Vô Danh đáp :
Tên gọi của "hữu" và "vô" dù cho không pháp nào chẳng bị bao gồm, không có lý nào chẳng bị lệ thuộc, nhưng sự bao gồm lệ thuộc chỉ là tục đế mà thôi. Trong Kinh nói : "Chân đế là gì? Là đạo của Niết Bàn vậy. Tục đế là gì? Là pháp hữu và vô vậy". Tại sao? Hữu là hữu nơi vô12, Vô là vô nơi hữu13. Cho nên, hữu cái sở vô gọi là "hữu", vô cái sở hữu gọi là "Vô"; "Hữu" và "Vô" đối đãi nhau mà hình thành nên gọi là Tục Đế.
Thế thì hữu sanh nơi vô, vô sanh nơi hữu : lìa hữu chẳng vô, lìa vô chẳng hữu; hữu và vô tương sanh với nhau cũng như quay bánh xe; cao thấp thay phiên với nhau, có cao thì phải có thấp, có thấp thì phải có cao.
Như thế, hữu và vô dù khác biệt đều chẳng thể lìa nơi hữu vậy. Ấy là chỗ hình thành của ngôn ngữ, chỗ sanh khởi của thị phi, lý chẳng nhất định, đâu có thể bao gồm hết cả sự nhiệm mầu cùng tột mà diễn tả cái đạo thần diệu của Niết Bàn?
Cho nên Luận nói : "Siêu xuất hữu vô" là bởi cái tên của hữu vô chỉ hạn chế trong cảnh lục căn và lục trần. Trong cảnh lục căn, lục trần chẳng phải là căn nhà nhiệm mầu của Niết Bàn, nên mượn chữ "xuất" để quét tình mê chấp mà thôi.
Hy vọng những người học đạo, do lời nói tỉ lượng diễn tả sự thâm sâu của Niết Bàn, gởi tâm nơi quên tình tuyệt chứng, được ý quên lời, khế ngộ sự phi hữu, phi vô thôi. Đâu phải ở ngoài hữu và vô còn có một cái hữu để gọi vậy, ấy là chấp lời nói mà chẳng hiểu ý chỉ, thiệt sai lầm biết bao!
Trong Kinh nói : "Tam vô vi là bởi chúng sanh lăng xăng qua lại trong sanh tử". Bệnh sanh tử do nơi tai họa của căn trần, sự tai họa lớn nhất của căn trần trước tiên là do nơi hữu. Muốn xóa bỏ sự hữu, trước tiên phải dùng vô, nên mượn chữ vô để sáng tỏ sự phi hữu, sáng tỏ sự phi hữu chẳng phải cho là thật không vậy.
---o0o---