Sự khác nhau trong chi tiết, tình huống truyện

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU 10 DỊ BẢN TRUYỆN CỔ TÍCH “TẤM CÁM” TẠI BẠC LIÊU DƯỚI GÓC ĐỘ BẢN ĐỊA HÓA (Trang 29 - 33)

5 Phương pháp nghiên cứu

2.2. Sự khác nhau trong chi tiết, tình huống truyện

Ngoài sự khác nhau cơ bản giữa các lần hóa thân trong các dị bản, còn xuất hiện sự khác nhau ở một số chi tiết, tình huống truyện chủ chốt:

- Ở dị bản 1: Bầy chim lựa hạt cho Tấm là một bày quạ, một chiếc hài của cô Tấm là do chính ông Bụt tặng cho, bà lão đá xé rách vỏ thị của cô Tấm

- Ở dị bản 2: Tấm tìm chôn xương cá bống theo lời bụt dặn, sau ba tháng mười ngày thì được một đôi giày xinh xắn. Mang giày đi chăn trâu, giày bị ướt, Tấm giặt giày treo lên sừng trâu, Một con quạ sà xuống cấp mất một chiếc rối đánh rơi xuống sân đình. Lý do Tấm về nhà đốn cau là do hay tin cha ốm nặng, thèm cau tươi. Ở dị bản này, Tấm cũng tự mình có phép thần thông.

- Ở dị bản 3: Vật nuôi của Tấm là một con cá bống mú. Thử thách của dì ghẻ đặt ra cho Tấm là lựa gạo và mè.

- Ở dị bản 4: Vật nuôi của Tấm là một con cá bống mú. Loài chim nhặt hạt giúp Tấm là bồ câu.

- Ở dị bản 5: Vật nuôi của Tấm là một con cá vàng.

- Ở dị bản 6: Tấm và Cám đi bắt cá là để phân ai làm chị, ai làm em. Đứa làm em phải mang tên Cám. Ở dị bản này Tấm hoàn toàn không trải qua bất kỳ lần hóa thân nào, cũng không có sự giết hại của mẹ con Cám. Tấm gặp được Thái tử trong một lần đi chăn trâu ngoài ruộng, đặt tên cho Thái tử là Mai và sau đó bị Thái tử giữ một chiếc hài làm tín vật. Cũng chính nhờ tín vật này mà trong buổi lễ kén vợ, Tấm đường đường chính chính trở thành vợ Thái tử.

- Ở dị bản 7: Tấm bị Cám lừa đi hái hoa lài rồi trút trộm sạch tôm cá. Vật nuôi của Tấm là một con cá bống mú. Cũng ở dị bản này không hề xuất hiện Thái tử mà chỉ có một chàng thợ săn giàu có tài giỏi trong vùng tổ chức kén vợ. Câu thần chú xin thị của bà lão cũng có một khác biệt với bản gốc: “Thị ơi thị rớt bị bà /Bà để bà ngửi bởi bà không con.”

- Ở dị bản 8: Sau khi mang được quả thị về nhà, bà lão đã định đụng khi nào thị chín sẽ ăn quả thị.

- Ở dị bản 9: Tấm và Cám đi bắt cá là để phân ai làm chị, ai làm em. Đứa làm em phải mang tên Cám. Tấm bị Cám lừa đi hái hoa sứ rồi

trút trộm sạch tôm cá. Gắn với chi tiết này còn có câu vè: “Kìa kìa bông sứ ngậm sương / Đố ai qua đặng ta nhường chế hai.”

- Ở dị bản 10: Đây là dường như là dị bản gần với bản gốc nhất.

3. Lý giải dị bản dưới góc độ bản địa hóa:

3.1. Về khái niệm bản địa hóa:

Khái niệm “bản địa hóa” (localized) hay còn được dịch với một nghĩa khác là “địa phương hóa” - một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây. Xoay quanh vấn đề bản địa hóa là những tranh cãi về tính quốc tế và tính dân tộc cũng như những ranh giới và vùng giao thoa của các nền văn hóa, văn minh với nhau.

“‘Bản địa hoá’ hay ‘địa phương hóa’ chỉ một quá trình mà dựa vào đó những tín ngưỡng, thực hành hay đối tượng ngoại lai được chuyển hoá phần nào bởi người dân bản địa nhằm làm cho những thực hành hay đối tượng ngoại lai đó thích hợp hơn hơn với phong cách và các nhu cầu của xã hội bản địa. Bản địa hóa là sự diễn ra đồng thời cùng một lúc của cả hai quá trình phổ biến hóa và đặc thù hóa” (Liam C Kelley, Bài phát biểu đề dẫn trình bày tại Hội thảo “Khớp nối với Việt Nam: Một cuộc đối thoại liên ngành”, 2011)

Hiểu theo cách này, quá trình bản địa hóa những nhân tố ngoại lai đã trực tiếp làm phân mảnh chúng, tạo ra những mảnh ghép bản địa. Với những “mảnh ghép” đó họ đã tạo ra “những tuyên ngôn văn hoá bản địa” của chính mình.

