vọng sống của nó; và Lời phải mặc cho khát vọng này toàn bộ ý nghĩa và chiều kích của nó.
Thế mà điều đó xảy đến không phải bởi hiệu quả của Lề Luật, nhưng vì ân sủng nguyên tuyền đã được trao ban. “Vì Lề Luật được lập bởi Môisen, còn ân sủng và chân lý thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà đến” (Ga 1, 17). Trong Đức Giêsu, Lời ẩn giấu nơi Thiên Chúa mang lấy xác phàm của chúng ta; Lời mang lấy con người cách tràn đầy ân sủng và toàn vẹn. Lời đã tự biểu lộ bằng ngôn ngữ của con người, ngôn ngữ của khát khao. Lời đã gợi lên sự sống thần linh bằng những từ ngữ thường ngày của chúng ta, cũng là những từ ngữ của các thi nhân, những từ ngữ của khát khao. Sự sống không thể đến gần được, không thể nhìn thấy được của Thiên Chúa nay trở nên cho chúng ta “nguồn nước”, “bánh sự sống”, “ánh sáng ban ngày”, “tiếng của gió”…
Và không chỉ bằng từ ngữ của chúng ta mà Lời tự biểu lộ, nhưng còn bằng hành động nữa. Vì Lời là sự sống và thông truyền sự sống. Lời toả lan như một thứ rượu quảng đại vào ngày cưới. Chính Lời tự trao ban. Không khi nào Lời là “xác phàm” giống hệt chúng ta cho bằng vào ngày khi Lời phó mình cho những kẻ muốn dập tắt Lời. Cũng không khi nào Lời là Lời Thiên Chúa đến mức như thế, vì ngang qua thịt trao nộp và máu đổ ra của Con Người, vinh quang Thiên Chúa tự tỏ lộ trong toàn bộ sự rạng rỡ của mình; nhờ đó, con người có thể thấy được ánh huy hoàng của một sự sống vốn hoàn toàn là tình yêu. Cũng thế, “Lời đã chiếu sáng bóng tối và bóng tối đã không triệt được ánh sáng”. Trong ánh sáng này, một con người sống động, một con người kiện toàn chiếu tỏa sự
sống sung mãn đã xuất hiện. Sự sống đời đời được tỏ hiện như sự kiện toàn chính mình của con người trong niềm hiệp thông bữa tiệc Agapê của Thiên Chúa.
Lời tựa của Gioan đã diễn tả sự đạt đến ân sủng này trong những lời bất hủ:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta,
và chúng tôi được nhìn thấy
vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật…” (Ga 1, 14).
“Vâng, từ nguồn sung mãn của Ngài, chúng ta đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác…” (Ga 1, 16).
“Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài cho họ quyền
trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).
Vậy, mỗi người có thể lấy lại tùy thích lời mà Đức Giêsu đã thưa lên với Cha Ngài; hãy nói cách chân thực: “Lạy Cha, […] Cha đã yêu thương con trước khi tác thành thế giới” (Ga 17, 24b). Sự sống Thiên Chúa chính là Tình Yêu vĩnh cửu đầu tiên này, một tình yêu mà mọi vinh quang và niềm vui của nó cốt yếu là thông truyền cho nhau. Nhất thiết là sự hiến trao chính mình, sự sống này được biểu lộ bằng việc tự hiến. Sự sống này trao ban bằng cách yêu thương như đã yêu thương. Cũng thế, con người sẽ kiện toàn chính mình bằng cách mở lòng ra trước tình
yêu của Thiên Chúa, trước chính sự hiệp thông Ba Ngôi để được dẫn dắt, được khơi gợi bởi tình yêu và sự hiệp thông này trong mọi tương quan nhân loại của mình.
“Lời mặc lấy xác phàm” là mầu nhiệm của một cuộc gặp gỡ: gặp gỡ giữa sự sống siêu việt của Thiên Chúa và sự sống đầy khát vọng của con người. Toàn bộ Tin Mừng Gioan là trình thuật của cuộc gặp gỡ này, nơi vinh quang của các khởi đầu được biểu lộ. Sự sống siêu việt của Thiên Chúa được biểu lộ ở đây như một sự sống sung mãn, một sự thông ban triệt để, hoàn toàn cho không; và sự sống đầy khát vọng của con người trong nỗ lực vươn lên ban đầu của mình dường như tất cả đã hướng đến sự sung mãn thần linh này.
