Thiền nhân Bảo Quý, tự dụng tâm thủ hộ Phật Pháp. Lúc trẻ viết kinh Pháp Hoa và các bộ kinh khác. Mộ tiền tạo hai thánh tượng Thích Ca và Di Đà bằng chiên đàn, để nơi Đỉnh Hồ ở Đoan Châu. Lúc qua lại Ngũ Dương, nghiêng đầu thỉnh vấn. Tôi bảo rằng Phật dạy các pháp từ duyên sanh, các pháp từ duyên diệt ; duyên hội mà sanh, tức là duyên chưa sanh thì không có ; duyên chưa có, tức là tuy có mà tánh thường tự không. Tánh không tức là chư pháp vốn chẳng có tự tánh. Vì vậy bảo rằng biết pháp thường vô tánh. Hạt giống Phật từ duyên khởi. Người năng đạt duyên khởi vô tánh, tức là hạt giống chân chánh thành Phật.
Thiện tai Phật tử ! Thầy đã viết các quyển kinh pháp, cùng tạo các thánh tượng Như Lai bằng gỗ chiên đàn. Dùng tín lực làm nhân, và mượn các việc huyễn hoá làm duyên ; đó là Phật từ duyên khởi, mà pháp cũng từ duyên sanh. Nơi trong pháp tánh, pháp tức là Phật, và Phật cũng là pháp.
Song, nếu không xem xét kỹ rằng pháp tánh là không, thì tánh chẳng không. Nếu bảo tánh không, tức nay thấy tướng hảo trang nghiêm của Phật, quang minh sáng chói, hừng thạnh như núi báu, mà tám mươi quyển kinh linh văn Hoa Nghiêm, thứ lớp ba mươi chín phẩm, năm vòng nhân quả hạnh bố, bốn mươi hai quả vị sâm nghiêm, không thiếu một chữ. Ba lần thọ ký trong kinh Pháp Hoa, cùng lễ lạy chư Phật trong hồng danh sám pháp, không thiếu một người. Hình thể sáng soi, rực rỡ đầy khắp, có thể bảo là tánh không vô vật chăng ? Nếu bảo tánh này chẳng phải là không, thì lúc duyên hội tụ, giấy vẫn là giấy, mực vẫn là mực, vàng tự là vàng, hương tự là hương. Giấy mực như thế, đều vì thế đế mà lưu bố. Vàng hương như thế đều vì ác nghiệp mà trang nghiêm. Danh từ Phật Pháp từ đâu mà có ! Cầu kia vốn không, tức tánh tự không. Nay do duyên tụ hội, tức dùng vàng hương của thế đế mà cho là tượng Phật, và dùng giấy mực của thế đế mà cho là kinh. Hiện thời, tướng giấy mực không khác, và xưa kia thể không tăng. Danh từ Phật Pháp đã rõ rêt ; người thành thục bèn khởi tâm cung kính hay ngạo mạn khiến cách ngăn,
mà cơ thiện ác thấu suốt trời xanh. Do đó, quán xét tất cả pháp, vốn không tự tánh, rõ ràng chỉ từ duyên khởi mà sanh. Năng liễu đạt Phật Pháp vốn không có tự tánh, đấy chính là hạt giống chân chánh thành Phật.
Song, tuy tạo bao nghiệp lành thù thắng, mà không thẩm xét liễu đạt vô tánh mà làm, thì do làm nên sau này sẽ liễu đạt được vô tánh. Nếu liễu đạt vô tánh mà làm, tức Phật Pháp ngay nơi mình mà không ở nơi vật. Nếu không liễu đạt mà làm, thì Phật Pháp ngay nơi vật chứ không ở trong tâm mình. Nếu do làm mà sau này được liễu đạt, thì mình và vật đồng vô tánh. Đạt được vô tánh, tức là không có người năng tác. Đạt được pháp vô tánh, tức là không có pháp để làm. Người và pháp đều không, thì thị phi đều tiêu mất ; mình và vật đều không còn dấu tích, sao còn phân biệt chỗ nào ! Nếu đạt được như thế thì công đức không thể nghĩ bàn. Đạo Bồ Đề cũng không thể nghĩ bàn. Chư Phật tử ! Hiểu biết như thế, chính là hiểu biết chân chánh. Hành được như thế, thì chính là diệu hạnh. Sao dùng tâm suy nghĩ mà làm những việc Phật sự khó suy tư ! Ví như tay cầm lửa đom đóm mà muốn đốt núi Tu Di, thì chỉ tự mệt nhọc chứ có ích lợi gì, và cứu cánh ở chỗ nào !
Lành thay chư Phật tử ! Hãy quán xem pháp vương pháp. Pháp vương pháp là như thế ; phải nên biết mà hành và trì theo đó, mới gọi là vượt trên hết các loài hữu tình !
---o0o---