Sự biểu hiện của “tính tuồng” trong ngôn ngữ thể hiện 1 Tính ước lệ cách điệu

Một phần của tài liệu Tóm tắt luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật (Trang 26 - 27)

4.3.2.1. Tính ước lệ - cách điệu

Tính ước lệ - cách điệu được xem là một trong những đặc trưng cốt lõi, làm nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật tuồng. Chính vì vậy, ngay từ khâu biên soạn kịch bản, các nhà soạn kịch cũng phải sử dụng ngôn ngữ mang tính ước lệ và cách điệu cao. Trong kịch bản tuồng Đào Tấn, hai yếu tố mang tính ước lệ, cách điệu rõ nét nhất là không gian - thời gian và mô thức nhân vật.

4.3.2.2. Tính cô đọng - hàm súc

Là một loại kịch hát được viết chủ yếu bằng văn vần và thơ, ngôn ngữ tuồng có tính hàm súc cao. Đây là đặc điểm không chỉ bị quy định bởi thể loại thơ mà còn là yêu cầu của các làn điệu trong tuồng. Để đáp ứng tiêu chuẩn “lời ít, ý nhiều”, cô đọng, súc tích các nhà soạn tuồng thường sử dụng các hình tượng ví von, so sánh hoặc điển tích, điển cố, thi liệu.

4.3.2.3. Tính tiết điệu - nhạc điệu

Tuồng là loại hình sân khấu ca kịch, các điệu hát trong tuồng, kể cả nói lối đều dựa vào tiết tấu, nhịp điệu của thơ ca và văn biền ngẫu, vốn là những thể loại văn học giàu tính nhạc điệu. Mỗi câu hát tuồng trước hết đã là một câu thơ hay, giàu nhạc tính. Việc giữ đúng vần, điệp, nhịp, niêm, luật của các thể thơ Đường, thơ dân tộc là cần thiết. Vì vần, điệu, nhịp, niêm, luật của thơ ca đã tạo nên tính nhạc, sau đó lại được giai điệu hóa với sự tham gia của âm nhạc để trở thành các điệu hát tuồng. Cái đẹp trong nghệ thuật tuồng phải hài hòa, trọn vẹn.

Tiểu kết chương 4: Như vậy, kịch bản tuồng Đào Tấn chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của văn học Hán và văn học dân gian trong cách kết cấu, xây dựng nhân vật, văn thể và ngôn ngữ văn học. Đó là sự sáng tạo về cốt truyện so với nguyên tác, cách sử dụng mô típ để tạo xung đột kịch, kết cấu không gian – thời gian nghệ thuật, phương thức xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ, diễn biến tâm lý và hành động. Đặc biệt là kết cấu văn thể độc đáo và sự hợp thể trong văn tuồng khiến cho kịch bản tuồng Đào Tấn không chỉ để biểu diễn mà còn để đọc thưởng thức. Tuồng bản của ông còn mang đậm “tính tuồng”.

KẾT LUẬN

1. Phá bỏ quan niệm độc tôn về đề tài quân quốc trong tuồng cổ, Đào Tấn đa dạng hóa đề tài bằng cách đưa lên sân khấu tuồng những vấn đề thế sự, những trăn trở nhân sinh như tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em, bè bạn, tình yêu đôi lứa, tình thương con người và cả sự giả dối, phản bội, lọc lừa… Đào Tấn đã xác lập những tiêu chí để nhận diện thể loại tuồng và từ đó cách tân tuồng cho phù hợp với xã hội đương thời. Chính Đào Tấn đã đưa hơi thở thời đại vào kịch bản tuồng và đưa tuồng phát triển đến đỉnh cao rực rỡ. Có thể nói, với việc hướng tới đề tài thế sự, Đào Tấn đã mở rộng phạm vi phản ánh cho tuồng bác học. Bằng cảm quan hiện thực và tinh thần nhân văn sâu sắc, ông đã đưa ra một số quan niệm tiến bộ về con người trong tuồng.

2. Song song với việc mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực, thay đổi đề tài, nội dung, Đào Tấn có những cách tân mạnh mẽ về kết cấu kịch bản tuồng. Để phù hợp với thị yếu bình dân, ông đã mạnh dạn rút gọn tuồng ba hồi thành tuồng một hồi. Cốt truyện được đảo lộn về trật tự sự kiện và thêm nhiều chi tiết mới so với nguyên tác. Ông thường để kết thúc mở chứ không “kết thúc có hậu” như tuồng cổ. Đào Tấn đặc biệt sử dụng các mô típ để tạo hình huống và xung đột kịch.Trong tác phẩm của ông, mỗi nhân vật đều trải qua một hành trình dài, có thể là hành trình vật lý, có thể hành trình tâm lý, hành trình chuyển biến nhận thức, tư tưởng… nhưng đến khi kết thúc tác phẩm chúng ta vẫn chưa nhìn thấy điểm cuối của các hành trình này. Có lẽ, Đào công cũng như những nhân vật của mình, luôn khắc khoải tìm kiếm một con đường lý tưởng để cải biến “thời đại đau thương và phức tạp nhất trong lịch sử dân tộc”. Song song với kết cấu cốt truyện theo mô típ, không gian và thời gian cũng được ông sử dụng như một phương tiện nghệ thuật kết cấu tác phẩm. Ở đây, chúng ta không chỉ thấy những không gian, thời gian quen thuộc trong văn học dân gian và văn học cổ mà còn thấy ở đó những dấu hiệu thủ pháp nghệ thuật của văn học hiện đại sau này như đồng hiện không gian, thời gian, kết cấu thời gian theo dòng tâm trạng… Đào Tấn cũng có đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thiện ngôn ngữ và chau chuốt văn chương tuồng. Tuồng của ông thiên về sử dụng chữ Hán hơn chữ Nôm và đặc biệt sính dùng điển cố, thi liệu Hán học nhằm tăng tính cô đọng, hàm súc. Kịch bản tuồng Đào Tấn có sự kết hợp nhuần nhụy, uyển chuyển giữa văn biền ngẫu, văn xuôi và thơ cũng như các thể loại khác trong văn học cổ trung đại.

3. Để hoàn thiện thể loại tuồng Đào Tấn không ngừng cách tân và thể nghiệm qua các tác phẩm. Từ bỏ đề tài quân quốc và hình tượng con người trung quân từng chiếm vị trí trung tâm của tuồng, ông đã mở rộng phạm vi diễn tả đến những vùng đất, những miền đất mới, những con người mới sẽ trở thành trung tâm của thời đại mới. Sau “Hậu tổ tuồng”, các tác giả thể nghiệm tuồng theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có kịch tác gia nào vượt qua được ông và thời kỳ phát triển tuồng rực rỡ ở thế kỷ XIX. Có thể nói, trong tiến trình hình thành và phát triển thể loại tuồng, kịch bản tuồng Đào Tấn như một cái mốc đánh dấu giai đoạn hoàn thiện và phát triển đạt đến đỉnh cao của tuồng bác học.

4. Trong bối cảnh hiện nay, luận án là sự nỗ lực của tác giả nhằm đưa lại một cái nhìn khách quan hơn về vị trí của tuồng Nôm trong văn học sân khấu nói riêng và văn học Việt Nam nói chung qua nghiên cứu một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng của Đào Tấn. Đồng thời, để có thể xác lập hệ thống các tác gia tiêu biểu của thể loại này cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà sưu tầm, nghiên cứu về tuồng.

Một phần của tài liệu Tóm tắt luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật (Trang 26 - 27)