Con người là một hữu thể của khát khao, khát khao sự sống và hạnh phúc, vẻ đẹp và tình yêu. Con người muốn sống và cảm nhận niềm vui sống. “Khát khao là bản chất của tâm hồn” (Augustinô). Là một hữu thể của khát khao, con người lao mình vào thế giới, một thế giới bao la của những sự vật và những hữu thể. Nhưng, vượt trên thế giới và ngang qua thế giới, con người nhắm đến sự sống sung mãn. “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa” (Fecisti nos ad te), Augustinô viết. Con người là cả sự chuyển động này, là nỗi day dứt và là dòng thác này. Con người chỉ có thể là chính mình bằng cách mở lòng ra với Thiên Chúa.
Khác với một số người khôn ngoan tìm thấy căn nguyên sự dữ trong niềm khát khao và họ tìm kiếm ơn cứu độ trong sự tuyệt chủng của mình, thì Ngôi Lời mặc lấy xác phàm lại liên kết con người với căn nguyên khát vọng
của nó; Ngài thấy ở đó cái sức bật đầu tiên chính Đấng Tạo Hóa đã đóng ấn trên thọ tạo của mình, bằng cách mời gọi thọ tạo thông phần sự sống của Thiên Chúa. Không hề muốn giữ lại sức bật này, Ngài kết ước với nó ngay từ bên trong, giải thoát nó khỏi những ràng buộc cổ thời và dẫn nó vào ánh sáng sự sống thần linh. Ngài ban lại cho nó ý nghĩa và tương lai. “Hỡi người đang khát, hãy đến cùng tôi, và hãy uống…” (Ga 7, 37). Lời mời gọi của Đức Giêsu nhắm đến một cái gì căn bản hơn, phổ quát hơn nơi tâm hồn con người: niềm khát khao được sống. Đồng thời, lời mời gọi này khơi dậy khát vọng sâu xa của con người, mang cho nó chiều kích vĩnh cửu của sự sống: dẫn con người vào trong sự viên mãn bằng cách đưa nó đến sự viên mãn của Thiên Chúa.
Con người ví tựa dòng sông. Ở nguồn phát sinh của mình, dòng sông chảy giữa đôi bờ siết chặt. Con người có thể tin mình được tạo thành cho đôi bờ quen thuộc và gần gũi này; nó cảm thấy ngang tầm với chúng. Thế nhưng, con sóng lớn lên từ những dòng chảy lại xô đẩy và luôn mang con người đi xa hơn. Giờ này qua giờ nọ, trong cánh đồng, đôi bờ mở dần ra như để con người có nhiều chỗ hơn. Con người lại tìm níu kéo đôi bờ một cách vô vọng. Đôi bờ tránh xa, đôi bờ chạy trốn con người; đến một lúc chúng biến mất hoàn toàn để mặc dòng sông đối diện với cái mênh mông của đại dương. Chẳng còn bờ, dòng sông chỉ còn nên một với đại dương, một đại dương đón nhận dòng sông vào cung lòng mình: sông đã hoá biển. Rồi, được nâng lên bởi những con sóng lớn, dòng sông nhảy múa với mặt trời.
Trong ánh sáng của Ngôi Lời làm người, con người chính là hữu thể vô biên này, một hữu thể kiện toàn chính mình cách trọn vẹn trong sự hiệp thông với Đấng là nguồn sống sung mãn. Nhưng khác với dòng sông phải đánh mất chính mình trong đại dương, con người đạt được toàn bộ chiều kích cá vị của mình trong sự hiệp thông Ba Ngôi. Không rào cản nào, không luật lệ nào có thể ngăn chặn sức vươn mạnh của nỗi khát khao nơi con người; bởi lẽ, nó được tác thành để sống chính niềm vui sống thần linh.