Ngày 29 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 quy định lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng như sau:
- Luật Đất đai năm 2013 đã tách nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thành 02 điều riêng biệt (Điều 74 và Điều 88). Trong đó, quy định cụ thể các nguyên tắc bồi thường về đất và các nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất để các bộ, ngành, địa phương và người thu hồi đất căn cứ vào đó thống nhất thực hiện,
cụ thể: “Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất” (Điều 74 Luật Đất đai, 2013).
Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm “Dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”. “Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất” (Điều 88 Luật Đất đai, 2013).
+ Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
+ Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
+ Quy định cụ thể và làm rõ các điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với từng loại đối tượng mà Nhà nước thu hồi đất.
Trong đó: Luật bổ sung thêm 02 trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 75, cụ thể:
- Bổ sung bồi thường đối với các trường hợp sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa người sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê với người được giao đất có thu tiền sử dụng đất (có cùng nghĩa vụ tài chính như nhau).
- Bổ sung bồi thường đối với trường hợp cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Đây là một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 mà Luật Đất đai 2003 chưa quy định rõ, những quy định này sẽ giải quyết được những vướng mắc trong việc việc bồi thường, hỗ trợ đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện, không phải là đất do được Nhà nước giao mà có nguồn gốc do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho hợp pháp hoặc khai hoang trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (Đặng Thái Sơn, 2002).
1.2. Cơ sở pháp lý của công tác bồi thường, GPMB
- Hiến pháp năm 2013; - Luật Đất đai năm 2013;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
- Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất;
- Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
- Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
- Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất;
- Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất;
- Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
1.3. Cơ sở thực tiễn của đề tài
1.3.1. Công tác giải phóng mặt bằng trên thế giới
1.3.1.1. Công tác GPMB ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, khi Nhà nước thu hồi đất thì người nào sử dụng đất sau đó sẽ có trách nhiệm bồi thường. Người bị thu hồi đất được thanh toán bằng ba loại tiền: tiền bồi thường đất đai, tiền trợ cấp về tái định cư, tiền trợ cấp bồi thường hoa màu trên đất. Mức bồi thường cho giải tỏa mặt bằng được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Việc quản lý GPMB được giao cho các cục quản lý tài nguyên đất đai ở địa phương đảm nhiệm. Tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng đất thửa nào sẽ trả tiền thuê một đơn vị xây dựng giải tỏa mặt bằng.
Việc bồi thường nhà ở cho dân ở thành phố khác với việc bồi thường cho người dân ở nông thôn, bởi có sự khác nhau về hình thức sở hữu đất đai ở thành thị và nông thôn. Đối với nhà ở của người dân thành phố, nhà nước bồi thường bằng tiền là chính; đối với người dân nông thôn, nhà nước thực hiện theo những cách thức rất linh hoạt, theo đó mỗi đối tượng khác nhau sẽ có cách bồi thường khác nhau.
Trung Quốc có những thành công nhất định trong công tác bồi thường, GPMB do đã xây dựng các chính sách và thủ tục rất chi tiết, có sự ràng buộc đối với các hoạt động tái định cư, bảo đảm cơ hội phát triển cho người dân. Đồng thời do năng lực thể chế chính quyền địa phương khá mạnh, chính quyền cấp tỉnh chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc thực hiện bồi thường,
hỗ trợ tái định cư, ngoài ra quyền sở hữu tập thể làm cho việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nhiều thuận lợi đặc biệt là ở nông thôn Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, (2006).
1.3.1.2. Công tác GPMB ở Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, mặc dù đất đai là sở hữu tư nhân nhưng trong nhiều trường hợp, Nhà nước có quyền thu hồi đất của người dân. Các trường hợp đó là: thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh; dự án đường sắt, đường bộ, sân bay, đập nước thủy điện, thủy lợi; dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, nhà máy điện, viện nghiên cứu; dự án xây dựng trường học, thư viện, bảo tàng; dự án xây dựng nhà, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu đô thị mới, khu nhà ở để cho thuê hoặc chuyển nhượng.
Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo phương thức tham vấn và cưỡng chế. Phương thức tham vấn được thực hiện thông qua việc các cơ quan công quyền thỏa thuận với người bị thu hồi đất về phương án, cách thức bồi thường. Trong trường hợp tham vấn bị thất bại, Nhà nước phải sử dụng phương thức cưỡng chế. Theo thống kê của Cục Chính sách đất đai Hàn Quốc, ở Hàn Quốc có 85% tổng số các trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo phương thức tham vấn; chỉ có 15% các trường hợp thu hồi đất phải sử dụng phương thức cưỡng chế.
Tổ chức nhà ở quốc gia (một tổ chức xã hội đứng ra bảo đảm trách nhiệm cung cấp nhà ở tại đô thị, hoạt động như một nhà đầu tư độc lập) được phép thu hồi đất theo quy hoạch để thực hiện các dự án xây nhà ở.
Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất trên cơ sở các nguyên tắc sau: Thứ nhất, việc bồi thường do chủ dự án thực hiện. Thứ hai, chủ đầu tư phải thực hiện bồi thường đầy đủ cho chủ đất và cá nhân liên quan trước khi tiến hành xây dựng các công trình công cộng. Thứ ba, thực hiện bồi thường cho chủ đất phải bằng tiền mặt, sau đó mới bằng đất hoặc nhà ở xã hội. Thứ tư, thực hiện bồi thường áp dụng cho từng cá nhân.
Về thời điểm xác định giá bồi thường, đối với trường hợp thu hồi đất thông qua hình thức tham vấn thì thời điểm xác định giá bồi thường là thời điểm các bên đạt được thỏa thuận đồng thuận về phương án bồi thường. Đối với trường hợp thu hồi đất thông qua hình thức cưỡng chế thì thời điểm xác định giá bồi thường là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
Việc xác định giá bồi thường không phải do chủ dự án thực hiện mà giao cho ít nhất hai cơ quan định giá độc lập (hoạt động theo hình thức doanh nghiệp hoặc công ty cổ phần) thực hiện. Trường hợp chủ đất yêu cầu xác định lại giá bồi thường thì chủ dự án lựa chọn thêm một tổ chức tư vấn định giá đất thứ ba. Nếu giá trị định giá cao nhất và thấp nhất chênh lệch 10% hoặc nhiều hơn, sẽ phải có chuyên gia định giá khác thực hiện tiếp việc định giá, và từ đó, mức bồi thường sẽ được tính toán lại. Giá đất được lựa chọn làm căn cứ xác định bồi thường là giá trung bình cộng của kết quả định giá của hai hoặc ba cơ quan dịch vụ tư vấn về giá đất độc lập được chủ thực hiện dự án thuê định giá.
Đối với đất nông nghiệp, nếu bị thu hồi trước khi thu hoạch hoa màu, giá trị hoa màu đó sẽ được bồi thường. Khoản bồi thường được tính dựa trên số hoa màu thực tế được trồng tại thời điểm dự án được công bố và đủ để hỗ trợ người nông dân phục hồi lại việc sản xuất của mình. Khoản bồi thường được tính bằng 2 lần tổng thu nhập hàng năm từ sản xuất nông nghiệp.
1.3.1.3. Công tác GPMB ở Pháp
Ở Pháp, đối với các trường hợp sử dụng vào mục đích chung thì Nhà nước thực hiện ưu tiên mua đất của chủ sở hữu tư nhân trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận về giá. Trường hợp không đạt được thỏa thuận hoặc chủ sở hữu không muốn bán đất thì nhà nước trưng thu đất có bồi thường cho chủ sở hữu đất đai.
