6.3.1 Hạn chế
Ngoài sự đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn, nghiên cứu có những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện. Luận án chỉ mới tính phí bảo hiểm cây lúa cho vụ Đông Xuân tại 3 tỉnh Hậu Giang, An Giang và Sóc Trăng. Riêng tỉnh Đồng Tháp và các vụ mùa khác trong năm (Hè Thu và Thu Đông) thiếu dữ liệu nên chưa tính được để có thể nhìn nhận các vấn đề được toàn diện hơn.
Nguồn dữ liệu thời gian sử dụng của luận án ở giới hạn 12 năm, nên kết quả có thể phản ánh độ tin cậy chưa cao nếu sử dụng được dữ liệu dài hơn (khoảng 15 năm trở lên). Ngoài ra, có nhiều phương pháp áp dụng cho tính phí bảo hiểm đã được các nhà nghiên cứu ứng dụng. Do hạn chế nguồn dữ liệu, luận án chưa thể thực hiện thêm một phương pháp khác để có thể đánh giá mức độ ước lượng chính xác phí bảo hiểm được xác thực hơn. Hơn nữa, chưa có biến mới đề cập trong mô hình để làm phong phú hơn các yếu tố ảnh hưởng đến WTP của nông hộ.
6.3.2 Hướng nghiên cứu tiếp theo
Các kết quả nghiên cứu đã đạt được trong những giới hạn nội dung đã đặt ra. Luận án vẫn còn một số giới hạn nhất định và có các kiến nghị cho những nghiên cứu tiếp theo.
Thu thập dữ liệu theo thời gian có thể dài hơn, đầy đủ các tỉnh và mùa vụ trong năm để phí bảo hiểm tính được tăng thêm độ tin cậy và phản ánh đầy đủ hơn. Ngoài ra, trên cơ sở dữ liệu có thể áp dụng thêm một phương pháp khác để đánh giá mức độ ước lượng chính xác của phí bảo hiểm. Đồng thời, phát triển các biến mới ảnh hưởng đến WTP phù hợp thực tế để góp phần phát triển cho cơ sở lý luận trong tương lai.
Nghiên cứu này chỉ thực hiện cho cây lúa ở vùng ĐBSCL. Thực tế còn nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế trong vùng. Trên cơ sở các lý thuyết và phương pháp liên quan của luận án, có thể vận dụng một cách phù hợp để nghiên cứu thêm các loại cây trồng khác. Qua đó có thể góp phần nguồn thông tin có cơ sở khoa học giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch, quyết định chính sách cho sự phát triển ngành nông nghiệp cây trồng vùng ĐBSCL theo hướng bền vững thành công.