Lê Thanh Vân TP Hải Phòng

Một phần của tài liệu BienBan8-11s (Trang 29 - 31)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí với những ý kiến phát biểu trước tôi về những dự kiến chương trình giám sát. tuy nhiên ý kiến của tôi tập trung vào hai vấn đề để làm rõ hơn

phương thức thực hiện quyền giám sát và cần phải nhắc lại những quy định của pháp luật về quyền giám sát của Quốc hội.

Thứ nhất, về phương thức của giám sát tối cao và giám sát của các cơ quan của Quốc hội tôi thấy thời gian chúng ta đã có nhiều cố gắng. Thực hiện được giám sát tối cao tại kỳ họp bằng việc xem xét các báo cáo và giám sát các chuyên đề và giám sát thông qua các Đoàn giám sát của cơ quan Quốc hội thực hiện cũng rất tốt. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là bản chất của hoạt động giám sát thì hướng tới hai mục tiêu:

Một là kiểm tra lại tính đúng đắn của các quy định do Quốc hội ban hành, để từ đó sửa đổi nếu như nó không phù hợp, bổ sung nếu nó chưa có.

Đấy là mục đích thứ nhất. Chúng ta trong nhiều báo cáo giám sát thì chưa tô đậm vấn đề này. Có thể có những báo cáo đã nhận xét, đánh giá nhưng chưa chỉ rõ ra những quy định nào, nhóm nào cần phải sửa đổi, bổ sung thì chưa đậm nét.

Mục tiêu thứ hai là kiểm tra lại việc tổ chức thực hiện luật, tổ chức thi hành pháp luật. Tổ chức thực hiện luật đó là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cụ thể hóa các quy định của luật như thế nào. Quá trình áp dụng pháp luật, đặc biệt việc ban hành các quyết định hành chính để chỉnh đốn tổ chức, bãi bỏ hoặc sửa đổi các văn bản ban hành trái với pháp luật hoặc những văn bản áp dụng trái với pháp luật. Từ đó chỉnh đốn bộ máy tổ chức xem là bộ máy đó yếu ở chỗ nào, thiếu chỗ nào cả về năng lực pháp lý để quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho họ, cả về năng lực tổ chức để tăng cường sức mạnh về nhân sự cho họ, hay là yếu kém về nhân sự cần phải thay thế. Nhưng trong báo cáo giám sát của chúng ta vừa qua chưa làm sâu sắc vấn đề này. Đấy là về phương thức giám sát.

Tôi đề nghị tới đây chúng ta tập trung vào hai mũi nhọn, đó là kiểm tra văn bản, quá trình thực hiện các văn bản luật của Quốc hội và kiểm tra năng lực tổ chức, năng lực nhân sự tổ chức thi hành luật.

Vấn đề thứ hai là trong thời gian khá dài chúng ta đã quên lãng hai quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp Quốc hội.

Điều 77 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 46 Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định tại Kỳ họp cuối năm thì các cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội đều phải gửi báo cáo đến Quốc hội để Quốc hội xem xét thảo luận. Lâu nay chúng ta duy trì việc này bằng hình thức gửi văn bản cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu, không có buổi nào để Quốc hội xem xét đánh giá, mặc dù đây là hình thức giám sát tối cao tại kỳ họp. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội tùy thuộc vào các cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội, đặc biệt là chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội nhưng Chính phủ chưa bao giờ làm. Chính phủ chỉ báo cáo về tình hình kinh tế xã hội như mô tả bức tranh kinh tế xã hội. Còn kiểm điểm quá trình điều hành, chấp hành pháp luật một năm chưa hề có báo cáo.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội duy trì tốt chế độ này nhưng chỉ gửi báo cáo tới các đại biểu còn không thảo luận, xem xét. Tôi cho đây cũng là cách thức phê và tự phê để thấy được những ưu điểm, nhược điểm, những điểm cần khắc phục trong một năm điều hành kinh tế xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị từ năm sau Quốc hội duy trì tốt hoạt động này. Xin hết.

Một phần của tài liệu BienBan8-11s (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(34 trang)
w