Lý thuyết khuyếch tán đổi mới (Innovation Diffusion Theory - IDT). Lý thuyết khuyếch tán đổi mới là một lý thuyết quan trọng trong chuyên ngành truyền thông học, nhằm mục đích giải thích các cơ chế lan truyền và tối đa hóa những ý tưởng cải tiến, nhân rộng các mô hình đổi mới diễn ra trong một cộng đồng. Các khái niệm cơ bản trong lý thuyết được nhà xã hội học Pháp Gabriel Tarde đưa ra lần đầu tiên. Tuy nhiên, lý thuyết này được phát triển hoàn chỉnh năm 1962 bởi Everett Rogers dựa trên kết quả của 508 nghiên cứu về khuyếch tán. Bốn thành tố trụ cột của lý thuyết gồm: sự đổi mới hay các cải tiến, kênh truyền thông, thời gian và cấu trúc xã hội. Sự đổi mới có thể bao gồm
công nghệ mới, hành vi mới hoặc ý tưởng mới. Chủ thể áp dụng những đổi mới này có thể ở cấp độ cá nhân hoặc tổ chức.
Ở cấp độ vĩ mô (trong một cộng đồng, một tổ chức), IDT nhìn nhận khuyếch tán đổi mới là một tiến trình giao tiếp, trong đó các cá nhân trong một cộng đồng với đặc điểm cấu trúc nhất định tìm hiểu về một mô hình đổi mới và lợi ích của nó thông qua các kênh giao tiếp khác nhau (ví dụ như thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông qua những cá nhân đã và đang áp dụng mô hình này), sau khi bị thuyết phục bởi những lợi ích của mô hình, đã quyết định áp dụng nó. Khuyếch tán là một tiến trình đòi hỏi thời gian, bắt đầu khá chậm rãi với một số ít người sử dụng, sau đó được lan truyền nhanh hơn khi nó trở thành xu thế trong cộng đồng và cuối cùng nó diễn ra chậm lại khi đạt đến sự bão hòa về số người sử dụng trong cộng đồng đó. Như vậy, ở cấp độ vĩ mô này, đồ thị tổng quát mô tả quá trình sử dụng các mô hình đổi mới là một đường cong chữ S như được hiển thị trong Hình 4.3 và đồ thị phân phối người sử dụng là một phân phối thường. Điều này có nghĩa là các chủ thể áp dụng là không giống nhau.
Hình 4.3. Đường cong khuyếch tán hình chữ S
Tuy vậy, căn cứ vào thời điểm áp dụng các mô hình cải tiến hay đổi mới, họ có thể được phân thành người đổi mới (số lượng rất ít), một nhóm nhỏ người áp dụng ngay ban đầu, nhóm tương đối lớn áp dụng sớm, nhóm tương đối lớn áp dụng muộn và nhóm nhỏ người áp dụng muộn. Tỉ lệ số người áp dụng một mô hình đổi mới cũng phụ thuộc vào đặc điểm cấu trúc xã hội của cộng đồng đó. Ví dụ như có hay không sự hiện diện của các lãnh đạo tinh thần (những người mà quan điểm của họ được đánh giá cao) và các cá nhân có ảnh hưởng lớn đến hành vi của những người khác.
Ở cấp độ vi mô (cấp độ cá nhân), Rogers (1995) chỉ ra rằng quá trình áp dụng một mô hình đổi mới ở một cá nhân trải qua năm giai đoạn: (1) Tìm hiểu: mỗi cá nhân tìm hiểu thông tin về mô hình mới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các kênh giao tiếp cá nhân; (2) Thuyết phục: họ bị thuyết phục bởi những tiện lợi hoặc bất lợi của mô hình; (3) Quyết định: quyết định áp dụng hoặc từ chối áp dụng mô hình; (4) Thực hiện: bước đầu thử nghiệm mô hình; (5) Xác nhận: quyết định có hay không áp dụng mô hình ở mức độ tối đa (Xem Hình 4.4). Có năm yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định này của chủ thể áp dụng: (1) Mức độ tiện lợi: những tiện lợi của mô hình mới so với các mô hình trước đó; (2) Khả năng tương thích: mức độ phù hợp với thói
quen, sở trường, quan niệm của người áp dụng; (3) Độ phức tạp: mô hình có dễ dàng để hiểu và thực hiện hay không; (4) Tính thử nghiệm: mô hình có thể được áp dụng thử nghiệm mức độ nào; (3) Khả năng kiểm nghiệm: các kết quả của việc áp dụng mô hình đổi mới được cảm nhận rõ ràng đến mức độ nào. Hai yếu tố cuối cùng mà Rogers đề xuất đã bị lược bỏ trong các nghiêm cứu sau đó về đổi mới. Trong số năm yếu tố này, độ phức tạp sẽ kìm hãm việc áp dụng các mô hình đổi mới, trong khi đó bốn yếu tố còn lại thúc đẩy việc áp dụng này.
