(Đại Đoàn Kết Online 14/8, Hạnh Nguyên - Xuân Thi - Lê Minh)
Tất cả những rủi ro từ hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) xuất phát do đâu? Sau những tháng ngày bôn ba nơi xứ người, khi trở về, lao động làm việc gì, ở đâu cho phù hợp?... Những câu hỏi này đều cần được lý giải và có biện pháp khắc phục thì XKLĐ mới thực sự là giải phát hữu hiệu cho người lao động. Theo Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Đặng Văn Dũng, ngoài số lao động đi làm việc nước ngoài theo diện hợp đồng với các doanh nghiệp XKLĐ hoặc các nhà thầu nhận công trình ở nước ngoài thì hằng năm Hà Tĩnh còn có khoảng hơn 10.000 người không có hợp đồng (đi theo hình thức du lịch, thăm thân, khám chữa bệnh). Con số này cao gấp 1,5 lần so với số
Anh Jacob Allan Warnor bày tỏ vui mừng khi nhận lại tài sản.
lao động đi theo diện hợp đồng. Thị trường lao động tự do đi làm việc nước ngoài chủ yếu là Thái Lan (7.000-8.000 người/năm), Lào (1.500 người/năm), Angola (800-1.000 người/năm).
Một hình thức đi làm việc nước ngoài khác đang phát triển rầm rộ trong những năm gần đây đó là du học, thực chất đây là hình thức XKLĐ “trá hình”. Người lao động đi làm việc theo hình thức này sẽ làm các thủ tục hồ sơ du học bình thường như các du học sinh khác nhưng khi sang đến đất nước bạn thì chủ yếu là đi làm để kiếm thu nhập chi trả các khoản học phí và tích lũy gửi về gia đình thanh toán các khoản nợ vay. Số giờ làm thêm của các bạn du học sinh gần tương đương với số giờ làm việc của thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản. Theo số liệu thống kê từ các công ty du học và các đơn vị tư vấn du học thì hằng năm Hà Tĩnh có trên 1.000 người đi làm việc theo hình thức này, thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở Hà Tĩnh, từ 2004-2017 có 3.454 lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, tình hình lao động cư trú bất hợp pháp đang là vấn đề rất “nóng” với tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp luôn chiếm trên 50% tổng số lao động hết hạn hợp đồng phải về nước. Mặc dù đã vận động được gần 1.400 lao động “chui” ở Hàn Quốc về nước nhưng hiện tại Hà Tĩnh đang có hơn 1.000 lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Năm 2016 và 2017, Hà Tĩnh có 5 địa phương bị đình chỉ 1 phần chương trình đó là các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc.
“Hiện nay, các vụ việc liên quan đến hoạt động XKLĐ đang được tăng cường kiểm tra, xử lý; tuy vậy tình hình đi XKLĐ đường trá hình theo hình thức du học đang phát triển ở các địa phương, đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời” – ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Những năm gần đây, nhiều lao động tại Hà Tĩnh lao đao sau khi bị lừa phải cầu cứu cơ quan chức năng. Quá trình điều tra, Công an TP Hà Tĩnh phát hiện Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình, có văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh lừa đảo 6 lao động, chiếm đoạt 40.500 USD.
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh còn điều tra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác thông qua hoạt động XKLĐ như vụ ông Phạm Văn Tiến – Giám đốc Công ty Tiến Phát (Văn phòng đóng tại đường Vũ Quang – TP Hà Tĩnh lừa đảo 36 lao động đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng (bị cáo đã bị tuyên phạt 16 năm tù giam). Ông Nguyễn Văn Hồng – nguyên cán bộ UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lừa đảo của 11 lao động ở các xã Thạch Kim, Thạch Bằng với số tiền là 82.000 USD (hiện vụ việc đang được điều tra, xử lý)…
Năm 2017, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận được hơn 20 lá đơn của người dân ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam tố cáo Nguyễn Chiến Thắng (36 tuổi, trú phường Phú Hiệp, TP Huế) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo của Thắng được thực hiện bằng cách nhận hồ sơ, tiền để đưa người có nhu cầu đi lao động tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật. Từ tháng 5/2016 đến tháng 1/2017, Nguyễn Chiến Thắng do chơi cá độ bóng đá thua và nợ một khoản tiền lớn nên khi có học viên đến đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật, Thắng nói có thể đáp ứng nhu cầu đi làm việc tại Nhật. Chi phí xuất cảnh mỗi học viên là 6.000USD, nếu tham gia phải đóng trước 4.000USD, khi nào có lịch xuất cảnh sẽ thu thêm 2.000USD. Bằng chiêu thức này, Thắng đã lừa hơn 20 người và thu tổng cộng gần 2,5 tỷ đồng. Tháng 5/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giữ đối tượng Nguyễn Chiến Thắng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hầu như lao động địa phương nào cũng “dính bẫy” XKLĐ, trình độ dân trí càng thấp thì tỷ lệ bị lừa càng cao.
