HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
2.1. Giải pháp về quản lý hành chính
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về đất đai để các tổ chức và nhân dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, để sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả cao.
Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kiên quyết không thỏa thuận đầu tư, cấp phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với những dự án, công trình không nằm trong danh mục, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp cố tình chậm triển khai thực hiện hoặc sử dụng đất sai mục đích khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Cải cách thủ tục hành chính là giải pháp đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong đầu tư, thành lập doanh nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng vv... tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng nhằm huy động tối đa mọi nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, đảm bảo được tính minh bạch của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để mọi thành phần kinh tế biết, để tham gia thực hiện.
2.2. Giải pháp về chính sách
Tiếp tục cụ thể hóa chính sách pháp luật về đất đai, nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Hưng Yên: chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách tài chính về đất đai; chính sách đất đai đối với nông nghiệp, thị trường bất động sản.
Nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách và tạo môi trường thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn và thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư lâu dài trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Tăng cường giới thiệu, quảng bá các tiềm năng thế mạnh của địa phương đi đôi với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; chủ động xây dựng các danh mục các chương trình, dự án để kêu gọi, thu hút vốn đầu tư trong nước và các nguồn vốn nước ngoài (ODA, FDI ...).
Thực hiện nghiêm Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Trong đó chú trọng đến việc bảo vệ và cải tạo đất trồng lúa, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa.
2.3. Giải pháp về quản lý, sử dụng đất lúa
Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được. Điều tiết phân bổ nguồn lực bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hóa tại địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; cụ thể hóa chính sách và các biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất.
2.4. Giải pháp về nguồn lực và vốn đầu tư
Bổ sung nhân sự đủ, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quản lý đất đai.
Rà soát, đánh giá đúng các đối tượng sử dụng đất, đặc biệt là các đối tượng thuê đất. Tiếp tục rà soát tăng cường quản lý về đất đai đối với các tổ chức, cá nhân thuê đất để tránh thất thu. Khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm áp lực cho nguồn ngân sách Nhà nước.
Nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch là rất lớn. Để đáp ứng, cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, vốn đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn, vốn tín dụng của các ngân hàng, trong đó có tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, phải đặc biệt chú trọng các nguồn vốn của khu vực tư nhân, dân cư, vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án ngân sách Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu cho ngân sách địa phương; các nguồn vốn do các Bộ Ngành ở Trung ương thực hiện trên địa bàn; các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vv... Nghiên cứu áp dụng các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO vv...
Thực hiện có hiệu quả công tác phát triển quỹ đất, chọn những vị trí có khả năng tạo giá trị kinh tế cao, hấp dẫn đầu tư để tiến hành bồi thường tạo quỹ đất sạch và tổ chức đấu giá nhằm điều tiết giá trị gia tăng từ đất, lấy vốn để đầu tư lại các công trình hạ tầng.
Thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, tiến hành lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu công nghiệp; thông qua quy hoạch, tạo quỹ đất để có thêm nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng ở các khu vực này.
Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân vùng bị thu hồi đất. Có cơ chế cụ thể hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác.
Xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở các cấp, đặc biệt cấp huyện, cán bộ địa chính xã, phường.
2.5. Giải pháp về khoa học – công nghệ
Bố trí đầy đủ điều kiện vật chất, từng bước ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong việc giám sát, tổ chức thực hiện quy hoạch. Củng cố và nâng cao hệ thống thông tin về đất đai, tăng cường sử dụng công nghệ viễn thám và GIS trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu về quản lý đất đai và hôi nhập quốc tế.
Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác địa chính như: đo đạc bản đồ số, lưu trữ thông tin, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
2.6. Giải pháp về tổ chức thực hiện
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức tuyên truyền, công bố công khai, để nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức xã hội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch, kế hoạch.
Trên cơ sở phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Hưng Yên, tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất năm đầu điều chỉnh cho các huyện, thành phố. Tiến hành giao chỉ tiêu thực hiện kế hoạch sử dụng đất đến từng huyện, thành phố.
Tổ chức tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, các dự án về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu đô thị mới... trên địa bàn tỉnh
Quản lý, tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt; chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm chủ lực phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Thường xuyên kiểm tra tiến độ đầu tư dự án và thực hiện thu hồi, hủy bỏ các dự án chậm triển khai hoặc không khả thi.