đối với những doanh nghiệp này, câu trả lời duy nhất cho sự tồn tại và phát triển là hiệu quả hoạt động của công ty. Với lý do đó, kiểm toán nội bộ, chức năng để đánh giá, đo lường hiệu quả, hiệu lực mọi hoạt động trong doanh nghiệp, nhất thiết phải được sử dụng với tư cách là một công cụ quản lý, một hoạt động độc lập với hệ thống phương pháp, kỹ thuật nghiệp vụ riêng do các kiểm toán viên nội bộ đảm nhiệm.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tổ chức kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp của Việt Nam (Trang 27 - 28)