- Phê duyệt Quy chế quản lý tài chính công ty mẹ theo đề nghị của Hội đồng quản trị công ty mẹ, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác.
3. KINH NGHIỆM QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỦA TỔ CHỨC HỢP TÁC KINH TẾ PHÁT TRIỂN (OECD)
CHỨC HỢP TÁC KINH TẾ PHÁT TRIỂN (OECD)
Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước vẫn đóng các vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tồn tại của chúng đặt ra ba thách thức với nhà nước, thứ nhất, làm sao xử lý hay cân đối được vai trò của Chính phủ giữa hai tư cách vừa là chủ sở hữu DNNN vừa là nhà lập chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô, thứ hai, làm sao bảo đảm sự tham gia của DNNN vào thị trường không gây bất bình đẳng và bóp méo các quy luật cạnh tranh, và thứ ba, làm sao giải quyết bài toán hiệu quả kinh doanh của DNNN?
Để xử lý các vấn đề trên, Ban Thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD) vào năm 2004 đã biên soạn và phát hành các hướng dẫn có tính nguyên lý chung về quản trị DNNN trên cơ sở tham khảo và nghiên cứu các đóng góp cả lý luận và thực tiễn của các tổ chức và cá nhân chuyên gia đến từ hàng chục nước khác nhau bao gồm cả thành viên và không thành viên của Tổ chức này.
Nguyên lý thứ nhất, cần xây dựng và thực thi một cách có hiệu quả khung pháp luật về DNNN để bảo đảm rằng các luật chơi chung được áp dụng trên thị trường một cách không bị bóp méo cho sự cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Nguyên lý này bao hàm các nội dung cơ bản sau:
+ Tách biệt giữa vai trò Chủ sở hữu DNNN và các chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ chi phối các điều kiện và môi trường mà DNNN hoạt động;
+ Chính phủ cần tạo các quy chế và hình thức pháp lý ở mức rõ ràng nhất cho DNNN, qua đó các ngân hàng có thể giám sát tín dụng và có quyền khởi kiện để đòi nợ một cách thuận lợi;
+ Các nhiệm vụ công ích của DNNN phải được quy định rõ ràng bằng luật pháp và việc cung cấp các dịch vụ này phải được hạch toán chi phí một cách minh bạch, công khai;
+ DNNN không được miễn áp dụng khung pháp luật chung và các bên liên quan, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh phải có quyền khiếu kiện đòi bồi thường trong trường hợp bị DNNN xâm phạm quyền;
+ Khung pháp luật về DNNN cần có độ linh hoạt nhất định cho phép doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu vốn để thực hiện tốt hơn các mục tiêu đề ra;
+ DNNN buộc phải chịu các điều kiện cạnh tranh và hoàn toàn mang tính thương mại khi tiếp cận tín dụng, dù đó là vốn vay từ các ngân hàng của nhà nước. Nguyên lý thứ hai, Nhà nước cần có một chính sách về sở hữu một cách rõ ràng và nhất quán để bảo đảm rằng việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch, có tính trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiệu quả. Nguyên lý này bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Nhà nước cần ban hành và công bố rõ chính sách về sở hữu rõ ràng trong đó nêu rõ mục tiêu của sở hữu nhà nước, vai trò của Nhà nước trong quản trị DNNN, và cách thức để thực hiện chính sách này;
+ Chính phủ không được can thiệp vào điều hành hàng ngày của DNNN và phải bảo đảm quyền tự chủ hoàn toàn cho DNNN trong việc thực hiện các mục tiêu được xác định;
+ Nhà nước phải tạo điều kiện tự do hành động và tôn trọng sự độc lập của Ban Điều hành doanh nghiệp;
+ Việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước phải được xác định rõ ràng và nên thông qua cơ chế quản lý tập trung bằng một cơ quan chủ quản;
+ Cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và xác định mối quan hệ rõ ràng với các thiết chế công như Tổng Kiểm toán nhà nước;
+ Nhà nước thực hiện các quyền sở hữu phải trên cơ sở phù hợp với cấu trúc pháp lý cụ thể của mội loại DNNN, cụ thể như (i) biểu quyết thay mặt phần vốn nhà
nước trong Đại hội cổ đông, (ii) tham gia chỉ định thành viên Ban điều hành doanh nghiệp, (iii) thiết lập chế độ báo cáo để giám sát, (iv) giữ mối liên lạc thường xuyên với các cơ quan kiểm toán và kiểm tra, và (v) áp dụng một chế độ thù lao linh hoạt cho thành viên Ban Điều hành sao cho tạo sự gắn bó lâu dài của họ với doanh nghiệp và tuyển mộ được nhà quản lý giỏi.