Những lao động được chúng tôi đề cập trong bài trước như Hoàng Văn Đ. (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Nguyễn Văn P. (trú xóm Nam Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh); Phạm Thị H. (ở thôn Tú Loan, xã Quảng Hưng Quảng Trạch, Quảng Bình)… đều có một cái kết chung đó là gặp nạn thương tâm trên đất khách, quê người. P. và H. đều xuất ngoại khi tuổi đời còn quá trẻ, mới rời ghế trường cấp 3, cả hai đều chưa được đào tạo nghề, chưa có kinh nghiệm làm việc cũng như trải đời. Sau khi làm thủ tục du học, học một ít tiếng rồi sang nước bạn vừa học vừa làm. Còn anh Hoàng Văn Đ., mặc dù ban đầu XKLĐ chính ngạch nhưng được một thời gian “nhảy” ra ngoài, Đ. cũng mới chỉ tốt nghiệp THPT.
Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ, Cương Gián là xã đầu tiên trên cả nước có người dân đi XKLĐ. “Trước đây, XKLĐ không hề đòi hỏi đến bằng cấp, trình độ văn hóa mà ai đủ sức khỏe hoặc biết nghề đi biển đều có thể xuất ngoại được. Bây giờ, XKLĐ ít nhất phải tốt nghiệp THPT, còn tốt nghiệp cao đẳng, đại học rất ít khi tìm đến XKLĐ. Còn trường hợp du học thì ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường, một số em đã được bố mẹ định hướng du học rồi”.
Tại Hà Tĩnh, có khoảng 90% lực lượng lao động của tỉnh này đi XKLĐ thời gian qua chủ yếu là lao động phổ thông. Hà Tĩnh có một lực lượng hùng hậu lao động được đào tạo bài bản, hầu hết đã tốt nghiệp từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, lực lượng lao động chất lượng cao này lại chưa tham gia nhiều vào việc XKLĐ mà đa số đều mong muốn tìm việc làm trong các cơ quan nhà nước hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh gần với gia đình dù công việc không ổn định và thu nhập thấp.
Chính điều này dẫn tới việc lao động Hà Tĩnh chỉ tiếp cận được với các thị trường dễ tính, thu nhập thấp như: Malaysia, Trung Đông, Bắc Phi; đi biển Đài Loan, Hàn Quốc... và được giao những công việc đơn giản, có hàm lượng khoa học công nghệ và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin thấp. Do đó, dẫn đến việc tích lũy kiến thức, kỹ năng của lao động trong quá trình làm việc không nhiều. Đây cũng là mấu chốt dẫn đến việc các lao động khi hết hạn hợp đồng trở về khó tìm được việc làm tại các công ty, dự án lớn trên địa bàn.
Không những vậy, lao động chưa qua đào tạo sẽ dẫn đến ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật và các quy định lao động tại nơi làm việc không cao, tác phong công nghiệp thấp. Đây là nguyên nhân lý giải tình trạng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật của lao động Việt Nam nói chung, lao động Hà Tĩnh nói riêng tăng cao trong những năm gần đây. Mặt khác, lao động trình độ thấp sẽ là “lỗ hổng” để các đối tượng lừa đảo dễ dàng “giăng bẫy”.
Hiện nay, cánh cửa xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao đang rộng mở hơn với lao động Việt Nam. Để có thể thay đổi cách nhìn của các nhà tuyển dụng đối với lao động Việt Nam, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ thì việc nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu là hướng đi chiến lược. Lao động chất lượng cao sau khi về nước sẽ là lớp thầy, lớp thợ, là trụ cột vững chắc cho ngành công nghiệp nước nhà đang ngày càng phát triển. Về đầu trang
http://daidoanket.vn/tieng-dan/giai-bai-toan-xuat-khau-lao-dong-bai-cuoi-vi- dau-nen-noi-tintuc412598