QUAN HỆ MỸ NGA Mỹ cần Nga để ngăn chặn Trung Quốc

Một phần của tài liệu ATK117 (Trang 30 - 33)

Mỹ cần Nga để ngăn chặn Trung Quốc

TTXVN (nationalinterest.org) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đang suy nghĩ về

địa vị của đất nước trên thế giới. Và Mỹ cũng nghĩ về điều đó, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột dài hạn với Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Đó có thể là cơ hội để Mỹ và Nga tập trung vào điều mà cả hai cùng quan tâm.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest trước lễ kỷ niệm 75 chiến thắng phát xít Đức tại Moskva, sự kiện diễn ra chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, Tổng thống Putin đã nhắc lại những thiệt hại nặng nề của Liên bang Xôviết trong chiến tranh, như sinh mạng của 27 triệu công dân, đồng thời bảo vệ quyết định của các nhà lãnh đạo Liên Xô khi họ ký thỏa thuận với Hitler để kéo dài thời gian nhằm tăng cường quốc phòng.

Giới lãnh đạo chính sách tại Mỹ và châu Âu có thể sẽ không hài lòng với những lập luận của Putin khi ông nói rằng Anh và các chính phủ châu Âu khác cũng đã có thỏa thuận với Đức Quốc xã. Tuy nhiên dù người ta nhìn nhận như thế nào về thái độ của Putin đối với các vấn đề lịch sử, ý đồ của ông vẫn rất rõ ràng. Nhà lãnh đạo Nga muốn thúc đẩy đối thoại giữa các cường quốc trên thế giới như là cách để giải quyết bất đồng và hạn chế xung đột. Thực tế việc ông viết một bài bình luận dài tới 9.000 từ, đưa độc giả đến gần với những suy nghĩ của ông về sự hình thành của thế giới hiện đại cũng như quan điểm của ông về vị thế của Nga trên thế giới, đều là nhằm mục đích này. Đối thoại mà Putin nhắc đến là để hướng tới những mục tiêu chính sách đối ngoại cụ thể, chứ không phải những điều quá to tát.

Đáng tiếc, phương Tây lại không mở rộng cánh cửa để Nga tìm kiếm cơ hội hợp tác và thậm chí còn có nguy cơ đẩy Nga tới chỗ lại gần hơn với Bắc Kinh. Washington duy trì một loạt đòn trừng phạt nhằm vào nhiều ngành kinh doanh, nhiều quan chức và cá nhân người Nga. Các lệnh hạn chế đối với những thực thể liên quan tới ngành năng lượng sẽ càng “khuyến khích” Nga xích lại gần Trung Quốc, điều hoàn toàn có thể diễn ra bởi nguồn tài nguyên dồi dào của Nga và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước láng giềng đông dân.

Nhiều đòn trừng phạt nhằm vào Nga được Washington áp đặt để trả đũa việc Moskva xâm lược Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea. Đã đến lúc Mỹ cần cân nhắc xem liệu những biện pháp này còn hiệu quả hay không. Tổng thống Putin rất thận trọng trong việc lựa chọn những vùng lãnh thổ nhỏ tại phía Đông Ukraine để thúc đẩy phong trào ly khai, hai khu vực có đông cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga. Động thái này không phải là một phần trong mục tiêu tái thiết Liên bang Xôviết bằng vũ lực mà là nhằm

buộc Kiev phải nhượng bộ và ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau 6 năm Mỹ áp đặt trừng phạt, cả Crimea và phía Đông Ukraine đều không có dấu hiệu tái sáp nhập với Ukraine. Nói đơn giản, rất khó, hoặc thậm chí là không có khả năng Nga trao trả các vùng đất này, bởi việc đó chỉ có thể xảy ra nếu chiến tranh bùng phát, cuộc chiến mà cả Ukraine và châu Âu đều không quyết tâm và không đủ năng lực theo đuổi.

