m 2.2.1.3 Một số quy luật kinh tế chủ yếu trong nền kinh tế thị trường
2.2.2.2. Người tiêu dùng
Người tiêu dùng là những người mua hàng hóa, dịch vụ trên thị trường để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng. Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng bao gồm tất cả các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức xã hội, nhà nước, người nước ngoài... Chi tiêu của người tiêu dùng đại diện cho nhu cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Người tiêu dùng mua với số lượng lớn thì người sản xuất bán được nhiều hàng, có thu nhập lớn và
ngược lại.
Tiêu dùng tạo ra nhu cầu và là mục đích của sản xuất. Sức mua của người tiêu dùng là yếu tố quyết định sự thành bại của người sản xuất. Sự phát triển đa dạng về nhu cầu của người tiêu dùng là động lực quan trọng của sự phát triển sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất.
Người tiêu dùng là người quyết định hành vi mua sắm của mình. Mục tiêu của họ là đạt được lợi ích tối đa trong tiêu dùng với nguồn thu nhập có hạn. Khi đưa ra một quyết định mua sắm, người tiêu dùng có quyền được tự do tham khảo, lựa chọn sản phẩm mình muốn mua sao cho phù hợp nhất với nhu cầu, mục đích, theo giá cả mong muốn. Vì vậy, thông qua hành vi mua sắm, người tiêu dùng có ảnh hưởng lớn đến giá cả thị trường của hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng có ảnh hưởng lớn tới quyết định việc sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu trong nền kinh tế. Từ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, người sản xuất căn cứ vào đó để đưa ra sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng. Cũng từ nhu cầu của người tiêu dùng, người sản xuất sẽ có kế hoạch và chiến lược phát triển lâu dài phù hợp với tình hình thực tế nhằm đạt lợi ích cao nhất.
Người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng trong định hướng sản xuất. Họ là người đặt hàng chủ yếu của các doanh nghiệp, các hãng sản xuất trên thị trường. Với tư cách là người mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể đưa ra ý kiến góp ý chính xác về sản phẩm, dịch vụ đang sử dụng. Tùy thuộc vào thị hiếu tiêu dùng và ý kiến thu thập được từ phía người tiêu dùng, người sản xuất có thể điều chỉnh lại phương pháp sản xuất, hoàn thiện sản phẩm của mình cho phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.
Lưu ý, việc phân chia người sản xuất, người tiêu dùng chỉ có tính chất tương đối để thấy được chức năng chính của các chủ thể này khi tham gia thị trường. Trên thực tế, doanh nghiệp luôn đóng vai trò vừa là người mua cũng vừa là người bán.