Pháp được đánh giá là một trong những quốc gia có thể chế trưng thu chi tiết và hoàn chỉnh nhất. Thủ tục trưng thu của Pháp gồm hai giai đoạn: giai đoạn hành chính (làm các công tác chuẩn bị thu hồi đất) và giai đoạn tư pháp (liên quan đến chuyển quyền sở hữu).
1.3.2. Công tác giải phóng mặt bằng ở Việt Nam
1.3.2.1. Công tác GPMB tại Hà Nội
Từ khi triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo", công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến công tác này còn bộc lộ hạn chế, bất cập... cần sự chủ động, tích cực tháo gỡ từ nhiều cấp, ngành. Năm 2017, toàn thành phố triển khai 1.727 dự án, thu hồi đất với diện tích 7.258ha, liên quan đến 87.311 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kết quả thực hiện giải phóng mặt bằng (tính đến ngày 29-12- 2017): Đã phê duyệt 32.175 phương án với số tiền bồi thường, hỗ trợ 14.268 tỷ đồng; đã chi trả 12.144 tỷ đồng cho 27.588 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; nhận bàn giao mặt bằng 1.058ha đất tại 326 dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này ở nhiều địa phương không phải lúc nào cũng thuận lợi.
1.3.2.2. Công tác GPMB ở tỉnh Thái Nguyên
Trong những năm qua, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn được thành phố Thái Nguyên tập trung thực hiện rất tích cực, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm có mặt bằng triển khai dự án đi vào sản xuất kinh doanh.
Năm 2008 – 2009 tổng số diện tích UBND tỉnh đã ra Quyết định thu hồi để thực hiện các dự án là 393,529 ha; trong đó, có 30,588 ha đất ở; 319,319 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp; 43,621 ha đất khác. Số kinh phí được duyệt để thanh toán, bồi thường cho các tổ chức cá nhân bị thu hồi đất trong quy hoạch dự án là: 755.149 triệu đồng; trong đó, đã chi trả 601.711 triệu đồng, chưa chi trả là 133.439 triệu đồng.
Tổng số bị ảnh hưởng là 5.469 hộ. Trong đó, số hộ thuộc diện phải bố trị tái định cư là gần 1700 hộ; đã quay hoạch 13 khu tái định cư lớn nhỏ phục vụ cho các dự án, khả năng bố trí được trên 1000 hộ tái định cư; đã tổ chức giao đất tái định cư cho trên 600 hộ di chuyển vào khu tái định cư. Hiện nay, các khu tái định cư cơ bản đã hoàn thành và đang xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhìn chung, các dự án thực hiện công tác GPMB đã tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước và giao đất cho chủ đầu tư đúng quy hoạch, đối tượng, diện tích được phê duyệt và phù hợp với nhu cầu sử dụng đất theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và thành phố. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện bồi thường GPMB của một số dự án chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; công tác kiểm đếm tại thực địa một số ít dự án còn sai sót; có trường hợp xác định loại đất, hạng đất còn chưa đúng quy định pháp luật về đất đai; quá trình xác định giá đất có lúc, có nơi chưa phù hợp với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường; việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về bồi thường GPMB còn chậm…
1.3.2.3. Công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phức tạp. Trong vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bắc Kạn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn. Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ công tác đền bù, GPMB tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để triển khai thực hiện được nhiệm vụ trên, trong thời gian qua địa phương cũng đã gặp không ít những trở ngại, khó khăn. Đặc biệt là chế độ, chính sách bồi thường, GPMB thường xuyên thay đổi; một bộ phận người dân hiểu biết về chính sách còn hạn chế, vì thế đòi mức đền bù vượt mức quy định của Nhà nước; một số hộ vì lợi ích cá nhân vẫn cố tình lấn, chiếm, mở rộng đất đai, mặc dù đã có thông báo thu hồi đất. Với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiến độ bồi thường, GPMB cho dự án, công trình, ở mỗi dự án đều
có hội đồng bồi thường GPMB và Ban quản lý dự án để làm tốt công tác kiểm