Nguyên lý thứ ba, Nhà nước và DNNN cần tôn trọng trên thực tế các quyền liên quan theo luật định của các cổ đông khác trong DNNN, bảo đảm sự đối xử công bằng và quyền của họ được tiếp cận mọi thông tin của doanh nghiệp. Nguyên lý này bao hàm các nội dung chủ yếu sau:
+ Cơ quan chủ quản cần bảo đảm sự đối xử với các cổ đông khác trong DNNN một cách công bằng, minh bạch, duy trì đối thoại thường xuyên và tạo điều kiện cho cổ đông nhỏ được tham gia quyết định, đặc biệt là việc lựa chọn Ban Điều hành;
Nguyên lý thứ tư, chính sách của Nhà nước với tư cách là Chủ sở hữu cần bảo đảm các trách nhiệm cao của DNNN đối với các đối tượng liên quan trong xã hội (bao gồm người lao động, người tiêu dùng và các cộng đồng dân cư bị tác động bởi hoạt động của DNNN), đồng thời yêu cầu DNNN thực thi chế độ báo cáo liên quan đối với các đối tượng này. Nguyên lý nào bao hàm các nội dung chủ yếu sau:
+ Chính phủ, cơ quan chủ quản và bản thân DNNN cần tôn trọng các quyền của các bên liên quan (người lao động, đối tác, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, công chúng v.v..) được quy định bởi pháp luật hoặc các thoả thuận, hợp đồng;
+ Các DNNN lớn, DNNN đã ghi danh trên sàn chứng khoán hoặc DNNN cung cấp các dịch vụ công quan trọng cần thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động cho các bên liên quan; và
+ Ban Điều hành DNNN cần xây dựng và áp dụng các Quy chế về đạo đức quản trị phù hợp với các tiêu chuẩn chung, cam kết quốc tế của quốc gia và bảo đảm áp dụng chúng cho cả Công ty Mẹ lẫn các thành viên và chi nhánh.
Nguyên lý thứ năm, DNNN cần bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch trong công bố thông tin doanh nghiệp. Nguyên lý này bao hàm các nội dung chủ yếu sau:
+ Cơ quan chủ quản cần xây dựng chế độ báo cáo ổn định về các hoạt động của DNNN và công báo hàng năm các báo cáo này;
+ DNNN cần duy trì chế độ kiểm toán nội bộ thường xuyên và bảo đảm rằng việc kiểm toán được thực hiện nghiêm chỉnh với kết quả được báo cáo cho Ban Điều hành, cơ quan kiểm toán Nhà nước và cơ quan liên quan khác của Chính phủ;
+ DNNN lớn cần phải được kiểm toán độc lập thường niên theo các tiêu chuẩn quốc tế, và công khai các báo cáo kiểm toán độc lập tương tự như các công ty đại chúng trên sàn chứng khoán; việc kiểm toán và kiểm tra nội bộ không thay thế kiểm toán độc lập này;
+ DNNN cần công bố các thông tin về hoạt động doanh nghiệp với sự giải trình chi tiết về các vấn đề được các cơ quan Nhà nước và xã hội quan tâm, ví dụ như (i) việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, (ii) cấu trúc sở hữu và ra quyết định, (iii) các yếu tố rủi ro và biện pháp khắc phục, (iv) các hỗ trợ bao gồm cả bảo lãnh tài chính của Nhà nước và các cam kết liên quan của doanh nghiệp, và (v) các giao dịch với các đối tượng liên quan.
Nguyên lý thứ sáu, Ban Điều hành DNNN cần có các thẩm quyền và quyền sự chủ cần thiết để bảo đảm thực thi được các chức năng và nhiệm vụ của mình, đồng thời có năng lực chịu trách nhiệm về mọi hành vi quản trị của mình. Nguyên lý này bao hàm các nội dung chủ yếu sau:
+ Ban Điều hành DNNN cần được giao các quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng và toàn bộ về các hoạt động của doanh nghiệp, có nghĩa vụ báo cáo trước Chủ sở hữu và đối xử với các cổ đông khác một cách công bằng;
+ Ban Điều hành cần tập trung hành động để hoan thành các mục tiêu của doanh nghiệp, có quyền chỉ định Tổng Giám đốc điều hành và trong trường hợp tốt nhất nên tách hai chức vị Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công ty;
+ Nếu theo quy định của pháp luật cần có đại diện người lao động trong Ban Điều hành thì cần áp dụng cơ chế sao cho đại diện người lao động đóng góp hiệu quả nhất vào quản trị doanh nghiệp;
+ Nếu cần thiết, DNNN nên thiết lập các ban chuyên trách hỗ trợ Ban Điều hành, đặc biệt liên quan đến các vấn đề kiểm toán, quản lý rủi ro và chế độ lương, thưởng;
+ DNNN cần tổ chức sự đánh giá hàng năm đối với các công việc của Ban Điều hành.