Hơn thế nữa, các đòn trừng phạt mà Washington áp đặt hiện khiến Mỹ chịu nhiều thiệt hại hơn so với Nga, và Trung Quốc lại là nhân tố được lợi nhiều nhất. Mỹ cần nhận thức được điều này và thúc đẩy quan hệ với Moskva, dù có hay không việc Washington nhìn nhận những vùng lãnh thổ kể trên vẫn là khu vực tranh chấp và cần được giải quyết trong tương lai.

Điều mà Washington cần làm là tiến hành đối thoại nghiêm túc với Moskva. Tổng thống Putin đã nêu rõ rằng Nga sẵn sàng thảo luận về kiểm soát vũ khí. Bên cạnh đó, Mỹ và Nga còn có thể đẩy mạnh hợp tác trong thăm dò không gian, thiết lập lại những hợp tác cũ, đặc biệt là vì hai nước có sự gần gũi và tương đồng trên khía cạnh này hơn hẳn các quốc gia khác.

Mục tiêu của việc xúc tiến đối thoại với Nga không nhất thiết phải là vì một bước đột phá ngoại giao nào đó, mà chỉ cần là hy vọng rằng Nga sẽ có lý do để duy trì thái độ trung lập và không hậu thuẫn những kẻ thù của nước Mỹ. Nga vẫn sẽ duy trì hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề, đặc biệt là năng lượng, nhưng cũng sẽ hợp tác cùng Mỹ, ủng hộ Mỹ hoặc chấp nhận đứng ngoài lề những gì mà Washington xem là đặc biệt quan trọng.

Yếu tố Trung Quốc “ám ảnh” các cuộc đàm phán gia hạn hiệp ước START Mới

TTXVN (AFP/nbcnews.com) - Ngày 22/6, Mỹ và Nga đã tổ chức đàm phán tại

thủ đô Vienna (Áo) về hiệp ước vũ khí hạt nhân quan trọng còn lại duy nhất với gần như không có triển vọng nào cho thỏa thuận sắp tới, trong bối cảnh giới chỉ trích đặt câu hỏi rằng liệu hai bên có nhận thấy giá trị nào từ việc kiểm soát vũ khí hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên tham gia vào các cuộc thảo luận gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START Mới) về hạn chế các đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga, vì ông nói rằng Bắc Kinh đã được tự do phát triển các hệ thống vũ khí.

Thỏa thuận hiện hành giới hạn mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc hiện không bày tỏ dấu hiệu quan tâm, điều tạo ra cái cớ khác cho Washington phàn nàn, dù giới chỉ trích nói rằng Mỹ coi đó là “cây gậy hữu ích” để trấn áp đối thủ đang trỗi dậy của họ.

Sau một ngày đàm phán tại Điện Niederoesterreich ở thủ đô nước Áo, Bộ Ngoại giao Nga chỉ thông báo rằng “các cuộc thảo luận về triển vọng kiểm soát vũ khí vẫn tiếp tục, trong đó gồm vấn đề gia hạn hiệp ước START Mới và duy trì ổn định”.

Còn Marshall Billingslea, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân, phát biểu tối 22/6 rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra “rất tích cực”. Ông viết trên Twitter rằng đã có các “cuộc thảo luận chi tiết” về “một loạt chủ đề hạt nhân”. Billingslea cho biết thêm rằng đã có “sự nhất trí về nguyên tắc cơ bản” giữa hai bên về việc tổ chức vòng đàm phán thứ hai.

Phát biểu trước các cuộc đàm phán, Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington, nói rằng sự tập trung của chính quyền Trump hướng tới Trung Quốc cho thấy Mỹ không thực sự nghiêm túc về việc đạt được một thỏa thuận. Ông Kimball nói: “Kết luận duy nhất tôi có thể rút ra đó là... chính quyền Trump không có ý định gia hạn START Mới và đang tìm cách thể hiện sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí 3 bên như một cái cớ để cho phép START Mới hết hiệu lực”.

