BẠN NHÀ NÔNG

Một phần của tài liệu BAN TIN KHDS T3 2014(d) (Trang 33 - 35)

Chuyện "đi tắt đón đầu" của triệu phú miến dong Trần NghiệpTuy là người “bén duyên” với miến dong sau nhưng với cách nghĩ, cách Tuy là người “bén duyên” với miến dong sau nhưng với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn, sáng tạo nên anh Nghiệp đã tạo dựng cho mình được thương hiệu miến dong nổi tiếng của Bình Liêu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Mới đây, chúng tôi đến xã Húc Động (huyện Bình Liêu) để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương thì được đồng chí Hoàng Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Gần chục năm nay, xã đã khôi phục và phát triển mạnh nghề trồng dong riềng và chế biến miến. Hiện ở xã đã xuất hiện nhiều triệu phú từ chế biến miến dong. Điển hình là “vua miến” Na A Chiu, Trần Chiu đã có thương hiệu trên thị trường. Vài năm trở lại đây, xã lại xuất hiện thêm triệu phú Trần Nghiệp. Từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng Trần Nghiệp đã có cơ sở chế biến miến dong công suất 2 tấn củ mỗi ngày, tạo việc làm và thu nhập khá cao cho gần 20 lao động...

Trên đường dẫn chúng tôi xuống gia đình triệu phú Trần Nghiệp ở thôn Nà Ếch, anh La Văn Lộc, cán bộ địa chính xã Húc Động nhận xét một cách thán phục: Thực ra, nghề chế biến miến dong đã có từ lâu ở xã, nhưng hiếm có người dám nghĩ, dám đầu tư như anh Nghiệp. Bởi bà con chủ yếu là chế biến để gia đình ăn là chính, rất ít hộ có tư duy sản xuất hàng hoá. Từ khi huyện có chủ trương phát triển nghề này, một số hộ có điều kiện đã đầu tư nhà xưởng để chế biến. Tuy đi sau, nhưng đến nay, xưởng của anh Nghiệp đã nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu trên thị trường...

Quả đúng vậy, khi chúng tôi đến xưởng của gia đình anh Nghiệp được chứng kiến rất đông khách đến mua miến, trong đó có cả người từ Hà Nội, Hải Dương. Anh Tuấn, chủ chiếc xe 16 chỗ ngồi đang hì hục khuân những bao miến lên xe hồ hởi cho biết: “Nhà mình ở tận Hà Nội, năm ngoái có một người bạn làm ở Bình Liêu về cho một cân miến. Khi ăn, cả nhà đều rất thích vì chất lượng miến quá ngon, nên bà xã mình bảo giữ lại địa chỉ ghi trên bao bì, khi nào có dịp về Quảng Ninh thì điện đặt trước vài tạ mang về làm quà. Cách đây gần tháng, mình điện cho anh Nghiệp đặt 3 tạ. Đúng hẹn, hôm nay mình lên lấy”. Còn anh Hoàng, quê ở Hải Dương cũng là khách hàng quen thuộc của gia đình anh Nghiệp thì nhận xét: “Miến dong ở Húc Động nói chung, của gia đình anh Nghiệp nói riêng có nhiều nét khác biệt với miến ở nhiều nơi. Sợi miến vừa đều, mịn, trong, lại có thể nấu đi, nấu lại nhiều lần

Anh Trần Nghiệp (thứ 2, phải sang) đang thanh toán tiền miến với tiểu thương đến từ Hà Nội.

không bị nát. Từ 2 năm nay, cứ đến dịp gần Tết là mình lại đặt hàng để mang về quê tiêu thụ. Giá miến năm nay khá cao so với mọi năm, nhưng các đầu mối tiêu thụ ở quê vẫn chấp nhận”.