10 dị bản của Tấm Cám tại Bạc Liêu thể hiện khá rõ quá trình bản địa hóa một truyện cổ tích thế tục trong những chi tiết nghệ thuật, tình huống truyện mang tính chất địa phương, vùng miền rất sáng tạo và đặc sắc.

3.2. Lý giải 10 dị bản Tấm Cám ở Bạc Liêu dưới góc độ bản địa hóa:

Xét trên 10 dị bản, chỉ có một dị bản tái hiện lại gần đúng những lần hóa thân của Tấm so với bản gốc. Các bản còn lại khác đi ít nhiều. Đặc biệt đáng chú ý, hầu như không xuất hiện chi tiết hóa thân thành khung cửi dệt vải của Tấm. Lý giải điều nay dưới gốc độ bản địa hóa, dễ dàng giải thích rằng chi tiết “khung cửi” không phù hợp với thói quen sinh hoạt, văn hóa vùng (nghề dệt vải không phổ biến ở khu vực Bạc Liêu) nên chi tiết này dường như đã hoàn toàn biến mất.

Lần hóa thân thành “bụp măng” của Tấm cũng thể hiện được tính chất bản địa hóa của dị bản. Dường như người bình dân Bạc Liêu đã chọn lựa một loài thực vật, một món ăn hết sức đặc hữu của nền văn hóa mình để mang vào Tấm Cám. Điều này giải thích cho việc “bụp măng” xuất hiện hầu hết trong các dị bản Tấm Cám tại Bạc Liêu. Hoặc những lần hóa thân thành chim quành quạch/ hoành hoạch cũng một lần nữa thể hiện mức độ bản địa hóa của dị bản là rất cao. Từ con chim vàng anh có vẻ xa lạ, người dân Bạc Liêu mang vào dị bản của mình loài chim quành quạch/ hoành hoạch thân quen của vùng sông nước miền Tây.

Xét về mật độ, lần hóa thân thành “con ruồi” của Tấm có lẽ là cũng đáng chú ý. Người bình dân có lẽ đã thể hiện một cách rất tự nhiên và chân thực việc đưa các chất liệu quen thuộc, bình dị của đời sống vào truyện kể của mình.

Ngoài ra, cũng không có sự xuất hiện của chi tiết “yếm đỏ” trong hầu hết các dị bản vì loại trang phục này cũng không hề phổ biến trong văn hóa trang phục khu vực Tây Nam Bộ.

Một điểm đáng chú ý nữa trong các dị bản thể hiện sự bản địa hóa, đó chính là phương ngữ được sử dụng rất nhiều trong lời kể như: “bông” (hoa), “khạp”, “lu”, “chỉnh” (đồ vật bằng đất nung dạng hình bầu, rỗng ruột dùng để đựng nước, rượu, làm mắm), “chế” (cách gọi “chị” của người Hoa)…

Hay như chi tiết vật nuôi của Tấm cũng khá thú vị. Không chỉ có cá bống, ở một số dị bản còn xuất hiện cả cá bống mú – một loài cá đặc sản ở vùng nước lợ tại Bạc Liêu, hay cá hú – con cá da trơn đặc sản làm nên tên tuổi của nhiều tỉnh tại Tây Nam Bộ.

Lý giải dị bản dưới gốc độ bản địa hóa, có thể dễ dàng nhận thấy sự bản địa hóa trong dị bản thể hiện rõ ở cách chọn lựa và thay đổi các chi tiết, hình tượng trong tác phẩm gắn với thói quen sinh hoạt, đặc sản của cư dân vùng đất đó.

4. Ý nghĩa của 10 dị bản Tấm Cám tại Tỉnh Bạc Liêu nói riêng và dị bản văn học dân gian nói chung trong đời sống văn hóa:

4.1. Ý nghĩa của 10 dị bản Tấm Cám tại Tỉnh Bạc Liêu:

Góp phần phong phú cho kho tàng văn hóa, văn học dân gian Bạc Liêu nói riêng và Việt Nam nói chung. Quảng bá hình ảnh đặc trưng con

người – thiên nhiên Bạc Liêu đến đông đảo đại chúng. Duy trì mức độ nhận biết, khả năng tiếp nhận truyện Tấm Cám tại địa phương.

