Những nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cây có múi và cây bưởi liên quan đến phạm vi đề tà

Một phần của tài liệu Đánh giá một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giống bưởi hồng quang tiến tại thị xã thái hòa, tỉnh nghệ an (Trang 26 - 32)

1.5.3.1. Các nghiên cứu về dinh dưỡng

Ở Việt Nam cũng như thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu về dinh dưỡng khoáng cho cây bưởi nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung. Các nghiên cứu về dinh dưỡng, nhìn chung được đánh giá tương đối toàn diện, đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của các nguyên tố dinh dưỡng cũng như liều lượng, chủng loại, mối quan hệ của chúng ảnh hưởng như thế nào đến từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng cũng như khả năng chống chịu của cây trồng đối với các yếu tố tự nhiên.

Lương Thị Kim Oanh (2012) [19], phương pháp bón phân cho cây ăn quả hiện nay có hai cách bón chính:

- Bón trực tiếp vào đất: Đây là cách bón phổ biến, rạch một rãnh xung quanh tán cây, rải đều phân và lấp đất kín. Bón theo cách này luôn kết hợp với tưới nước hoặc bón phân khi đất có đủ độ ẩm.

- Phun phân qua lá: Dựa vào nguyên lý lá cây có thể hấp thụ được các nguyên tố dinh dưỡng và chuyển hoá thành năng lượng nuôi cây. Hiện nay, phân bón lá được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trồng cây có múi và được áp dụng trong trường hợp đất nghèo dinh dưỡng, đất khô hạn hoặc bộ rễ kém phát triển.

Theo Nguyễn Minh Châu (1997) [8], để thu được 1 tấn quả bưởi, cây trồng lấy đi của đất 1,18 - 1,29 kg N; 0,20 - 0,27 kg P205; 2,06 - 2,61 kg K2O và 0,97 - 1,04 kg MgO, ngoài ra còn một lượng nhỏ các nguyên tố vi lượng.

Nguyễn Hữu Thoại, Nguyễn Minh Châu (2003), nghiên cứu hiệu quả của một số loại phân bón cho bưởi Năm Roi cho thấy: Bón phân hữu cơ đã cải thiện độ chua, làm tăng dinh dưỡng trong đất, làm tăng phẩm chất trái sau tồn trữ 30 ngày.

Đỗ Đình Ca, Nguyễn Văn Dũng, Vũ Việt Hưng (2005) [3], nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón, tưới nước đến khả năng ra hoa, đậu quả của bưởi Phúc Trạch từ năm 2003 - 2004 cho thấy bón 800g N: 400g P2O5 : 600g K2O + phun phân bón lá Grown ba lá xanh cho năng suất cao nhất.

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của một số công thức bón phân trên cây bưởi Phúc Trạch của tác giả Võ Tá Phong (2004) chỉ ra rằng: Các công thức bổ sung phân bón lá Super 900, đạm Humic, Agriconic, Futonic có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao khả năng sinh trưởng của cây bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngô Thừa Lộc (2007), bón phân cho cây bưởi Phúc Trạch với lượng: 1,08 kg urê + 1,47 kg superlân + 0,66 kg kaliclorua + 1,5 kg vôi chia làm 3 lần (sau thu hoạch, ra hoa, phát triển quả) có tác dụng rõ rệt tới sinh trưởng nhưng tỷ lệ đậu quả thấp và không có sự khác biệt so với đối chứng.

Theo kết nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Văn Chương (2005) [11], các chế phẩm phân bón lá có tác dụng khắc phục được hiện tượng rụng quả sinh lý do thiếu hụt dinh dưỡng, làm tăng số quả trên cây do đó làm tăng năng suất cây cam. Các chế phẩm đều tăng năng suất hơn so với đối chứng từ 146,0 -174,9 %, trong đó phun Grow more cho hiệu quả hơn cả, tăng so với đối chứng 146,5% ở cam Đường Canh và 174,9 % ở cam Xã Đoài.

Nguyễn Thị Lan Anh (2007) [1], phun phân bón lá Komix trên cây bưởi Diễn đã làm tăng hàm lượng đường tổng số (tỷ lệ tăng 3,17 – 12,10 %) và tăng độ brix (tỷ lệ tăng 3,6 – 6,5 % ) so với đối chứng không phun.

1.5.3.2. Các nghiên cứu về GA3làm giảm số hạt/quả.

Giberellin có tác dụng giảm hạt trên quả ở cây ăn quả có múi. Đối với giống nhiều hạt khi phun GA3 số lượng hạt đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ giảm hạt phụ thuộc vào từng giống, ví dụ quýt Dancy thì thành công nhưng giống Temple lại không có kết quả.

