0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (45 trang)

Tư duy sắc, cảm nhận tinh tế

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ LUYỆN THI ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG MÔN NGỮ VĂN: BÍ QUYẾT HỌC VÀ ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN NGỮ VĂN (Trang 29 -30 )

Năng lực tư duy sắc sảo, cảm nhận văn chương tinh tế và trình độ kiến thức chuẩn mực là điều kiện quan trọng để làm nên bài văn cao điểm.

- Tư duy trong bài văn phải rành mạch, trong sáng, chính xác, rõ ràng, tránh lan man dây cà ra dây muống (thể hiện ở cách triển khai hệ thống ý và cách kết cấu bài viết).

Tư duy phải sắc sảo, thông minh. Để bài văn đạt kết quả cao, rất cần người viết khẳng định được bản lĩnh riêng, cá tính riêng, giọng điệu riêng của mình trước vấn đề mà đề bài yêu cầu giải quyết.

Ví dụ, các em hoàn toàn có quyền không tán thành với cách dùng từ “chưa” trong câu thơ “Nước những người chưa bao giờ khuất” của Nguyễn Đình Thi, bởi từ “chưa” chỉ bao quát được quá khứ và hiện tại, không bao quát được tương lai. Tất nhiên, những suy nghĩ và cảm nhận riêng trong bài văn đều phải có căn cứ khoa học.

- Người viết phải tỏ ra nhạy cảm, sâu sắc và tinh tế trong năng lực cảm nhận văn chương. Hãy cảm nhận mỗi chi tiết, hình ảnh, ngôn từ của tác phẩm bằng tất cả trí tuệ, tình cảm, sự say mê và niềm tâm huyết của mình.

Chỉ những người học văn tầm thường mới hiểu chi tiết “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát” là hành động uống rượu đơn thuần. Người học văn sâu sắc và nhạy cảm sẽ nhận ra rằng, cứ mỗi bát rượu, Mị như uống theo vào trong tâm hồn đau khổ của mình bao nhiêu nỗi tủi hờn, uất ức của cảnh làm dâu…

- Người làm văn phải biết cách huy động kiến thức, tài liệu vào một bài viết cụ thể. Kiến thức trong bài văn phải chuẩn mực, chính xác, đúng trọng tâm.

Kiến thức uyên bác, phong phú, có chọn lọc, mới mẻ, nhiều sáng tạo, có ý kiến riêng, thể hiện bản lĩnh và năng lực của người viết sẽ giúp cho bài văn có điểm số cao hơn.

Nên nhớ, “mỗi tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ngôn từ, bao giờ cũng là một phát hiện về nội dung và một khám phá về hình thức”( Lêônít Lêônốp). Văn học là lĩnh vực của cái riêng, độc đáo, không lặp lại, phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao)… nên cần chỉ ra cái mới mẻ hoặc nét riêng độc đáo của tác phẩm, tác giả, của một giai đoạn, trào lưu, hay nền văn học.

Bài viết phải toát lên một năng lực riêng, bản lĩnh riêng của người viết. Trong văn chương, không có gì buồn hơn là lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Khi làm văn, tuyệt đối không nên sao chép.

Một phần của tài liệu CHUYÊN ĐỀ LUYỆN THI ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG MÔN NGỮ VĂN: BÍ QUYẾT HỌC VÀ ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN NGỮ VĂN (Trang 29 -30 )

×