4. Các giải pháp và tổ chức thực hiện
4.1. Nhóm giải pháp chung
- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phát triển ngành nông nghiệp cấp huyện, và phối hợp với các cơ quan, ban ngành cũng như các tổ chức đoàn thể để điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, chương trình hành động phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Trung ương cũng như của tỉnh, huyện đến từng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả cao và bền vững. Trong đó, tập trung vào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất để phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; liên kết hóa trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư.
- Gắn phát triển ngành nông nghiệp với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản phẩm. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (như hợp tác xã); phát triển các làng nghề; nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
- Ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, công tác khuyến nông. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất, bảo quản, chế biến, gắn với phát triển liên kết vùng.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông đảm bảo đủ mạnh, làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nông dân.
- Khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
- Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, nhất là đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao có lợi thế theo thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp đầu tư phát triển, tiếp cận về đất đai, tín dụng, đào tạo, thị trường.
- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh; tiếp tục tăng cường tiếp thị quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, chủ động tìm thị trường và hợp tác liên kết sản xuất.