Đỗ Đình Ca, Lê Công Thanh (2006) [5] phun GA3 Trung Quốc ở nồng độ 70 - 100 ppm trên cam Xã Đoài trồng ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên vào thời điểm cây nở hoa rộ có tác dụng làm giảm hạt rõ rệt, trung bình chỉ còn 0 - 7 hạt/quả (cam Xã Đoài có từ 35 - 40 hạt/quả)

Đỗ Đình Ca, Vũ Việt Hưng (2010) [4], xử lý GA3 Trung Quốc nồng độ 70 – 100 ppm trên bưởi Thanh Trà vào 3 thời điểm: trước khi nở hoa 5 - 7

ngày, khi hoa rộ và phun lần cuối sau khi tàn hoa đã làm giảm 100 % số hạt trên quả.

Võ Thị Tuyết, Phạm Thị Sâm (2012), sử dụng GA3 Thiên Nông nồng độ 80 - 90 ppm phun cho quýt PQ1 ở 3 giai đoạn (giai đoạn nụ, giai đoạn hoa rộ và giai đoạn sau khi tàn hoa 5 – 7 ngày) đã làm giảm từ 24,39 - 24,82 % số hạt/quả, sự sai khác này có ý nghĩa đạt ở mức độ tin cậy 95% so với công thức đối chứng không phun.

Bùi Xuân Khôi (2010), phun GA3 nồng độ 80 và 100 ppm ở thời điểm sau nở hoa 5 ngày và 10 ngày đã làm giảm số hạt bưởi Đường lá cam xuống còn từ 1,58 - 4,00 hạt/quả (theo tiêu chuẩn thế giới quả bưởi từ 1 - 5 hạt được coi là không hạt).

Nguyễn Thị Phượng (2011) [20] xử lý GA3 nồng độ 80 - 90 ppm trên giống bưởi Diễn tại tỉnh Bắc Giang làm giảm từ 56,57 hạt/quả xuống 33,00 hạt/quả.

1.5.3.3. Các nghiên cứu về ruồi vàng hại quả

Các nhà khoa học thuộc Đại học Grifflth (Australia), Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu thành công biện pháp diệt trừ ruồi đục quả hại cây trồng bằng sử dụng bã bia để chế biến thành một loạt bả protein diệt ruồi đạt hiệu quả xấp xỉ 100% mà không gây độc hại tới môi trường. Bả được đăng ký sử dụng với tên thương mại là: Ento-Pro 150 DD và Sofri protein 10 DD...

Theo TS Lê Đức Khánh (2012): Để phòng trừ ruồi vàng hại quả đối với cây ăn quả có thể tẩm 2ml hợp chất dẫn dụ (ME hoặc CuE + 20% thuốc trừ sâu) vào bẫy, mỗi ha treo 20- 30 bẫy hoặc pha 50ml bả protein + 10ml Pyrinex 20 EC + 0,95 lít nước và phun theo điểm, mỗi điểm 50 ml hỗn hợp tương ứng 1m2/cây, định kỳ 5- 7 ngày phun một lần đã làm giảm 85 – 97 % ruồi vàng hại quả

Theo Võ Thị Tuyết, Phạm Thị Sâm (2012) [25], kết quả theo dõi ruồi vàng hại quả bưởi Hồng Quang Tiến tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An trong 2

năm 2010 – 2011, tỷ lệ ruồi vàng gây hại ở mức độ trung bình từ 8,17- 9,03 % số quả. Ruồi vàng gây hại quả chủ yếu vào thời kỳ quả đã già hoặc chín, nếu phát hiện sớm, quả vẫn tiêu thụ được nhưng giá trị sản phẩm bị giảm thấp.

1.5.3.4. Các nghiên cứu về bao quả

Theo Nguyễn Thị Lan Anh (2007) [1] bao quả là một biện pháp kỹ thuật được áp dụng nhiều ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Philipines… Ở nước ta, biện pháp bao quả để hạn chế tác hại của sâu bệnh và cải thiện mẫu mã quả còn ít được quan tâm nghiên cứu.