Ngoài ra, việc áp dụng đổi mới cũng phụ thuộc vào đặc điểm cá nhân, ví dụ như tính ưa mạo hiểm, trình độ học vấn, sự cởi mở và thói quen giao tiếp. Người áp dụng sự đổi mới ngay lúc ban đầu thường là những người ưa mạo hiểm, có học vấn và tìm hiểu phần lớn thông tin về mô hình đổi mới trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong khi đó, những người áp dụng mô hình muộn hơn thường dựa trên các quan hệ cá nhân như người thân hoặc bạn bè để tìm hiểu những thông tin quan trọng về mô hình đổi mới. Bên cạnh những thành công, IDT đã gặp phải những chỉ trích về sự thiên vị dành cho xu hướng đổi mới, bởi vì nó giả định rằng tất cả sự đổi mới là có lợi và đến một thời điểm nào đó chúng sẽ trở nên thịnh hành trong cộng đồng. Ngoài ra, lý thuyết này bị chỉ trích vì nó cũng làm chậm quá trình loại bỏ những cải tiến hay các mô hình đổi mới không phù hợp với cộng đồng để thay thế bằng những mô hình phù hợp hơn, thiết thực hơn.
Hình 4.4. Quá trình áp dụng đổi mới
Mô hình xem xét kỹ lưỡng (Elaboration Likelihood Model - ELM). Mô hình xem xét kỹ lưỡng được Petty và Cacioppo (1986) phát triển, là lý thuyết trong tâm lý học về một tiến trình kép trong việc hình thành và thay đổi thái độ cá nhân. Lý thuyết này giải thích quá trình các cá nhân thay đổi quan điểm, thái độ của họ về một sự vật, sự kiện hoặc một hành vi sau quá trình xem xét của họ về sự vật, hiện tượng đó.
Mô hình xem xét kỹ lưỡng cho rằng quan điểm, thái độ của một cá nhân được phân thành hai “hướng” ảnh hưởng: hướng chính yếu (central route) và hướng ngoại vi (peripheral route). Hai hướng này khác nhau ở mức độ chuyên sâu trong quá trình phân tích, xử lý thông tin (xem Hình 4.5). Trong hướng chính yếu, chủ thể sẽ xem xét một cách chi tiết, đầy đủ các thông tin khác nhau về một hiện tượng, đánh giá mức độ liên quan và tính khách quan, toàn diện của các nguồn thông tin đó trước khi thận trọng đưa ra phán xét của mình về hiện tượng quan tâm. Nói cách khác, chủ thể với hướng chính yếu chú ý đến chất lượng nguồn thông tin. Trong khi đó, đối với hướng ngoại vi, ví dụ để hình thành quan điểm, thái độ về một mặt hàng, người tiêu dùng dựa vào các “tín hiệu” bên ngoài, ví dụ như số lượng người đã và đang dùng sản phẩm này, số lượng khuyến nghị của các chuyên gia hoặc số lượng người ủng hộ sản phẩm đó, chứ không phải dựa trên đặc tính của các nguồn thông tin này. Có thể nói hướng ngoại vi đòi hỏi sự đầu tư về trí tuệ ít hơn. Trong các nghiên cứu sử dụng mô hình xem xét kỹ lưỡng, các hướng nhằm thay đổi thái độ thường được xem xét thông qua hai phạm trù
Hình 4.5. Mô hình xem xét kỹ lưỡng
Việc quan điểm, thái độ cá nhân bị ảnh hưởng và thay đổi bởi hướng chính yếu hay bởi hướng ngoại vi phụ thuộc vào năng lực và động cơ của họ trong việc phân tích vấn đề. Chủ thể có năng lực phân tích tốt là những người có khả năng xử lý, phân tích thông tin một cách thấu đáo và có xu thế bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm định tính của hiện tượng. Trong khi đó, những người hạn chế về khả năng phân tích thường bị ảnh hưởng bởi các tín hiệu ngoại vi. Lưu ý rằng, xu hướng phân tích là một đặc điểm có tính chất tình huống, chứ không phải lả một tính cách cá nhân cố hữu. Ví dụ, một bác sĩ có thể sử dụng hướng chính yếu, kết hợp với chuyên môn của họ để chuẩn đoán và điều trị một loại bệnh nào đó. Tuy vậy, người bác sĩ này có thể dựa vào những tín hiệu ngoại vi từ bảng thông báo tự động trong xe để tìm hiểu điều gì đang xảy ra với xe hơi của họ. Chính vì sự đa dạng này, mô hình xem xét kỹ lưỡng được ứng dụng rộng rãi trong các chiến lược nhằm thay đổi thái độ của các cá nhân về một sản phẩm mới, ý tưởng mới hoặc thậm chỉ một thay đổi mới trong xã hội.
