Giải pháp đề xuất để hoàn thiện hoạt động tại Công ty TNHH Kiểm toán PKF Việt Nam

Một phần của tài liệu tổ chức kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam (Trang 35 - 40)

Chương III: Nhận xét và các giải pháp hoàn thiện hoạt động của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam

3.2 Giải pháp đề xuất để hoàn thiện hoạt động tại Công ty TNHH Kiểm toán PKF Việt Nam

PKF Việt Nam

Trên cơ sở những tồn tại tại Công ty em mạnh dạn đưa ra một số giải pháp đề xuất như sau:

Trước hết về cơ cấu tổ chức quản lý: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Ban giám đốc đối với Công ty, đặc biệt đối với hai chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Công ty cần thường xuyên có sự kiểm tra đối với hai chi nhánh cụ thể:

Thứ nhất thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra về chất lượng, xem xét việc thực hiện các qui định về qui trình kiểm toán đã hợp lý chưa, việc kiểm soát chất lượng tại chi nhánh đã thật sự phát huy hiệu quả chưa, tổ chức đoàn tại các chi nhánh như thế náo, hồ sơ lưu trữ… Với những khách hàng lớn Công ty có thể cử KTV của Công ty vào tham gia cùng đoàn kiểm toán sở tại từ đó có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nhằm phát huy hiệu quả công việc

Thứ hai tích cực trao đổi về các chính sách, mục tiêu tại Công ty cho các chi nhánh thực hiện từ đó giúp Công ty ngày một vững mạnh hơn, đồng thời phát huy một cách tích cực về lợi thế mở rộng quy mô khách hàng của Công ty trên cả nước

Về việc tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ. Nắm rõ được vai trò của việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, vì vậy PKF Việt Nam cần tiến hành thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và áp dụng cho mọi cuộc kiểm toán. Việc đánh giá rủi ro kiểm soát không chỉ được thực hiện đầy đủ đối với khách hàng mới mà còn phải duy trì trong những năm tiếp theo và với những khách hàng cũ. Khi đó KTV sẽ đưa ra được đánh giá hợp lý, chính xác cũng như có thể giảm thiểu được thời gian và tiết kiệm chi phí cho cuộc kiểm toán

Tiếp đến về việc xây dựng chương trình kiểm toán. Việc xây dựng cần được triển khai chi tiết cho từng khách hàng và từng cuộc kiểm toán cụ thể. PKF Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch kiểm toán dựa trên việc phân loại khách hàng

mà còn phải xây dựng quy trình kiểm toán phù hợp với việc phân tích các rủi ro và đánh giá tính trọng yếu.

Về việc kiểm soát chất lượng trong quá trình thực hiện kiểm toán. Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, công tác kiểm toán thường tập trung chủ yếu vào Trưởng nhóm kiểm toán. Để công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong giai đoạn này thực sự hiệu quả, giảm bớt được khối lượng công việc kiểm soát ở cấp bậc lãnh đạo cao hơn, Công ty cần ban hành các qui định cụ thể về nội dung kiểm soát, thời gian kiểm soát và cách thức thể hiện kết quả kiểm soát của Trưởng nhóm kiểm toán trong giai đoạn này. Cụ thể:

Nội dung kiểm soát: Việc kiểm soát cần tập trung vào việc các thành viên trong nhóm kiểm toán có thực hiện kiểm toán theo đúng chương trình kiểm toán đã xây dựng, phương pháp, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán, sau đó mới soát xét, kiểm tra các bằng chứng kiểm toán thu được.

Thời gian thực hiện kiểm soát: Việc kiểm soát đã được thực hiện thường xuyên tại khách hàng, tuy nhiên kết thúc mỗi ngày làm việc Trưởng nhóm kiểm toán cần soát xét lại toàn bộ giấy tờ làm việc, các công việc của các thành viên trong nhóm. Từ đó Trưởng nhóm có thể nắm bắt đầy đủ các vấn đề phát sinh và có hướng xử lý kịp thời. Theo đó, kết quả kiểm soát hôm trước phải được các kiểm toán viên hoàn thiện ngay hôm sau trước khi việc kiểm soát lần tiếp theo được thực hiện.

Cách thức thể hiện kết quả kiểm soát: Chủ nhiệm kiểm toán cần ghi rõ ngày tháng, ký tên trên giấy tờ làm việc đã được soát xét. Đây là bằng chứng chứng minh cho việc kiểm soát đã được thực hiện, giúp cho Chủ nhiệm kiểm toán và Ban giám đốc đánh giá được mức độ thực hiện soát xét chi tiết để thực hiện việc kiểm soát tiếp theo một cách phù hợp. Bên cạnh đó, kết quả kiểm soát cần được thực hiện trên bảng tổng hợp kết quả soát xét một cách đầy đủ, giúp cho các thành viên kịp thời bổ sung.

Công ty TNHH Kiểm toán PKF Việt Nam cần xây dựng quy định chung về cách thức chọn mẫu hồ sơ để soát xét, tổ chức nhóm kiểm tra, cách thức lập báo cáo soát xét cụ thể là:

Cách thức lựa chọn hồ sơ kiểm toán để kiểm tra có thể dựa trên một số tiêu thức như độ lớn của hồ sơ về mặt thời gian và phí kiểm toán, lĩnh vực hoạt động của khách hàng, khách hàng cũ, khách hàng mới... Công ty nên ưu tiên chọn hồ sơ của những khách hàng có ngày kiểm toán dài, phí kiểm toán cao, những lĩnh vực có hoạt động phức tạp như xây dựng cơ bản…; Việc lựa chọn nhóm thực hiện kiểm tra có thể căn cứ vào các yếu tố như năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, loại hồ sơ được chọn…

Trong việc thu thập thông tin từ phía khách hàng trong giai đoạn lập kế hoạch. Đối với tất cả các khách hàng, việc thu thập các thông tin về khách hàng đều cần phải được chú trọng. Trưởng nhóm kiểm toán sau quá trình thu thập thông tin cần được kiểm tra qua các câu hỏi như:

Tài liệu thu thập từ nguồn nào? Độc lập hay không độc lập? Đáng tin cậy hay không?

