Tài nguyên biển là hệ thống tài nguyên có tính "chia sẻ" cao, đòi hỏi phải sử dụng đa mục tiêu, đa ngành và hài hòa lợi ích của các ngành và cộng đồng. Vì vậy, cần phải
tiến hành quy hoạch sử dụng biển, đảo với ý nghĩa là phương án thiết lập một cách có trật tự và hiệu quả không gian biển, phân bổ tài nguyên biển hợp lý hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
4.1.1. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển
Để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Bộ TN&MT mới ban hành Thông tư 19 quy định về kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Theo đó, Thông tư có 4 yêu cầu đối với việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Đó là: Tuân thủ các bước công việc, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành khi tiến hành các bước trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo phải bảo đảm tính thống nhất, khách quan, chính xác, đầy đủ; Bảo đảm tính tổng hợp, hệ thống; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặc điểm, vị trí địa lý, quy luật tự nhiên của các vùng biển, vùng ven biển và hải đảo; bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên biển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, hải đảo; bảo đảm an toàn trên biển; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực và địa phương trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo.
Về quy trình lập quy hoạch có 11 bước. Khi phải điều chỉnh quy hoạch do có thay đổi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; thay đổi điều kiện tự nhiên do tai biến tự nhiên, biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế xã hội của tổ chức, cá nhân làm biến đổi điều kiện tự nhiên của vùng thì việc điều chỉnh được thực hiện thông qua 8 bước.
Hiện nay việc khai thác và phát triển biển, hải đảo còn tự phát. Tại Hội thảo đánh giá kinh nghiệm, kết quả và tác động của các mô hình thí điểm quản lý tổng hợp đới bờ tổ chức ở Đà Nẵng mới đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện chưa có một cơ quan Trung ương nào có trách nhiệm "phân vùng", "quy hoạch" theo chức năng hay mục đích sử dụng một cách tổng thể cho đới bờ quốc gia. Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch, Điều tra, Đánh giá tài nguyên môi trường biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) Hứa Chiến Thắng cho biết, về mặt quản lý, tài nguyên biển và ven biển luôn là đối tượng sử dụng đa ngành. Có khoảng 15 Bộ, ngành và lĩnh vực dịch vụ đang khai thác và trực tiếp quản lý biển, hải đảo ở mức độ khác nhau.
Tại diễn đàn trao đổi về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức nhìn nhận: "Chúng ta chưa tổ chức được một cách khoa học và kiểm soát được không gian vùng biển của mình". Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa Lê Mộng Điệp khi chia sẻ về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể về sử dụng biển đảo ở Khánh Hòa cũng cho rằng, trong quản lý biển, ta vẫn lấy tư duy đất liền chi phối nên rất phân tán các nguồn lực.
Cũng tại diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam 2011, một chuyên gia quốc tế về quy hoạch không gian biển, ông Evan Ward Fox, đề xuất, để phát triển kinh tế biển hiệu quả, Việt Nam cần gấp rút quy hoạch không gian biển và vùng bờ trong chiến lược phát triển chung của quốc gia.
Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, quy hoạch không gian phát triển kinh tế biển sẽ giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển, ngăn chặn sự chồng chéo do các cách sử dụng đối kháng nhau. "Thực đây là vấn đề mới, quy hoạch không gian biển chưa nằm trong hệ thống các loại quy hoạch do Việt Nam quy định nên Tổng cục Biển và Hải đảo sẽ thực hiện từng bước", ông Hồi nói. Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Đồng thời, cả
hệ thống kinh tế "mặt tiền" - đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) - cũng phải phát triển mạnh.
Đánh bắt xa bờ là một thế mạnh với rất nhiều lợi thế về tiềm năng tài nguyên, tiềm năng về cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm sản xuất và hiệu quả kinh tế to lớn, vì vậy, ngành đánh bắt xa bờ đã và đang là một định hướng quan trọng được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hơn nữa đây cũng là một ngành có truyền thống đối với người dân huyên đảo, đã từng khai thác nguồn lợi hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và các ngư trường khác. Trong 5, 10 năm tới, cần có những đầu tư mang tính toàn diện về phương tiện, công cụ đánh bắt, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, kỹ thuật ngành sản xuất này sẽ đưa lại cho địa phương hiệu quả kinh tế rất lớn.
Ngoài những loài cá ngừ đại dương như ngừ vằn, ngừ chù, ngừ vây vàng, ngừ bu, ngừ bò v.v... ở vùng biển khơi Trung Bộ và Biển Đông, còn có thể khai thác các loài cá cờ phương Đông, cá nục heo, cá cờ ấn Độ, cá ó dơi Nhật Bản, cá ngừ mắt to, cá kiếm cá mập đuôi dài. Tổng trữ lượng cá ở vùng này là gần 2,4 triệu tấn, cho phép đánh bắt là gần 1,1 triệu tấn trong đó cá nổi chiếm 72%.
Khai thác nguồn lợi tôm, trong đó có các loài tôm giá trị kinh tế cao là tôm he, hào, tôm vàng, tôm bộp, tôm hùm. Nguồn lợi mực có thể khai thác là các loài mực ống Trung Hoa, mực thẻ, mực nang vân hổ và bạch tuộc.