Lý thuyết răn đe tổng hợp (General Deterrence Theory). Hai nhà triết học duy lợi của thế kỷ XVIII là Cesare Beccaria và Jeremy Bentham đã xây dựng Lý thuyết răn đe tổng hợp để giải thích tình hình tội phạm và phương pháp làm giảm tội phạm. Lý thuyết răn đe tổng hợp xem xét lý do tại sao một số cá nhân tham gia vào các hành vi lệch chuẩn, chống đối xã hội hoặc phạm tội. Lý thuyết này cho rằng con người về cơ bản là duy lý (họ có lý trí khi thực hiện cả những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội và cả hành vi lệch lạc) và con người được tự do lựa chọn hành vi lệch chuẩn dựa trên tính toán lợi ích hợp lý. Bởi theo lẽ tự nhiên, con người lựa chọn hành vi có lợi nhất, kể cả hành vi lệch chuẩn miễn là mang lại sự lợi ích hay khoái lạc cá nhân. Do đó, có thể được kiểm soát các hành vi đó bằng cách gia tăng mức độ trả giá cho hành vi lêch chuẩn ví dụ như tăng mức xử phạt (biện pháp đối phó) cũng như tăng khả năng bị phát hiện và trừng phạt đối với người vi phạm. Sự kịp thời, tính nghiêm khắc và chính xác của hình phạt là các yêu tố then chốt trong Lý thuyết răn đe tổng hợp.
Các nghiên cứu thực chứng cổ điển trong tội phạm học tìm kiếm nguyên nhân phổ biến của hành vi phạm tội như nghèo đói, thiếu giáo dục, các lý do tâm lý và sau đó đề xuất các chiến lược để giáo dục cải tạo tội phạm, chẳng hạn như tạo cho họ học nghề và điều trị y tế. Trong khi đó, Lý thuyết răn đe tổng hợp tập trung vào các quá trình quyết định phạm tội và các yếu tố tình huống ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn hành vi phạm tội đó. Do đó, những yếu tố cá nhân của người phạm tội (như địa vị xã hội, sự sung túc và nhu cầu tiền bạc) và bối cảnh môi trường (như mức độ các mục tiêu được bảo vệ, năng lực của cảnh sát khu vực, khả năng bị phát hiện và bắt giữ khi tội phạm xảy ra) đóng
vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định phạm tội. Trọng tâm của Lý thuyết răn đe tổng hợp không phải là làm thế nào để giáo dục cải tạo tội phạm và ngăn chặn các hành vi tội phạm trong tương lai, mà là làm thế nào để làm giảm động cơ phạm tội (giảm mức độ hấp dẫn của hoạt động phạm tội) và qua đó ngăn ngừa tội phạm.
Để đạt được điêu này, hàng loại các biện pháp cụ thể được triển khai: thiết lập các “mục tiêu cứng” như các chốt cố định (deadbolts), xây dựng kỹ năng tự vệ, tăng tính răn đe của pháp luật như loại bỏ biện pháp tạm tha cho một số tội phạm, áp dụng “Luật bất quá tam” (“Three Strikes Law”) (buộc giam giữ đối với những đối tượng có 3 tiền án, ngay cả hành vi vi phạm thuộc loại ít nghiêm trọng và trong khung được miễn chấp hành hình phạt tù), áp dụng án tử hình, tăng nhận thức về khả năng bị phát hiện, bắt giữ bằng cách bố trí phương tiện camera dọc các tuyến phố, sử dụng lực lượng đặc nhiệm chống ma túy hay tội phạm có tổ chức, tăng cường tuần tra cảnh sát, thực hiện các chương trình giáo dục như thông báo rộng rãi khẩu hiệu “Mọi hành vi phạm tội sẽ bị trừng phạt”. Lý thuyết này có ý nghĩa không chỉ cho tội phạm truyền thống, mà còn cho tội phạm cổ cồn trắng hiện đại, như mua bán thông tin nội bộ trong kinh doanh chứng khoán, vi phạm bản quyền phần mềm, chia sẻ bất hợp pháp tác phẩm âm nhạc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bhattacherjee, A. Social Science Research: Principles, Methods, and Practice, Ver 2.0, 2012.
[2] Kuhn, T. J. The Structure of Scientific Revolutions, University of Chicago Press, Chicago, 1996.