Việc phân tích và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng có phù hợp với các thông tin thu thập được không?

Số lượng thành viên trong nhóm kiểm toán có phù hợp không?...

Ngoài ra, Công ty cần thu thập thông tin phản hồi từ phía khách hàng sau kiểm toán. Khách hàng là địa chỉ tin cậy nhất thể hiện chất lượng kiểm toán mà Công ty đem lại, cuộc kiểm toán có thật sự thỏa mãn với khách hàng. Qua đó giúp Công ty tìm ra được những tồn tại cần khắc phục và đáp ứng tốt nhất mong muốn của khách hàng, đánh giá sau mỗi cuộc kiểm toán nhằm rút ra những kinh nghiệm cho đợt kiểm toán năm tiếp theo. PKF Việt Nam cần nghiên cứu và xây dựng bảng đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng. Bảng đánh giá này nên do một bộ phận riêng độc lập tiến hành có thể với câu hỏi đóng và mở, sau đó tiến hành gửi cho khách hàng và lấy ý kiến. Những thông tin phản hồi rất quan trọng do vậy nên lưu vào file để nhằm nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán lần sau. Biểu mẫu câu hỏi để thu thập ý kiến có thể bao gồm các câu hỏi như sau:

1. Cho biết quan điểm của Quý Công ty về Công ty chúng tôi trong cuộc kiểm toán vừa qua.

- Các KTV của chúng tôi có hiểu sự giải trình của Quý Công ty không? Có hay không

- Các KTV có hoàn thành công việc đúng kế hoạch như đã gửi cho Quý Công ty không? Có hay không

- Nhóm kiểm toán có thực hiện công việc kiểm toán một cách khoa học và chuyên nghiệp không? Có hay không

- Các KTV đưa ra các kết luận và kiến nghị có rõ ràng và dễ hiểu không? Có hay không…

2. Ý kiến của Quý Công ty về lợi ích thu được từ các dịch vụ mà chúng tôi đã cung cấp cho Quý Công ty.

- Công việc của chúng tôi có giúp Quý Công ty đạt được mục đích của mình không? - Phí kiểm toán của chúng tôi có hợp lý hay không?

- Các dịch vụ trợ giúp quản lý có đáp ứng được yêu cầu của Quý Công ty không?

Cuối cùng Công ty cần tăng cường hơn nữa số lượng kiểm toán viên, nhu cầu cơ sở vật chất để cung cấp một cách tốt nhất các dịch vụ, tăng cường vị thế của Công ty duy trì niềm tin của khách hàng với những dịch vụ lâu năm, và tạo được niềm tin trong các lĩnh vực mới. Từ đó đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác tuyển dụng nhất là thu nhận những người có trình độ về ngành nghề vào Công ty công tác, cùng với đó cần tăng cường đào tạo sau mỗi mùa kiểm toán. Việc đào tạo có thể bằng nhiều hướng như: Cử các trợ lý kiểm toán học các khóa đào tạo để có chứng chỉ kiểm toán viên, sau mỗi mùa kiểm toán cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho các nhân viên Công ty không chỉ trên giác độ lý thuyết mà còn đi sâu vào thực hành… Qua đó nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên Công ty để PKF Việt Nam ngày một lớn mạnh hơn đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của thị trường.

Kết luận

Một nền kinh tế mạnh đòi hỏi những tế bào của nền kinh tế đó phải mạnh, các Công ty kiểm toán vừa là những tế bào trong nền kinh tế đó vừa có vai trò vô cùng to lớn trong việc làm vững mạnh nền kinh tế đó.

Kiểm toán Việt Nam đang trong những bước chuyển mình to lớn hòa nhập, sánh vai với Kiểm toán trên toàn cầu. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở nước ta hiện nay cũng như việc Kiểm toán đã trở thành thông lệ của nhiều nước phát triển trong khu vực và trên thế giới chúng ta có thể tin tưởng vào những phát triển lớn mạnh của các Công ty Kiểm toán Việt Nam nói riêng và thị trường Kiểm toán nói chung.

Sau thời gian thực tập ban đầu tại Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam, em đã bước đầu hiểu và tích lũy được những kinh nghiệm cũng như tình hình hoạt động tại Công ty. Kết hợp từ những điều đã học được trên ghế nhà trường qua quá trình nghiên cứu và thực hiện báo cáo thực tập tổng hợp này phần nào giúp em có một cái nhìn tổng quan về Công ty cũng như quy trình tổ chức kiểm toán tại Công ty, cho em thấy được kiến thức lý thuyết đã được học vận dụng và đi vào thực tế như thế nào. Từ đó giúp em nắm bắt rõ hơn về nghề nghiệp của mình đồng thời hiểu được lý do của những thành công mà Công ty PKF Việt Nam đạt được trong suốt những năm qua

Do phạm vi nghiên cứu rộng, kinh nghiệm thực tế còn hạn chế nên báo cáo thực tập tổng hợp của em không thể tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được sự đóng góp để em hoàn thiện hơn báo cáo này. Một lần nữa, em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Phương Hoa cùng các anh chị trong Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam, đặc biệt là các anh chị trong phòng Định Giá đã tận tình giúp đỡ em trong suốt quá trình thực tập và hoàn thành báo cáo thực tập tổng hợp của mình.

Một phần của tài liệu tổ chức kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán PKF Việt Nam (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(40 trang)
w