A&C chi nhánh Hà Nội
3.1. Về tổ chức bộ máy quản lý và nhân sự:
Bộ máy quản lý của chi nhánh là phù hợp với hình thức chung của công ty TNHH. Các chi nhánh chịu sự giám sát và chỉ đạo từ ban giám đốc công ty nhưng cũng có được tính độc lập cao trong công việc, đảm bảo kịp thời trong việc ra những quyết định có tính chiến lược. Việc tổ chức chi
nhánh chia nhỏ thành các phòng nghiệp vụ cùng với việc bổ nhiệm các trưởng hay phó phòng phụ trách các phòng nghiệp vụ đó đã tạo ra sự dễ dàng trong vấn đề quản lý nhân viên và sắp xếp và có sự cạnh tranh trong công việc giữa các phòng nghiệp vụ. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng đến mục tiêu chung của chi nhánh nếu các phòng quá độc lập với nhau. Phòng nghiệp vụ XDCB có khối lượng khá nhiều tuy nhiên chỉ có ít nhân viên do vậy chi nhánh cần bổ sung thêm các nhân viên nhằm tăng hiệu quả công việc. Giám đốc của chi nhánh có trình độ cao, uy tín lớn nên tạo thêm niềm tin cho công ty và chi nhánh. Giám đốc các chi nhánh là thành viên của ban giám đốc nên đảm bảo hoạt động của các chi nhánh đi theo mục tiêu chung của công ty.
Công ty cũng như các chi nhánh luôn có những chính sách ưu đãi tốt trong việc tuyển dụng và đãi ngộ đối với nhân viên. Hàng năm công ty luôn có những buổi học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ hay về tin học, ngoại ngữ, các kỹ năng giao tiếp cho các KTV. Công ty luôn tạo điều kiện tốt cho nhân viên của mình việc học và tham gia thi chứng chỉ kiểm toán viên CPA do Bộ tài chính tổ chức qua các hình thức như hỗ trợ chi phí đi học hay tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kỳ thi của các KTV như cho nghỉ phép hay giảm bớt khối lượng công việc trong thời gian đó. Tuy nhiên công ty cần xem xét bố trí công việc cho phù hợp nếu trường hợp nhiều KTV cùng tham gia thi vào cùng một khoảng thời gian để vẫn duy trì được chất lượng công việc tốt nhất. Khuyến khích các KTV đi học tuy nhiên công ty cũng cần chú ý các chính sách đãi ngộ với các KTV để không mất đi các KTV có chất lượng cao đã được đào tạo bài bản. Công ty nên tạo ra môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh và chuyên nghiệp trong các phòng nghiệp vụ. Có như vậy các KTV mới có thể tin tưởng và gắn bó lâu dài với công ty. Công ty cần yêu cầu mọi nhân viên phải tuân thủ về các chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ và uy tín công ty.
Các hình thức xử lý về các vi phạm được công ty nghiên cứu xem xét kỹ trước khi đưa ra áp dụng tại trụ sở và các chi nhánh áp dụng cho toàn bộ các nhân viên cũng như các lãnh đạo. Nếu nộp hồ sơ kiểm kê, hồ sơ kiểm toán, dự thảo báo cáo...chậm hơn thời hạn quy định mà không có sự giải trình hợp lý thì phải chịu các hình phạt hành chính và tài chính. Hồ sơ kiểm kê, hồ sơ kiểm toán, dự thảo báo cáo nộp cho bộ phận kiểm soát chất lượng không đạt yêu cầu về chất lượng bị trả lại và các trưởng nhóm cùng với các thành viên trong nhóm phải cùng nhau hoàn thiện phần công việc chưa đạt yêu cầu. Hoặc có các hình thức xử lý tùy theo số lần vi phạm như ghi hồ sơ nhân viên nếu từ 3 lần trở lên, hạ 1 bậc lương nếu vi phạm quá 10 lần… Với những hình thức kiểm tra và xử lý như vậy đã ngày càng giúp cho chất lượng kiểm toán viên của công ty kiểm toán và tư vấn A&C nâng cao rõ rệt
3.2. Về tổ chức kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán
Công tác thực hiện kiểm toán diễn ra đầy đủ với qui trình rõ ràng các bước khi thực hiện kiểm toán. Điều này cho thấy chi nhánh đã tuân thủ các quy định của công ty cũng như đối với các chuẩn mực kiểm toán. Hơn thế việc xây dựng quy trình này không những không gây khó khăn cho khách hàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm toán viên khi kiểm toán.