Nguồn lợi hải sản ở khu vực khá phong phú, có thể tập trung vào khai thác tiềm năng của các nhóm cá san hô, ốc đụn cái, bào ngư, cua, trai ngọc, hải sâm,... ở các rạn san hô với nhưng quy hoạch đánh bắt hợp lý, bảo tổn nguồn gen và đa dạng sinh học, sinh thái cảnh của rạn san hô, nhằm khai thác lâu dài.
4.1.2. Giải pháp thực hiện
4.1.2.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và giá trị sinh thái
Nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của biển, rừng với huyện đảo, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.
Nâng độ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi phương thức và canh tác cũ không phù hợp bằng các phương thức canh tác khoa học, phù hợp.
Tăng cường trình độ khoa học kỹ thuật của ngư dân trong việc đánh bắt thủy hải sản. Đào tạo đội ngũ cán bộ thích hợp cho sự phát triển của ngành du lịch.
4.1.2.2. Quy hoạch
Cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế đảo, trong đó quy hoạch sử dụng đất là tối quan trọng, tiến đến là quy hoạch phát triển các ngành kinh tế theo hướng sinh thái bền vững nhằm giảp áp lực lên các hệ sinh thái biển và trên đảo đó chính là kinh tế sinh thái. Cần quy hoạch không trên trên đảo và vùng nước xung quanh theo hướng quản lý tổng hợp, tránh xung đột lợi ích giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.
4.1.2.3. Tăng cường thể chế, chính sách
Với cách tiếp cận hệ thống, cần xem xét mối quan hệ kinh tế - xã hội của địa phương với kinh tế - xã hội của nước ta. Vì vậy, trước hết cần phải xây dựng các cơ chế chính sách phát triển kinh tế theo hướng sinh thái bền vững và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển đảo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư từ các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước phù hợp với mục tiêu phát triển của huyện đảo và đảm bảo vấn đề an ninh, chủ quyền Quốc gia.
Chế độ chính sách đối với tài nguyên biển cần được xây dựng phù hợp nhằm tăng cường nhân lực khi đưa đi vào hoạt động như các chế độ đãi ngộ với cán bộ tham gia vào Ban quản lý, thu hút sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong và những quy chế phối hợp liên ngành giữa phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn, phòng Tài nguyên và Môi trường với lực lượng bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,...
Cần có những chính sách cương quyết đối với những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, vi phạm trong phạm vi khu bảo tồn, khai thác trái phép tài nguyên,...
Về thể chế, tiếp tục đẩy mạnh và kiện toàn bộ máy quản lý hành chính các cấp, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả cơ chế, chính sách đề ra
4.1.2.4. Tài chính
Nguồn tài chính nhằm thực hiện các định hướng phát triển bao gồm:
Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: hàng năm, nguồn vốn này được cấp về địa phương và địa phương cần có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, tránh gây lãng phí, không hiệu quả.
Nguồn vốn từ việc thu hút đầu tư nước ngoài: có rất nhiều các tổ chức nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các ngân hàng đa quốc gia, tổ chức môi trường, tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (quỹ Môi trường toàn cầu GEF, Ngân hàng thế giới WorldBank, quỹ SIDA, quỹ phát triển ADB, chương trình môi trường của Liên hiệp quốc UNEP, chương trình phát triển của Liên hiệp quốc UNDP, tổ chức liên chính phủ về đại dương IOC, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN,...), các tổ chức này thường hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án phát triển xã hội, bảo vệ môi trường; ngoài ra còn có nguồn vốn từ các chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước tạo ra nguồn vốn đối ứng; nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân là người nước ngoài khác như Công ty Tài chính Quốc tế IFC;
Nguồn vốn từ việc thu phí tham quan du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng chữa bệnh
4.1.2.5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là nâng cao trình độ quan trí về vai trò của phát triển kinh tế sinh thái hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là rất quan trọng.
Cùng với đó là đầu tư cho việc nâng cao trình độ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi phương thức và tập quán canh tác cũ bằng các phương thức canh tác khoa học, phù hợp với chức năng mới của nông nghiệp, tăng cường trình độ khoa học, kỹ thuật của ngư dân trong việc đánh bắt cá xa bờ và đào tạo đội ngũ cán bộ thích hợp cho sự phát triển của ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh.
4.1.2.6. Tăng cường hợp tác quốc tế
Việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm:
Kết nối và vận dụng các kết quả nghiên cứu khoa học tiên tiến trên thế giới, nhằm vận dụng có hiệu quả vào quá trình phát triển của biển đảo
Quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế nhằm thu hút khách du lịch, tìm cơ hội thu hút đầu tư
Trao đổi học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin tư liệu học tập và đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực quản lý;
Hỗ trợ tuyên truyền nâng cao nhận thức, khẳng định chủ quyền Quốc gia, chủ quyền vùng biển và lãnh thổ Việt Nam.
Các hình thức hợp tác quốc tế có thể thông qua các tỉnh, hoặc thông qua các chương trình của Nhà nước, và tự tìm đối tác.
4.1.2.7. Tăng cường nghiên cứu khoa học
Chúng ta cần tăng cường nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn các giá trị đặc hữu, quý hiếm về tài nguyên sinh vật. Thông qua việc nghiên cứu khảo sát để có thể có cơ sở cho việc phát hiện các bãi giông, bãi đẻ của các loài hải sản từ đó có các biện pháp quản lý hữu hiệu hơn.
Cần nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình du lịch sinh thái, mô hình phát triển dịch vụ cao cấp như nghỉ dưỡng chữa bệnh, dịch vụ cung ứng,…trước khi đưa vào hoạt động có hiệu quả.