10 dị bản Tấm Cám tại Bạc Liêu được xem xét như một hiện tượng văn học thú vị, mang đến nhiều gợi ý nghiên cứu mới dựa trên tính chất của văn hóa, văn học dân gian cũng như hành trình tiếp nhận của bạn đọc.

4.2. Ý nghĩa của dị bản văn học dân gian nói chung:

Từ 10 dị bản của Tấm Cám tại Bạc Liêu, có thể thấy khía cạnh đóng góp to lớn của quá trình bản địa hóa một tác phẩm văn học phổ biến tại địa phương thông qua dị bản.

Đóng góp đầu tiên, và tôi cho rằng cũng là đóng góp quan trọng nhất chính là thúc đẩy quá trình tiếp nhận văn học. Các phiên bản bạn địa hóa của Tấm Cám như một hiện tượng siêu tiếp nhận trong văn hóa dân gian nói chung, văn học dân gian và truyện cổ tích nói riêng. Không thể phụ nhận trí tượng tượng phong phú và tâm hồn rộng mở của người bình dân trong việc tạo nên các phiên bản đầy ẩn ý và mới lạ đối với một phiên bản truyện cổ tích tưởng chừng đã quá quen thuộc với bao thế hệ người Việt. Hành trình tiếp nhận và tái tạo lại này cũng thể hiện sức sống mãnh liệt của các tác phẩm dân gian trong tập thể cộng đồng. Dị bản xuất hiện trong quá trình bản địa hóa khiến cho tác phẩm gốc sống thêm đời sống thứ 2, thứ 3, thứ n ở nhiều hoàn cảnh, thời gian khác nhau. Đời sống nó nối dài, phân nhánh phức tạp.

Chính dị bản dưới gốc độ bản địa hóa cũng mở ra một cách nhìn tích cực, lạc quan hơn trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, văn học dân gian. Thực chất, kho tàng di sản đó không hề chết đi, cũng chẳng biến mất mà chỉ ngủ yên bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong bối cảnh dương đại. Kho tàng di sản đó không chết đi để phải tái sinh, mà đúng hơn là di sản cần một cõi sống khác, sống động – nhiệt huyết hơn để trở nên gần gũi trong chính cộng đồng đã khai sinh ra nó.

Dị bản gắn với những yếu tố bản địa chính là một hướng đi tiếp thị mang tính chất “cây nhà lá vườn” về những đặc trưng văn hóa, đặc sản địa phương và vùng miền đến đông đảo đại chúng. Ngoài ra, cũng thể hiện được sự điều tiết trong đời sống văn hóa bản địa, tạo ra mức độ cân bằng cần thiết trong văn hóa vùng.

10 dị bản Tấm Cám tại Bạc Liêu mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới dành cho dị bản của truyện dân gian nói chung và Tấm Cám nói riêng. Từ đó, khám phá dị bản như một tiếng nói đầy thú vị của người bình dân tại mỗi địa phương khác nhau. Tính chất địa phương trong từng dị bản cũng đã làm rõ vai trò quan trọng của quá trình bản địa hóa thông qua dị bản, mang lại sức sống lâu bền cho khi tàng văn hóa – văn học dân gian.

Câu chuyện về dị bản Tấm Cám tại Bạc Liêu cũng trở nên có ý nghĩa trong giáo dục cộng đồng, nhất là người trẻ về những giá trị thú vị, bí ẩn của văn hóa, văn học dân gian cần được lưu truyền và phát huy tại mỗi địa phương.

Từ đó có cái nhìn toàn diện về bộ mặt chung của các dị bản, ứng dụng phát triển dị bản truyện kể địa phương trong nhiều lĩnh vực như tiếp thị, văn hóa du lịch, sáng tác văn học, nghệ thuật và khảo cổ học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lê Thị Thanh Vy (2017), Truyện Tấm Cám ở Nam Bộ, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh.

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoc-dan- gian/6215-truyện-tấm-cám-ở-nam-bộ.html/

Khoa Ngữ văn và Báo chí (2005), Văn học dân gian Bạc Liêu, Nxb. Văn nghệ TP.HCM.

Liam C Kelley (Trường Đại học Hawai’i tại Manoa), Hoa Quốc Văn dịch, “Bản địa hoá” và các “thế giới tri thức” trong quá khứ và hiện tại của Đông Nam Á.

https://leminhkhaiviet.wordpress.com/2013/12/23/ban-dia-hoa-va-cac- the-gioi-tri-thuc-trong-qua-khu-va-hien-tai-cua-dong-nam-a/

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU 10 DỊ BẢN TRUYỆN CỔ TÍCH “TẤM CÁM” TẠI BẠC LIÊU DƯỚI GÓC ĐỘ BẢN ĐỊA HÓA (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(33 trang)
w