Bao quả làm cho vỏ quả không bị nám quả do nhện trắng gây hại, không bị cháy nắng do cường độ ánh sáng cao. Giúp quả tránh được sự gây hại của rệp, ngài chích hút, ruồi vàng, bọ xít chích hút trái. Bao quả còn giúp cho quả sinh trưởng tốt hơn do tiểu khí hậu trong túi bao được điều hòa. Do đó, quả bưởi to, sáng, bóng đẹp, bán được giá cao (Nie Lei and Liu Hong Xian, 2007) [43]

Theo kinh nghiệm ở Đài Loan, giống bưởi chùm trồng ở Đài Bắc khi chín có màu vàng nhạt, để có quả bưởi mẫu mã đẹp chất lượng tốt, người ta đã dùng giấy sậm màu bao khi quả còn xanh, khi chín vỏ quả có màu vàng đẹp. Cùng một giống, trồng trên cùng tiểu vùng sinh thái, cùng áp dụng một quy trình kỹ thuật, thì màu sắc vỏ quả tùy thuộc vào độ đậm nhạt của túi bao quả nhưng chất lượng quả không khác nhau.

Kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Hương (2004) [16], bao quả bằng

các chất liệu khác nhau đã có tác dụng hạn chế sự nhiễm bệnh, ngăn chặn ruồi đục trái và cải thiện mẫu mã đáng kể.

Theo Nguyễn Kim Chiến (2006) [9], để tránh tác hại của rệp và nhện đỏ trên quả bưởi, sau khi đậu quả một tháng cần tiến hành bao quả bằng túi bao chuyên dụng.

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Lan Anh (2007) [1], bao quả làm giảm tỷ lệ sâu, bệnh hại quả bưởi Diễn, làm tăng mẫu mã quả. Thời điềm bao

quả thích hợp nhất là sau tàn hoa 30 ngày. Tuy nhiên, bao quả không làm ảnh hưởng rõ ràng đến hàm lượng các chất trong quả.

1.5.3.5. Về bảo quản, xử lý sau thu hoạch

Tương tự như một số loài cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới khác, việc xử lý và bảo quản sau thu hoạch đối với cây có múi, trong đó có cây bưởi có ý nghĩa rất quan trọng đến chất lượng và và hiệu quả kinh tế của sản phẩm.

Hiện nay trên thế giới, đối với các nước phát triển, công nghệ bảo quản quả tươi được sử dụng nhiều biện pháp tiên tiến như phương pháp điều chỉnh không khí được kiểm soát (Controlled Atmosphere - CA), phương pháp sử dụng không khí có sự thay đổi (Modified Atmosphere - MA) với công nghệ đóng gói theo chế độ điều biến khí (Modified Atmosphere Packaging - MAP). Tuy nhiên do phải sử dụng các thiết bị đắt tiền và phải đầu tư cơ sở hạ tầng khá tốn kém, các công nghệ cao áp dụng trong bảo quản quả đối với các nước đang phát triển vẫn còn chưa phổ biến.

Theo các tác giả Nguyễn Hùng Cường, Lê Bảo Long, Lê Văn Hoà (2011), xử lý nước nóng 540C trong 4 phút và bảo quản lạnh ở nhiệt độ 12 – 140 C là biện pháp tốt để khống chế bệnh thối trái, duy trì cuống trái, giảm mất nước và kéo dài thời gian tồn trữ của bưởi Năm Roi.

Sử dụng chế phẩm tạo màng đã kéo dài thời gian bảo quản quả bưởi Đoan Hùng gấp 2 - 3 lần so với bảo quản tự nhiên trong cùng điều kiện. Chất lượng quả tốt, mẫu mã quả đẹp, tỷ lệ tổn thất nhỏ hơn 10 % sau bảo quản ba tháng và nhỏ hơn 15 % sau bảo quản năm tháng.

Bảo quản quả bưởi dùng để ăn dần, đơn giản là chỉ cần làm giàn bằng tre hay gỗ nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau 25 - 30 cm, xếp quả bưởi kín từng tầng, để giàn bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Cách này bảo quản bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn tới 2 - 3 tháng sau thu hoạch, tuy vỏ ngoài quả bưởi đã héo nhăn nheo nhưng bưởi vẫn mọng nước, tép không nát, ăn ngọt đậm đà hơn lúc mới thu hoạch, giá bán lại tăng gấp 1,5 - 2,0 lần so với lúc thu hoạch.

Bảo quản bưởi Phúc Trạch trong cát kéo dài thời gian bảo quản 50 ngày, tỷ lệ quả hư hỏng từ 10 – 15 %, độ brix tăng từ 10 % lên 15 %, tuy nhiên độ căng, bóng của quả có giảm nhưng không đáng kể.

Một phần của tài liệu Đánh giá một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giống bưởi hồng quang tiến tại thị xã thái hòa, tỉnh nghệ an (Trang 26 - 32)