Ví dụ 1: Ý kiến chấp nhận từng phần Trường hợp như sau:
• Báo cáo tài chính của Công ty ABC do Ban Giám đốc đơn vị lập cho mục đích chung theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính của Việt Nam (là khuôn khổ, gồm pháp luật và các quy định, được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu chung về thông tin tài chính của đông đảo người sử dụng báo cáo tài chính, nhưng không phải là khuôn khổ về trình bày hợp lý).
• Điều khoản của hợp đồng kiểm toán nêu lên trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo tài chính trong VSA 210.
• Hàng tồn kho có sai sót do một số hàng đã nhập trước ngày kết thúc kỳ kế toán nhưng chưa được ghi nhận với giá trị 10 triệu đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho cuối kỳ là 180 triệu đồng, chiếm 15% giá trị tổng tài sản. Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không điều chỉnh sai sót này. Sai sót được coi là trọng yếu nhưng không có ảnh hưởng lan rộng đến nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính.
Trích báo cáo kiểm toán như sau:
Cơ sở ý kiến chấp nhận từng phần
Thông qua chứng kiến kiểm kê, chúng tôi nhận thấy hàng tồn kho của Công ty ABC đang bị ghi nhận thiếu với giá trị 10 triệu đồng do chưa ghi nhận số hàng đã nhập kho trước ngày kết thúc kỳ kế toán. Ban Giám đốc Công ty không thực hiện điều chỉnh ghi tăng khoản mục hàng tồn kho số hàng đã nhập kho này. Do đó, khoản mục hàng tồn kho và nợ phải trả nhà cung cấp trong báo cáo tài chính bị ghi nhận thiếu với số tiền là 10 triệu đồng.
Ý kiến của Kiểm toán viên
Theo ý kiến chúng tôi, ngoại trừ những ảnh hưởng của vấn đề nêu trong đoạn cơ sở ý kiến chấp nhận từng phần, báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty ABC tại ngày 31/12/20x1, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với các Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
Ví dụ 2: Ý kiến trái ngược Trường hợp như sau:
• Báo cáo tài chính của Công ty ABC do Ban Giám đốc đơn vị lập cho mục đích chung theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính của Việt Nam (là khuôn khổ, gồm pháp luật và các quy định, được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu chung về thông tin tài chính của đông đảo người sử dụng báo cáo tài chính, nhưng không phải là khuôn khổ về trình bày hợp lý).
• Điều khoản của hợp đồng kiểm toán nêu lên trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo tài chính trong VSA 210.
• Hàng tồn kho có sai sót do một số lô hàng vẫn còn trong kho nhưng đã được ghi nhận bán trước ngày kết thúc kỳ kế toán với giá vốn là 100 triệu đồng, giá bán là 150 triệu đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho cuối kỳ là 80 triệu đồng, chiếm 35% giá trị tổng tài sản. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Công ty là 65 triệu đồng. Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không điều chỉnh sai sót này. Sai sót được coi là trọng yếu và có ảnh hưởng lan rộng đến nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính, đặc biệt là lợi nhuận trước thuế.
Trích báo cáo kiểm toán như sau:
Cơ sở ý kiến trái ngược
Thông qua chứng kiến kiểm kê, chúng tôi nhận thấy một số lô hàng Công ty ABC vẫn còn tồn tại trong kho tại ngày kết thúc kỳ kế toán nhưng đã được ghi nhận bán trước ngày kết thúc kỳ kết toán với doanh thu bán hàng là 150 triệu đồng và giá vốn là 100 triệu đồng. Ban Giám đốc Công ty không thực hiện điều chỉnh sai sót này. Do đó, khoản mục hàng tồn kho cuối kỳ bị phản ánh thấp hơn thực tế với giá trị là 100 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế của Công ty bị phản ánh cao hơn thực tế với giá trị 50 triệu đồng.
Ý kiến của Kiểm toán viên
Theo ý kiến chúng tôi, do tầm quan trọng của vấn đề nêu trong đoạn cơ sở ý kiến trái ngược, báo cáo tài chính đã không phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty ABC tại ngày 31/12/20x1, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với các Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
Ví dụ 3: Ý kiến từ chối Trường hợp như sau:
• Báo cáo tài chính của Công ty ABC do Ban Giám đốc đơn vị lập cho mục đích chung theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính của Việt Nam (là khuôn khổ, gồm pháp luật và các quy định, được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu chung về thông tin tài chính của đông đảo người sử dụng báo cáo tài chính, nhưng không phải là khuôn khổ về trình bày hợp lý).
