GIẢ
Trong khi khẩu quyết của Thiền là “tức tâm thành Phật”, tâm ngươi chính là Phật, thì mật tông táo bạo hơn, xác quyết “tức thân thành Phật”. Cái thân ngũ uẩn nếu tách rời ngã chấp thì không khác gì thân Phật. Từ nhận định ấy, mật tông có những lối tu hành đặc biệt, không giống bất cứ pháp môn nào khác trong Phật giáo mà ta đã biết. Một trong những lối tu đó là phương pháp quán mandala gọi là deity yoga (thiền quán về chư thiên), trong đó, sau khi thiền định về Tính không của tâm thức, hành giả sử dụng nền tảng Không ấy để tưởng về thân và tâm mình như những thực thể hoàn toàn trong sáng không tì vết, như chư thiên. Và trong Không ấy, không những chỉ có một vị trời mà có rất nhiều vị, từ ngũ uẩn, lục căn, từ các thân phần biến thành, nói tóm lại có bao nhiêu uế vật trong thân thể phàm phu thì có bấy nhiêu vị chư thiên tràn trề ánh sáng. Vì thân thể đã được chuyển hóa, thuần tịnh nên hoàn cảnh và hoạt động của nó cũng được chuyển hóa: núi sông cây cỏ đều trở thành cảnh giới chư thiên, những hoạt động bình thường như đi đứng nói im không gì là không thuần tịnh. Tóm lại, trong mandala toàn là chư thiên và cảnh giới của chư thiên, và mandala ấy tượng trưng cho thân tâm của hành giả.
Mật tông được gọi là “kim cương thừa” bởi lẽ đó là lối tu cao nhất, và cam go nhất. Người chọn mật tông phải vì một động cơ cao cả là lòng bi mẫn lớn lao đối với chúng sinh đau khổ, muốn sớm thành Phật quả để độ sinh. Vì mục đích đặc biệt này, vai trò của bậc thầy trong mật tông hết sức quan trọng, quả thế, còn trọng hơn cả ngôi tam bảo ít nhất trong giai đoạn đầu. Do đó trong Hồng danh bửu sám, một lối hành trì có lẽ bắt nguồn từ mật tông,
trước khi lễ Phật hành giả đảnh lễ “Nam mô Kim cang thượng sư” là bậc thầy về mật tông.
Người chọn mật tông để tu tập phải chấp nhận ba điều nguy hiểm có thể xảy đến cho tính mạng: một là chết, hai là điên loạn, ba là trở thành phế nhân. Trái ngược với thiền “an trú tính không”, và xem như không tất cả mọi hiện tượng trước mắt, mật tông lại vận dụng trí tưởng tượng tới mức tối đa trong lúc quán đồ hình hay mandala. Từ sự quán tưởng những vật trước kia không, nay thành ra có, mà hành giả cuối cùng thấy được tất cả cái có cái không đều tương đối, giả huyễn, và do dó giải thoát khỏi mọi tham ưu ở đời, nhưng đồng thời vẫn có thể biến hóa đủ thứ vì mục đích độ sinh.
---o0o---