6. Phương thức quản lý vệ sinh an toàn thựcphẩm tại quầy bán thức ăn nhanh
2.1. Khuyến cáo người tiêu dùng
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là cụm từ khá quen thuộc với nhiều người, nhưng để hiểu và thực hiện tốt công tác này thì không phải ai cũng làm được. Do vậy, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cả nước nói chung hiện là vấn đề hết sức phức tạp, trên nhiều phương diện, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng. Nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi dẫn đến tồn dư hóa chất trong nông sản còn cao. Trong giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố... Nhiều nơi còn mất vệ sinh. Rồi thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh của người dân cũng là điều đáng lo ngại...
Nhiều hàng bán bún, phở bày bán thức ăn chín trên mặt bàn mà không có bất cứ dụng cụ che đậy nào. Giấy ăn, thức ăn thừa vứt bừa bãi dưới mặt đất, thỉnh thoảng chủ
quán lại lấy chổi quét dọn ngay cả khi khách đang ăn... Nhiều người bán thịt lợn, thịt bò, trứng gia cầm sống không có dấu kiểm dịch và giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ... Không chỉ ở các chợ lớn mà đến các chợ nhỏ, điểm bán hàng thực phẩm nhỏ dù ở thành thị hay nông thôn thì đều bắt gặp là hình ảnh hàng loạt quầy bán thực phẩm, từ giò, chả, xôi sáng, đến cơm, phở, bún bánh... Gần như không có tủ kính hay che đậy. Tình trạng này diễn ra thường xuyên, công khai, kẻ bán, người mua tấp nập mà không hề bị nhắc nhở. Thói quen để mất vệ sinh trong ăn uống vẫn là thói quen cố hữu của nhiều người. Việc sử dụng thực phẩm không xử lý qua nhiệt dẫn đến nguy cơ rất cao của nhiều loại bệnh dịch, biểu hiện rõ nhất là bệnh tiêu chảy.
Trong khi chưa kiểm soát được các loại bệnh dịch và người dân vẫn có thói quen ăn uống mất vệ sinh thì dịch bệnh phát sinh, lây lan là điều khó tránh khỏi. Thực tế đó nói lên rằng, nguyên nhân của những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là do ý thức và nhận thức của những người sản xuất, kinh doanh mặt hàng này mà còn do nhận thức không đầy đủ, chủ quan của người tiêu dùng.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành y tế đã coi trọng thực hiện giải pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhóm giải pháp được ưu tiên hàng đầu là thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyên truyền, kêu gọi ý thức chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân, thì tại nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn, công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn bộc lộ những tồn tại là đội ngũ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn mỏng, phải đảm nhiệm nhiều công việc. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tổ chức nhưng chưa thường xuyên. Trong khi đó, vấn đề thức ăn đường phố, những quán ăn nhỏ, lẻ, những bữa ăn tập trung tại các vùng quê vẫn thiếu người giám sát tuyên truyền và kiểm tra.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ ngộ độc lớn xảy ra thời gian qua là diễn ra tại các bữa ăn tập thể như đám giỗ, cưới hỏi, mừng nhà mới. Nhiều người cho rằng, để xảy ra tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Hơn lúc nào hết, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng theo phân cấp quản lý. Tiếp đến là ý thức giữ gìn của mỗi người dân, có như vậy công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mới đi vào nền nếp. Điều quan trọng là phải xây dựng ý thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người sản xuất, kinh doanh bằng cách tuyên truyền rộng rãi pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đồng thời cụ thể hóa các chế tài xử lý vi phạm; xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.