Bên cạnh đó, nhà văn cũng giải thiêng những giá trị Chân, Thiện, Mỹ tồn tại rất lâu trong cuộc sống và trong văn học tạo thành đức tin ăn sâu bám rễ trong tâm thức con người. Ngôn ngữ phản ánh tư duy con người nay bị nhại lại với sự giải thiêng với những đứt gãy đối thoại phi lí thể hiện sự hoài nghi ngôn ngữ. Chẳng hạn:
“- Xích vào đây một tý cho ấm. Anh Tính biết không, ngày bé ấy, bao nhiêu lần anh làm em sợ hết hồn.
- Cắn công cống thích lắm. - Bố anh còn gặm chén không? - Mắt chó vàng như trăng.”
(Thoạt kỳ thủy, trang 33)
Những đối thoại phi lí nhại chính ngôn ngữ, thể hiện sự rạn vỡ khủng khiếp trong suy nghĩ, tình cảm của con người. Đồng thời, nó mang đến cho văn học một đức tin mới, không phải ở sự rõ ràng, mạch lạc truyền thụ đạo lí một chiều mà là sự lắp ghép, phân mảnh mang tính chất trò chơi như lời khẳng định tưởng rất vu vơ của nhân vật trong Những đứa trẻ chết già “ Đúng, cái phi lý bao giờ cũng có lý”. Cùng với đó Nguyễn Bình Phương thể hiện sự ứng xử “ngông” với ngôn từ “ Sẵn sàng phạm thượng những từ ngữ vốn mang sắc thái thi vị, trang trọng, thiêng liêng trong cảm quan ngôn từ Việt” (Trần Ngọc Hiếu). Từ đó, nhà văn thể hiện cái nhìn đa chiều hơn về đời sống, con người.
Nhại lại những biểu tượng thiêng liêng như rồng (Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già), nghê (Những đứa trẻ chết già), Nguyễn Bình Phương đã giễu những ảo tượng về khát vọng hão huyền của con người, kéo nó xuống những giá trị trần thế nhất. Nhân vật người bố trong Những đứa trẻ chết già đã kể cho con: “Ngày xưa, có người mơ thấy lợn cắn chân mà làm vua…Mõm rồng cũng như mõm lợn” và ao ước “ Giá nó đớp mình một cái thì hay biết bao”. Hay nhại lại câu nói “Có tiền mua tiên cũng được” trong văn học dân gian bằng lời khẳng định của lão Liêm “Tiền là trên hết con ạ” để giễu dục vọng tham lam của gia đình lão. Đức tin của con người không thể gửi gắm trong những ảo tưởng, dục vọng quyền lực xây dựng trên sự mất nhân cách của con người như vậy được. 2. Giễu nhại và những giá trị đạo đức