2.3.2.1. Tại Hà Nội
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang có rất nhiều dự án liên quan đến công tác bồi thường GPMB. Theo ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội, trong tổng số 1.209 dự án liên quan đến GPMB, thành phố đã hoàn thành GPMB hơn 1.961 ha đất tại 353 dự án chi trả hơn 14.296 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho 1.826 hộ dân.
Hiện nay, hầu hết các dự án đều diễn ra chậm so với tiến độ với nhiều nguyên nhân khác nhau: theo nhà đầu tư thì một trong những khó khăn vướng mắc của công tác giải phóng mặt bằng là chưa điều tra nguồn gốc đất để lập phương án bồi thường. Việc chậm tiến độ các dự án không chỉ do vướng mắc về cơ chế, chính sách dẫn tới thắc mắc, khiếu kiện của người dân trong diện di dời mà còn có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa chủ đầu tư với sở, ngành và các chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, cán bộ ở một số nơi vẫn chưa làm hết trách nhiệm.
2.3.2.2. Tại thành phố Hồ Chí Minh
Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm như mở rộng xa lộ Hà Nội, tỉnh lộ 10, đường vành đai 2, … Theo báo cáo tiến độ dự án trọng điểm của sở giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, nhiều dự án đang thi công dở dang nằm ở cửa ngõ thành phố bị vướng mặt bằng.
Công tác bồi thường GPMB tuyến đường mở rộng xa lộ Hà Nội, thành phốHồ Chí Minh:
- Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí minh làm chủ đầu tư. Xa lộ mở rộng có tổng chiều dài
là 15,7 km và tổng mức đầu tư là 2.268 tỷ đồng, với điểm đầu nối với dự án cầu Sài Gòn 2, điểm cuối tại nút giao thông Tân Vạn, kết nối với dự án cầu Đồng Nai mới.
- Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang gặp rất nhiều vướng mắc về GPMB, tại phần mở rộng và cải tạo trục đường chính đoạn trong phạm vi nút giao thông Cát Lái đến tiếp giáp cầu Rạch Chiếc (dài 1,2 km, rộng 44m - 54m) vẫn chưa thể thi công do Sở giao thông vận tải chưa bàn giao mặt bằng từ ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây; đoạn từ cuối nút giao ngã tư Thủ Đức đến cầu vượt Trạm 2 (dài 2,7 km, rộng 24m - 41m) nhánh bên trái bế tắc do vướng tuyếnống nước D1000.
Về giải phóng và bàn giao mặt bằng, hầu hết các đơn vị GPMB cho rằng công việc này gặp khá nhiều khó khăn và kéo dài do các khâu thủ tục, áp giá đền bù và địa điểm tái định cư. Ðể giải quyết khó khăn này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra văn bản chỉ đạo UBND các quận, phường chủ động chuẩn bị quỹ nhà ở, đất ở tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.
2.3.2.3. Tại Vĩnh Phúc
Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 588 dự án đầu tư có hiệu lực với tổng số vốn là 28.000 tỷ đồng và 2.034 triệu USD. Nhờ thu hút được nhiều dự án đầu tư nên tổng thu ngân sách của tỉnh hàng năm tăng cao. Đạt được thành tựu này, Vĩnh phúc coi khâu GPMB là then chốt. Toàn tỉnh đã giải phóng gần 7000 ha đất dành cho công nghiệp và phát triển đô thị. Với phương châm “có công nghiệp vào, đời sống nhân dân phải tốt hơn khi chưa có”, Vĩnh Phúc đã tạo cơ chế cấp đất cho người dân bị mất 30% đất sản xuất trở lên ở vị trí thuận lợi để họ làm dịch vụ, có chính sách rằng buộc nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tạo việc làm cho con em công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn này đang tích cực thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn ngoài việc phải thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì vấn đề thu hút vốn đầu tư, đưa các dự án vào địa phương nhằm phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, mỗi công trình xây dựng, mỗi dự án muốn được triển khai nhanh chóng và có hiệu quả cao thì vấn đề đặc biệt cần quan tâm giải quyết trước là công tác GPMB.
Xác định được nhiệm vụ đó, ngay từ ngày đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định: muốn công tác giải phóng mặt bằng có hiệu quả thì trước nhất phải phát huy được tinh thần tự giác trong nhân dân, làm tốt quy chế dân chủ, tuyên truyền để nhân dân hiểu và tự nguyện bàn giao mặt bằng cho các dự án. Đảng ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã công khai các Nghị quyết liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch đất đai hàng năm. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở địa phương.
Việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư vào địa phương nhiều lúc không thể thực hiện được theo dự án nêu trên. Nguyên nhân chính là sự hạn chế trong nhận thức của bộ phận một số người dân trong địa bàn xã. Họ cho rằng: mảnh ruộng mà họ sống chung cả đời sẽ bị mất đi khi bàn giao cho dự án, cho nên nhiều người mặc dù đã nhận tiền đền bù đất, không những không bàn giao đất mà luôn đòi hỏi về chế độ hỗ trợ đất, dịch vụ, đòi tăng giá đền bù, tăng hạng đất. Đó là những bất cập khó giải quyết mà công tác giải phóng mặt bằng gặp phải khi tiếp xúc người dân, trước tình hình đó lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã đã giải quyết bằng cách xuống các thôn trực tiếp đối thoại với người dân, giải thích rõ cho họ hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bằng nhiều hình thức, chính
sách tuyên truyền, vận động đã dần dần thay đổi được nhận thức của người dân. Thực tế cho thấyngười dân đã tự giác bàn giao đất cho chủ đầu tư.