Hiện nay ở Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp thương mại cung cấp các thiết bị năng lượng tái tạo và dịch vụ điện liên quan đến năng lượng tái tạo. Do vậy, các công nghệ năng lượng tái tạo phần lớn chưa chế tạo được trong nước mà phải nhập khẩu. Các dịch vụ sau lắp đặt chưa có, đặc biệt là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Thuỷ điện nhỏ: Đối với các nhà máy TĐN hòa điện lưới (công suất >1MW), đây là công suất có công nghệ đã phát triển, Việt Nam có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này (như thiết kế, xây dựng và vận hành), cũng như đã có các quy phạm, tiêu chuẩn ngành cho phát triển. Tuy nhiên, vấn đề chính tồn tại hiện nay chủ yếu là trong các dự án không hòa lưới, nhiều khi khó phân biệt đâu là rào cản kỹ thuật đâu là rào cản thể chế. Sự thiếu đào tạo chuẩn trong vận hành, cũng như các tài liệu hướng dẫn (như làm thế nào để tránh được sự tích tụ chất bồi lắng, lựa chọn thiết bị, loại hình công nghệ thích hợp…) đã dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả các công trình ngoài lưới. Ngoài ra, vấn đề về mô hình quản lý, vận hành phù hợp cho từng khu vực cộng đồng dân cư cũng đang là những thách thức cho điện khí hoá khu vực ngoài lưới dựa trên nguồn TĐN.
Công nghệ điện gió đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, đặc biệt về công suất (10 năm trước công suất tiêu chuẩn là 250 kW thì ngày nay phổ biến là từ 1 đến 2 MW), ngoài ra còn phải kể đến những tiến bộ trong khoa học vật liệu. Gần đây, việc giá các tua bin gió tăng do công suất chế tạo không đáp ứng kịp nhu cầu, nhưng về dài hạn giá các tua bin được dự báo là sẽ giảm. Đối với Việt Nam, cho đến nay chưa có công nghệ hoàn chỉnh nào được thử nghiệm ở các điều kiện khí hậu đặc trưng (như bão, độ ẩm cao, các thông số khí quyển…). Ngoài ra, còn thiếu kinh nghiệm về lựa chọn thiết bị đồng bộ, kỹ năng khai thác, vận hành và bảo dưỡng, kể cả điện gió quy mô nhỏ cho khu vực ngoài lưới (chẳng hạn như ở các huyện đảo nơi mà có thể áp dụng hệ thống lai ghép gió - diesel có chi phí thấp hơn so với chỉ sử dụng diesel) và chưa có mô hình quản lý và kinh doanh đối các dự án điện gió thành công - mô hình điện gió ở đảo Bạch Long Vĩ là ví dụ điển hình. Sinh khối: Đối với các dự án điện nối lưới, mặc dù các công nghệ điện sinh khối được kiểm chứng và có hiệu suất cao đã được áp dụng trên thế giới, nhưng chúng còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam (như điện trấu, các công nghệ khí hoá, thu hồi khí mê tan tại các bãi rác, đốt rác thải sinh hoạt...). Hiện nay, không có các công ty trong nước cung cấp các công nghệ điện sinh khối. Hầu hết các công nghệ đều phải nhập khẩu. Các dịch vụ tư vấn và kỹ thuật đối với các công nghệ điện sinh khối còn hạn chế, đặc biệt là dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa sau khi lắp đặt. Tuy nhiên cũng còn nhiều rào cản, đang nổi lên trong thời gian gần đây, như khí sinh học, pin mặt trời, năng lượng thuỷ triều và sóng. Việc cải thiện hiệu suất của pin mặt trời, và phát triển các vật liệu mới cần những nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ của toàn cầu. Nhưng không giống như trường hợp ứng dụng năng lượng sinh khối bởi lẽ, việc ứng dụng công nghệ này không phụ thuộc vào phương thức sử dụng cũng như loại sinh khối, do vậy, rất khó chứng minh rằng đây là những lĩnh vực ưu tiên để cấp vốn cho nghiên cứu cơ bản hoặc chế tạo tại Việt Nam hay không. Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy phạm riêng cho việc ứng dụng pin mặt trời, đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời là cần thiết. Theo kinh nghiệm của hầu hết các chương trình pin mặt trời thành công ở Trung Quốc, Sri Lanka… thì kiểm soát chất lượng, các tiêu chuẩn hoạt động và chứng nhận thiết bị là một phần quan trọng để tạo ra những hệ thống điện mặt trời hộ gia định bền
vững (điều này cũng tương tự khi áp dụng đối với hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, các thiết bị khí sinh học). Trong hầu hết các chương trình điện mặt trời do WB tài trợ, thì việc khuyến khích thành lập và gắn các tiêu chuẩn kỹ thuật được cung cấp theo cơ chế trợ cấp, đó là: trợ cấp (thường là $/Wp công suất đặt) chỉ dành cho các nhà cung cấp có giấy chứng nhận và các thiết bị có giấy kiểm định do các phòng thí nghiệm độc lập cấp. Các thiết bị khí sinh học đã được phát triển trong những năm gần đây do nhiều yếu tố sau: công nghệ sản xuất khí sinh học đã được cải tiến, các nguồn nguyên liệu dồi dào và có nhu cầu lớn từ ngành chăn nuôi, có nguồn tài trợ và cấp vốn. Tuy nhiên, sản xuất nhiệt và điện từ khí sinh học còn gặp những rào cản về mặt công nghệ như các thiết bị sử dụng (bếp, đèn, máy phát điện…), chủ yếu còn chế tạo thủ công hoặc cải tạo từ các thiết bị sử dụng khác. Do đó, chất lượng và độ tương thích của thiết bị chưa được tiêu chuẩn hoá.