Các nguyên lý của OECD nói trên được coi là chuẩn mực hiện hành của thế giới về quản trị DNNN. Tuy nhiên, với mục đích tham khảo các chuẩn mực chung đó để xây dựng khung chính sách và pháp luật về DNNN ở Việt Nam, cần có sự xem xét và đánh giá các yếu tố mang tính khác biệt trong điều kiện và môi trường khách quan sau đây:
Thứ nhất, ở tất cả các quốc gia thuộc OECD đều tồn tại nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, được hình thành và hoạt động trong khuôn khổ của thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền, trong khi Việt Nam đang là quốc gia chuyển đổi, đồng thời đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là những thể chế mới mà thế giới chưa có tiền lệ. Do đó, mặc dù khi tổng kết sự nghiên cứu thành các nguyên lý nói trên, Ban Thư ký của OECD đã tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia chuyển đổi (ví dụ các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu), sự tham khảo đó e rằng không bao hàm quốc gia như Việt Nam.
Thứ hai, điều quan trọng rút ra là ngay tại các nền kinh tế thị trường lâu đời thì các DNNN vẫn tiếp tục tồn tại và trở thành vấn đề đáng quan tâm của hệ thống chính trị, tuy nhiên, ở tất các các quốc gia OECD, xét từ góc độ kinh tế, DNNN đóng vai trò khá hạn chế, đặc biệt từ góc độ nguồn thu của tài chính công, trong khi ở Việt Nam, DNNN đang đóng góp xấp xỉ 34-40% ngân sách hoạt động của Nhà nước và 27-33% GDP tùy theo ước tính.
Thứ ba, về mặt chủ trương chính sách của nhà nước cũng như trong lý luận kinh tế, không có bất cứ quốc gia OECD nào đề cao vai trò của DNNN mà chỉ đánh giá nó như một vấn đề của tồn tại tự nhiên và cần nghiên cứu, xử lý, trong khi ở Việt Nam, DNNN được Đảng cầm quyền và Nhà nước khẳng định về mặt chính sách là đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và chủ trương này thâm chí được thể chế thành nguyên tắc Hiến pháp.
Tóm lại, mặc dù các sự khác biệt có tính đặc thù của Việt Nam nói trên so với các quốc gia và nền kinh tế khác, tác giả cho rằng một khi tại Việt Nam, các nền móng của hệ thống kinh tế thị trường đã được thiết lập đồng thời với lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế không thể đảo ngược, xét ở tầm nhìn lâu dài, các nguyên lý thị trường sẽ ngày càng được chấp nhận và phát huy tác dụng. Vị thế ngày càng tăng của các nguyên lý thị trường sẽ đồng thời ngày càng đòi hỏi sự bảo đảm của ba yếu tố căn bản liên quan đến DNNN, đó là (i) sự bình đẳng của DNNN khi tham gia thị trường, (ii) tính minh bạch trong quản trị DNNN, và (iii) hiệu quả kinh doanh của DNNN. Các nguyên lý về quản trị DNNN do Ban Thư ký của OECD xây dựng chính là hướng tới thực hiện các mục tiêu này.
Ba mô hình thực hiện quyền CSH vốn nhà nước
Mô hình thứ nhất là các cơ quan nhà nước vừa quản lý nhà nước về kinh tế, vừa thực hiện chức năng của CSH doanh nghiệp. Ở đây tuy có sự phân công, phân cấp trong việc thực hiện các quyền của CSH nhà nước, trong đó cả cơ quan lập pháp (quốc hội) và cơ quan hành pháp các cấp (chính phủ, bộ, chính quyền địa phương), tham gia ở mức độ và phạm vi khác nhau, nhưng không có sự tách bạch giữa hai chức năng này trong tổ chức bộ máy công quyền. Các công chức trong các cơ quan nhà nước thực hiện đồng thời cả hai loại công vụ, trong đó quốc hội tham gia với tư cách giám sát là chủ yếu. Có quyền CSH được giao cho một cấp thực hiện, như quyền bổ nhiệm lãnh đạo DNNN. Có quyền CSH được thực hiện theo cơ chế ủy quyền và phân cấp cả theo chiều ngang lẫn chiều dọc, như quyền đối với phần vốn nhà nước tại công ty nhà nước ở Phần Lan. Tại Phần Lan, Quốc hội có
quyền quy định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong công ty có vốn nhà nước, Chính phủ chỉ có quyền quyết định bán phần vốn nhà nước trong khuôn khổ tỷ lệ do Quốc hội quy định. Bộ trưởng bộ chủ quản là người đứng tên phần vốn nhà nước và thực hiện việc bán phần vốn theo quyết định của Chính phủ [2]
Mô hình thứ hai là tách bạch tổ chức thực hiện chức năng CSH vốn nhà nước khỏi bộ máy hành chính nhà nước, thành lập các tổ chức trung gian là đại diện CSH, như thành lập các công ty đầu tư tài chính, công ty quản lý vốn hoặc tổ chức kinh tế chuyên thực hiện chức năng làm CSH phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, ví dụ như Future Fund của Úc hay Temasek của Singapore.
Mô hình thứ ba, trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng CSH vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thành lập cơ quan nhà nước chuyên trách giám sát và quản lý vốn nhà nước ở cả cấp trung ương cũng như địa phương, như mô hình SASAC của Trung Quốc.