• Điều khoản của hợp đồng kiểm toán nêu lên trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo tài chính trong VSA 210.
• Kiểm toán viên không thể tiếp cận được với thông tin về địa chỉ liên hệ của đối tượng phải thu cho mục đích gửi thư xác nhận nợ phải thu. Tổng giá trị các khoản phải thu không thể gửi thư xác nhận tại thời điểm cuối kỳ là 200 triệu đồng, chiếm 55% giá trị tổng tài sản. Doanh thu của Công ty trong kỳ đạt 230 triệu đồng với lợi nhuận trước thuế là 45 triệu đồng. Ảnh hưởng của việc không tiếp cận được các thông tin cho mục đích gửi thư xác nhận được coi là trọng yếu và có ảnh hưởng lan rộng đến nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính, đặc biệt là doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Trích báo cáo kiểm toán như sau:
Cơ sở ý kiến từ chối
Chúng tôi không thể tiếp cận được với thông tin về địa chỉ liên hệ của đối tượng phải thu cho mục đích gửi thư xác nhận nợ phải thu. Tổng giá trị các khoản phải thu không thể gửi thư xác nhận tại thời điểm cuối kỳ là 200 triệu đồng, chiếm 55% giá trị tổng tài sản của Công ty ABC. Chúng tôi đã thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế khác để đảm bảo tính hiện hữu của các khoản mục phải thu không gửi được thư xác nhận này. Tuy nhiên, các thủ tục thay thế đó không cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hiện hữu của các khoản phải thu này. Do đó, chúng tôi không thể xác định được ảnh hưởng của các khoản phải thu chưa được xác nhận này đến các khoản mục doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong báo cáo tài chính của Công ty.
Ý kiến của Kiểm toán viên
Theo ý kiến chúng tôi, do tầm quan trọng của vấn đề nêu trong đoạn cơ sở ý kiến từ chối, chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiếm toán thích hợp để cung cấp cơ sở cho ý kiến kiểm toán. Do đó, chúng tôi không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính của đơn vị.
BẢNG KÝ TỰ VIÊT TẮT
Luật KTĐL Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 của Quốc hội khóa XII ban hành ngày 29/03/2011
BCTC Báo cáo tài chính
IAASB Ủy ban Chuẩn mực Kiểm toán và Đảm bảo Quốc tế ISA Chuẩn mực kiểm toán quốc tế
VACPAHội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam VSA Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
CĂN CỨ SOẠN THẢO TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN
Tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo trên cơ sở:
1 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 - "Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính” do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số....ngày....
2 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 của Quốc hội khóa XII ban hành ngày 29/03/2011
3 Hồ sơ kiểm toán mẫu do VACPA ban hành tại Quyết định số 1089/QĐ-VACPA ngày 01/10/2010.
4 Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có liên quan khác do Bộ Tài chính ban hành trong năm ....
5 Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành từ năm 1999 đến năm 2005.
6 Kinh nghiệm thực tế hoạt động kiểm toán độc lập trong 20 năm qua do VACPA tổng kết cũng như kinh nghiệm thực hành kiểm toán của chuyên gia dự án.
Một số tài liệu tham khảo khác trong quá trình lập tài liệu hướng dẫn này:
Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế do Liên đoàn kế toán quốc tế công bố có hiệu lực từ 15/12/2009.
Sách học ACCA môn F8 “Audit and Assurance Services”
Tài liệu hướng dẫn của IAASB “Guide to using International Standards on Auditing in the Audits of Small and Medium Size Entities”
Basis for Conclusions của IAASB cho ISA 700
Basis for Conclusions của IAASB cho ISA 705
Basis for Conclusions của IAASB cho ISA 706
Tài liệu Hội thảo về “Chuẩn mực kiểm toán quốc tế mới” do VACPA và Ngân hàng thế giới tổ chức, tháng 6/2011 tại Hà Nội.
Ý kiến thảo luận của các kiểm toán viên hành nghề thuộc Tổ chức kiểm toán quốc tế Integra International
Báo cáo kiểm tra chất lượng của VACPA
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của một số doanh nghiệp niêm yết.