* Chính sách đất đai
- Triển khai cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thiết lập vành đai, phân định ranh giới các loại rừng, loại đất, để tổ chức quản lý chặt chẽ và sử dụng ổn định lâu dài, việc thiết lập vành đai được thực hiện cùng với việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng cấp xã.
- Các Tổ chức Lâm nghiệp nhà nước cần tăng cường thực hiện khoán đất trồng rừng lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân tạo điều kiện để người dân có đất đai, tư liệu để sản xuất.
- Rà soát kết quả giao đất lâm nghiệp, những diện tích chưa giao (đang tạm giao UBND xã quản lý) tiếp tục xem xét giao cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
- Tăng cường quản lý về đất đai, kiểm tra giám sát việc sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Sớm có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng sử dụng đất rừng sai mục đích sang trồng cây nông nghiệp (sắn, ngô, lúa …), kiên quyết thu hồi rừng và đất lâm nghiệp đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng rừng và đất rừng lãng phí, không đầu tư trồng rừng để đất trống trái quy định của pháp luật…
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế được giao, thuê hoặc nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, kinh doanh theo qui định của pháp luật. Ưu tiên cho hộ dân tại chỗ, các tổ chức đơn vị tại địa phương. Các tổ chức, tập thể, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ, kinh doanh rừng được hỗ trợ về mặt pháp lý, vốn tín dụng, khuyến lâm, đào tạo, miễn giảm thuế ...
theo tinh thần Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 10/11/1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
* Chính sách hưởng lợi
Tạo điều kiện thông thoáng trong hưởng lợi của chủ rừng theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 và Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015; Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng và quy định khác có liên quan.
* Chính sách đầu tư
- Thực hiện chính sách ưu đãi về thuế trong việc đầu tư vào trồng rừng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản trên địa bàn. Tạo cơ chế thuận lợi và hấp dẫn để thu hút khuyến khích các tổ chức kinh tế Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp.
- Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết (đầu tư, bảo hộ, bao tiêu sản phẩm) giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng rừng, theo cơ chế cùng đầu tư, cùng hưởng lợi với tỷ lệ ăn chia hợp lý. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lâm nghiệp qua các dự án tài trợ quốc tế …khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trồng rừng và liên doanh liên kết trong trồng rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản.
- Kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào bảo vệ và phát triển rừng thông qua các dự án. Tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư về đất đai, tổ chức sản xuất.
- Nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho hộ gia đình trồng rừng phòng hộ, sản xuất trên diện tích đất trống đồi núi trọc theo Quyết định 147/2007/QĐ- TTg của Thủ Tướng Chính phủ và dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013 – 2020.
- Vốn đầu tư phải được đáp ứng kịp thời, đúng tiến độ, tránh phải qua nhiều khâu trung gian, gây phiền hà cho người sản xuất.
- Vốn tín dụng: Áp dụng các thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi. Chu kỳ cho vay và thu hồi vốn theo chu kỳ kinh doanh của từng loài cây trồng. Cho vay không lãi suất đối với người dân trồng rừng ở những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện sản xuất và lưu thông khó khăn. Có chính sách ưu tiên, cho vay với lãi suất thấp đối với chủ rừng trồng cây gỗ lớn.
* Chính sách thị trường
Tăng cường công tác tiếp thị để tìm hiểu thị trường về cung cầu, giá cả lâm sản trong huyện, tỉnh, trong nước và quốc tế. Nghiên cứu chính sách tiêu thụ lâm sản hợp lý, có lợi cho người sản xuất, chú trọng các sản phẩm từ rừng trồng. Thực hiện cơ chế tự do lưu thông, khuyến khích mọi thành phần tham gia sản xuất kinh doanh lâm sản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Khuyến khích tiêu thụ hàng lâm sản nội địa thay hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lâm sản.