Cấu tạo của khớp truyền động quán tính được trình bày trên hình sau:
Hình 3-17. Cấu tạo khớp truyền động quán tính.
1- đầu chủ động; 2- lò xo; 3,5- vít hãm; 4- ống bị động; 6- ốc hãm; 7- bánh răng; 8- chốt hãm và lò xo; 9- trục roto; 10- đối trọng của bánh răng.
Ống bị động có ren xoắn 4 lắp trên trục 9 và liên kết cơ khí với đầu chủ động 1 nhờ lò xo 2 và hai ốc hãm 3, 5.Vít hãm 3 bắt chặt ống chủ động 1vào trục của rôto 9.
Khi công tắc (khóa ) khởi động đóng, rôto của động cơ khởi động quay, do quán tính của đối trọng 10 không cho bánh răng 7 quay theo nên nó phải tiến theo rãnh xoắn để tiến vào ăn khớp với vành bánh răng bánh đà, khi
bánh răng 7 tiến sát đến ống chặn 6 thì dừng lại và bắt đầu truyền mômen kéo vành bánh răng bánh đà quay.
Sau khi động cơ ôtô đã khởi động được, tốc độ vòng quay của trục khuỷu cùng với vành bánh răng bánh đà tăng vọt ( khoảng 3000 vòng/phút ), lúc này vành bánh răng bánh đà trở thành chủ động kéo bánh răng 7 của khớp truyền động quay theo. Do tỉ số truyền i = 1/10 nên bánh răng 7 quay nhanh hơn ống bị động 4, cho nên nó sẽ chuyển động theo đường ren trở về vị trí cũ và dừng lại nhờ chốt hãm và lò xo 8.
Lò xo 2 làm việc ở chế độ xoắn để truyền mômen rất lớn kéo vành bánh răng bánh đà quay, ngoài ra nó còn có nhiệm vụ làm giảm chấn động va đập khi các bánh răng bắt đầu vào ăn khớp với nhau.
Ưu điểm của khớp truyền động quán tính là có kết cấu đơn giản, giá thành hạ nhưng các bánh răng phải chịu một lực va đập lớn khi vào ăn khớp với nhau, cho nên loại này chỉ dùng cho những máy khởi động có công suất không quá 1,2 HP.