III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC CHỦ YẾU
3. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu:
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường là một trong 3 mục tiêu kinh tế- xã hội-môi trường để phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu chung là làm cho môi trường sống ngày càng tốt hơn. Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, đề án “chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án khai thác khoáng sản.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, cấp nước, vệ sinh môi trường nông thôn, các công trình phòng chóng giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất
lượng cuộc sống nhân dân ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn. Tập trung xử lý chất thải vùng nông thôn, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu dân cư, xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Phấn đấu đến năm 2025 có 98,8% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 75% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% chất thải rắn được thu gom xử lý.
Triển khai có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn với việc thực hiện các chính sách xoá đói giảm nghèo. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng. Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất hiện có, tổ chức trồng rừng sản xuất có hiệu quả, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng trên diện tích đất trống, sử dụng chưa đúng mục đích hoặc kém hiệu quả. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác trồng cây phân tán trong nhân dân, cải tạo môi trường sinh thái.
Tổ chức lập và thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý đất đai. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.