Rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về chức năng quản lý nhà nước của Ban quản lý KKT trên các lĩnh vực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quản lý nhằm phát huy hiệu quả và có hiệu lực. Đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các lĩnh vực chưa quy định rõ như:
- Xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKTCK theo các hình thức đầu tư đa dạng.
- Đánh giá, tổng kết mô hình hoạt động của các KKTCK đã được thành lập để điều chỉnh nguyên tắc, đối tượng, mức bố trí vốn ngân sách Trung ương theo hướng tập trung vốn đầu tư cho phát triển các KKTCK đã thành lập nhằm phát huy hiệu quả KKTCK, tránh đầu tư dàn trải không phát huy hiệu quả.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP, sau đó là xây dựng Luật KKT để ban hành hệ thống quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách áp dụng riêng cho các KKT, KKTCK nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất, phát huy được vai trò của KKTCK trong việc tạo đột phá trong phát triển kinh tế nên cần thiết phải ban hành Luật KKT để giải quyết các vấn đề bất cập như:
+ Hiện nay các chính sách ưu đãi đối với các KCN, KKT đều được quy định ở tầm Nghị định (Nghị định 108/2006/NĐ-CP; Nghị định 29/2008/NĐ-CP) do vậy đều bị giới hạn bởi các Luật chuyên ngành (Luật đất đai, Luật thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân…).Mặt khác chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý KKT thực hiện theo cơ chế ủy quyền có nhiều điểm chồng chéo, triển khai không thống nhất và không thể giải quyết được bằng văn bản pháp quy cấp Nghị định vì vướng các Luật chuyên ngành. Việc ban hành Luật sẽ giải quyết được một cách thống nhất, lâu dài các vướng mắc, chồng chéo nêu trên.