Trump đã hủy bỏ một số hiệp ước với Nga - như Hiệp ước về Bầu trời Mở và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ông Billingslea và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã dẫn đầu các đoàn đại biểu thảo luận về tương lai START Mới, vốn được nhất trí vào năm 2010 và hết hạn vào tháng 2/2021. Điều đó khiến hai bên không còn nhiều thời gian để làm mới một thỏa thuận phức tạp, chưa kể đến việc đàm phán về hiệp ước mới bao gồm cả Trung Quốc, đặc biệt khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đang đến gần.

Ngay trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, ông Billingslea một lần nữa nêu ra vấn đề mà ông gọi là “sự thất hẹn” của Trung Quốc với việc đăng tải bức hình trên mạng Twitter hình ảnh một bàn đàm phán có quốc kỳ Trung Quốc nhưng không có người ngồi. Ông Billingslea viết rằng “Bắc Kinh vẫn che giấu hoạt động củng cố hạt nhân nhanh chóng của họ sau ‘Trường thành bí mật’, cũng như nhiều hoạt động khác”. Phái bộ của Trung Quốc tại Vienna đã phản ứng bằng cách lên án dòng tweet đó là “nghệ thuật làm trò”.

Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang được mở rộng nhanh chóng nhưng vẫn có quy mô nhỏ hơn so với kho vũ khí của Mỹ và Nga. Shannon Kile, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho rằng thế bế tắc hiện nay đối với hiệp định START Mới và việc hủy bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân khác “cho thấy thời đại của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương giữa Nga và Mỹ có thể đang sắp kết thúc”.

Theo nghiên cứu mới nhất của viện SIPRI, Nga hiện có 6.375 đầu đạn hạt nhân, trong đó gồm các đầu đạn chưa được triển khai, trong khi Mỹ sở hữu 5.800 đầu đạn. Trung Quốc xếp thứ 3 với 320 đầu đạn.

Nhà phân tích chính trị người Nga Fyodor Lukyanov cho rằng hiện không có lý do gì để kỳ vọng tiến triển tại Vienna. Ông nói: “Chính quyền Trump đã bác bỏ gần như tất cả

các hạn chế liên quan đến các hiệp ước được nhất trí trong quá khứ. Hiện không có lý do gì để tin rằng hiệp ước này sẽ là ngoại lệ”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov nói rằng Nga sẽ không thể buộc Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán và cũng không muốn cố gắng hành động. Ông nói thêm rằng nếu Washington quan ngại về các hoạt động hạt nhân của Bắc Kinh, các quan chức Mỹ mới là người thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Ông nói: “Chính quyền Trump hiện quá ám ảnh với Trung Quốc, điều đó khiến hai bên không thể đạt được tiến triển. Ý tưởng về Trung Quốc làm mờ các chủ đề khác”.

Alex Wellerstein, giáo sư tại Viện Công nghệ Stvens ở New Jersey, nói: “Việc không gia hạn START Mới đồng nghĩa rằng bạn không thực sự hiểu được tương lai sẽ ra sao. Và điều đó sẽ nan giải hơn rất nhiều”.

Các nhà chỉ trích khác thậm chí còn bày tỏ sự bi quan hơn. Mark Sleboda, chuyên gia về an ninh và các vấn đề quốc tế, nói: “Chúng ta đang nói về nền tảng cuối cùng trong cấu trúc an ninh kiểm soát vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Nếu nền tảng để hạn chế các bệ phóng và đầu đạn hạt nhân của cả hai bên này mất đi, sẽ không còn hiệp ước nào và chúng ta sẽ trong cuộc chạy đua vũ trang mở trên khắp thế giới với nhiều bên tham gia”.

John Everard, cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên, nói: “Tôi không cho rằng thái độ của chính quyền Mỹ hiện nay là mang tính hữu ích. Hành vi của Nga và Trung Quốc cũng gây tổn hại tới sự ổn định toàn cầu và thực thi các hiệp ước quốc tế. Và cần nhớ rằng 3 người không thể cùng nhảy điệu tango”./.

Một phần của tài liệu ATK117 (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(33 trang)
w