Việc bố trí các kiểm toán viên tham gia các cuộc kiểm toán dù hợp lý tuy nhiên do sự thiếu hụt về nhân sự đồng thời với việc phải rút ngắn thời gian làm việc mà vẫn phải đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công việc nên đôi khi gây ra những vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là việc giao cuộc kiểm toán văn phòng công ty và các ban quản lý hay các công ty con của mà chi nhánh đã làm năm trước cho chính những kiểm toán đã phụ trách khách hàng đó vào năm trước. Điều này có thể rút gọn thời gian kiểm toán do kiểm toán đã nắm chắc ngành nghề hay những hoạt động của công ty khách hàng tuy nhiên nếu không có những quản lý chặt chẽ tính độc lập của kiểm toán
viên có thể trong khi kiểm toán các kiểm toán viên sẽ làm việc thiếu thận trọng từ đó dẫn đến các sai phạm trong công việc. Để khắc phục điều này công ty đã chỉ đạo chi nhánh thường xuyên thay đổi các kiểm toán viên làm trưởng nhóm kiểm toán các ban hay các công ty con, liên kết của khách hàng. Vấn đề thứ hai đó là các nhân viên chi nhánh được chuyên môn hóa về phần hành khá cao. Ví dụ như có những kiểm toán viên khi tham gia các cuộc kiểm toán thường xuyên phải kiểm toán về phần doanh thu, giá vốn nên nắm chắc các bước trong chương trình do vậy làm việc sẽ nhanh hơn các thanh viên khác. Tuy nhiên nếu như tham gia một cuộc kiểm toán khác mà số lượng nghiệp vụ hay quy mô phần hành đó không lớn thì việc bố trí công tác của kiểm toán viên đó là không hợp lý gây phí phạm nhân lực. Do vậy mà trước khi thực hiện kiểm toán các nhóm trưởng nên xem trước bảng cân đối phát sinh do khách hàng gửi sau đó xem xét và đề xuất luân chuyển nhân viên giữa các nhóm hoặc phải thường xuyên phải trao đổi liên lạc với các nhóm trưởng cũng như trưởng hay phó phòng để kịp thời thông báo tiến độ công việc và đề nghị xin nhân viên bổ sung hay cần điều chỉnh cho cuộc kiểm toán để đạt được hiệu quả cao nhất với số lượng nhân viên hạn chế. Điều này công ty cũng như chi nhánh đã nhận thức trong nhiều năm qua và có những điều chỉnh hay quan tâm đến năng lực các kiểm toán viên cũng như các điều kiện khác để sắp xếp công việc hợp lý nhất đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Công ty đang ngày càng nâng cao việc kiểm soát chất lượng để tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng. Việc tổ chức riêng một bộ phận kiểm soát cho thấy mức độ quan tâm của công ty đến chất lượng kiểm toán. Với tư cách là thành viên của HLB công ty không ngừng tiếp thu và vận dụng các chương trình kiểm toán của HLB. Tuy thế trong quá trình làm việc các KTV có thể phát hiện những vấn đề chưa phù hợp hay không cần thiết khi làm việc với
các chương trình đó. Do vậy công ty nên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhân viên để hoàn thiện hơn về quy trình kiểm soát chất lương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho KTV khi kiểm toán. Cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chất lượng cao theo phong cách chuyên nghiệp và tạo sự tin tưởng cho khách hàng các nhà đầu tư
Kết luận
Như vậy qua quá trình được tìm hiểu tổng quan về chi nhánh dựa vào những thông tin thu thập được từ tài liệu của chi nhánh hay từ các nguồn khác em đã có cái nhìn chung nhất về công ty kiểm toán và tư vấn A&C cũng như chi nhánh tại Hà Nội mà em đang thực tập. Được tham gia một số cuộc kiểm toán cùng các anh chị kiểm toán viên với tư cách là trợ lý kiểm toán viên tại các công ty khách hàng có uy tín thương hiệu và qui mô lớn là
những bài học bổ ích cho em về thực tiễn. Cùng làm việc với các kiểm toán viên đi trước, em đã được chỉ bảo, hướng dẫn làm việc và đã có được những hiểu biết về công tác tổ chức thực hiện một cuộc kiểm toán cũng như các hình thức các kiểm tra chất lượng kiểm toán. Một tháng thực tập tại chi nhánh vừa qua cũng cho em nhiều kiến thức thực tiễn để tiếp tục hoàn thành báo cáo thực tập chuyên đề sau này và quan trọng hơn là để củng cố và áp dụng những kiến thức về kiểm toán mà em được học tại trường.
Sau một thời gian thực tập tại chi nhánh Hà Nội của công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C do sự hạn chế về kiến thức cũng như kinh nghiệm nên không tránh khỏi những thiếu sót cần phải bổ sung sửa chữa và hoàn thiện. Báo cáo tổng hợp là thành quả cuối cùng của quá trình tham gia thực tập tổng hợp này. Em xin chân thành cảm ơn TS Nguyễn Thị Phương Hoa đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ em hoàn thành báo cáo tổng hợp trong khoảng thời gian ngắn và rất mong nhận được những nhận xét đánh giá về báo cáo để kịp thời sửa chữa rút kinh nghiệm cho các lần viết báo cáo sau này.