Sau khi thanh toán tiền với các tiểu thương đến mua miến, anh Trần Nghiệp mới có thời gian dành cho chúng tôi. Qua câu chuyện của anh mới thấy được, để có thành quả như hôm nay, vợ chồng anh cũng phải nỗ lực rất nhiều. Trần Nghiệp sinh năm 1968, người dân tộc Sán Chỉ, là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Nhà Nghiệp nghèo lắm. Dù bố mẹ có chịu thương, chịu khó, tất bật tối ngày nhưng các con cũng bữa đói, bữa no. Năm 1991, anh lấy vợ. Ngày ra ở riêng, bố mẹ chẳng có tài sản gì cho con ngoài 2 chiếc bát, 2 chiếc nồi, vài cân gạo và 4 sào ruộng cho con làm của hồi môn. Không vốn, không kiến thức, lấy nhau, hai vợ chồng đẻ liền lúc 3 đứa con khiến cuộc sống đã khó lại càng khó hơn. Cuộc sống cứ thế trôi qua, tưởng rằng sẽ khó có thể bứt phá lên được. Thế nhưng, mọi sự bắt đầu thay đổi khi gần chục năm về trước, huyện và xã có chủ trương khôi phục lại nghề trồng dong riềng và chế biến miến dong ở địa phương. Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống chế biến miến dong, Nghiệp mạnh dạn vay vốn mua thêm 2ha đất đồi để vừa trồng hồi, quế, vừa trồng dong riềng. Cùng với đó, anh còn bàn với vợ chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Những năm đầu, củ dong riềng được giá, nên cuộc sống của vợ chồng anh bắt đầu ổn định. Khi đã có vốn tích luỹ, anh lại nghĩ: “Chỉ dựa vào trồng nguyên liệu thì cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, trong khi đó, ở xã đã có vài người do chế biến miến dong đã trở nên giàu có, nếu mình biết đầu tư phù hợp thì cũng có thể giàu được như họ”. Nghĩ là làm, anh lân la đến các cơ sở chế biến miến ở trong xã để tìm hiểu quy trình vận hành các loại máy, địa chỉ tin cậy để mua thiết bị chế biến miến. Sau khi đã nắm được cơ bản các thao tác kỹ thuật, anh về bàn với vợ, san gạt mặt bằng làm nhà xưởng và đi mua máy chế biến miến dong trị giá 300 triệu đồng về. Một vài vụ đầu, do chưa có thương hiệu, sản phẩm của gia đình anh chủ yếu tiêu thụ ở trong huyện, nên hiệu quả không cao, thậm chí có năm chỉ hoà vốn. Anh lại nghĩ, cần phải xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ ra khỏi địa phương. Thế là anh lại mày mò xây dựng bao bì sản phẩm rồi mang sản phẩm đi chào bán một số nơi như Hạ Long, Cẩm Phả... Chỉ sau vài vụ như vậy, sản phẩm miến mang thương hiệu “Trần Nghiệp” đã bám rễ thị trường. Đến nay, anh không cần phải mang miến đi đâu bán nữa mà cứ đầu tháng 10 là đã có nhiều tiểu thương đến đặt hàng trước. Miến làm ra đến đâu là tiêu thụ hết ngay đến đó. Thậm chí có năm, khách đặt nhiều, sản xuất không kịp. Do có tư duy sản xuất hàng hoá, đến nay, cơ sở chế biến miến dong của gia đình anh Nghiệp đã có tới gần 20 lao động với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Chỉ vào căn nhà hai tầng đang được hoàn thiện, anh Trần Nghiệp cười tươi giới thiệu: Năm nay vợ chồng mình xây dựng ngôi nhà này để ở cho bõ công bao năm vất vả. Ngôi nhà rộng 80m2 một sàn, tính sơ sơ cũng phải gần 700 triệu đồng. Tất cả đều là từ miến dong mà ra cả đấy... Hôm nào khánh thành, mình sẽ đi mua chiếc ti vi, bộ karaoke cho bọn nhỏ hát trong dịp Tết... Nghe anh Nghiệp hân hoan nói về thành quả lao động của mình, tôi cũng thấy vui lây. Lời nhận xét của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã về trường hợp anh Nghiệp chẳng quá chút nào

Theo baoquangninh.com

Một phần của tài liệu BAN TIN KHDS T3 2014(d) (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(37 trang)
w