Đào tạo và nâng cao trình độ đối với những cán bộ làm trong lĩnh vực có liên quan đến Ngân hàng thế giới.

Một phần của tài liệu Vai trò của ngân hàng thế giới đối với các nước đang phát triển và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 37 - 41)

Để mở rộng quan hệ với WB, nhân tố con người có vai trò quan trọng đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm việc có liên quan đến những hoạt động với WB. Tuy nhiên, trình độ cán bộ phía Việt Nam còn hạn chế: trình độ tiếng Anh chưa đủ để giao tiếp với các chuyên gia quốc tế nên đã gây ra không ít trường hợp hiểu nhầm; thiếu kinh nghiệm trong đàm phán và thương lượng quốc tế; hạn chế trong việc dự kiến những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án vì vậy việc quản lý dự án mang tính chất sự vụ, chưa có những định hướng lâu dài; lúng túng trong việc lập kế hoạch đặc biệt là kế hoạch trung và dài hạn. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ quản lý và thực hiện dự án có liên quan với WB theo những giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ phía Việt Nam về tầm quan trọng trong việc phát triển quan hệ với WB;

- Tăng cường giáo dục phẩm chất cho cán bộ đặc biệt là lòng yêu nước, tôn trọng lợi ích quốc gia, tinh thần trách nhiệm trong công việc.

- Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm việc có quan hệ với WB đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, trình độ lập kế hoạch, dự kiến và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác, kinh nghiệm thương lượng và đàm phán quốc tế.

- Có chính sách đãi ngộ và tiền lương hợp lý cho cán bộ làm trong các dự án với WB để khuyến khích cán bộ giỏi, có trình độ tham gia dự án.

KẾT LUẬN

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đạt đến trình độ xã hội hoá cao biểu hiện ở quá trình toàn cầu hoá kinh tế quốc tế hiện nay tất yếu dẫn đến sự ra đời của các tổ chức kinh tế quốc tế. Do đó, sự ra đời của Ngân hàng thế giới cũng là một tất yếu khách quan.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Ngân hàng thế giới đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế đến y tế, văn hoá giáo dục và có tác động trên phạm vi rộng, từ tác động kinh tế đến xã hội chính trị. Những tác động mang tính hai mặt, một mặt với vai trò là thiết chế của sự phát triển, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển cả về điều kiện vật chất và thiết kế chính sách kinh tế nhằm thực hiện tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Mặt khác, Ngân hàng thế giới ngày càng can thiệp sâu vào đời sống kinh tế và chính trị của các quốc gia, hướng các quốc gia đang phát triển vận động theo quỹ đạo của những nước giàu, phục vụ lợi ích của những nước phát triển. Vì vậy, trong chiến lược phát triển quan hệ giữa các quốc gia và Ngân hàng thế giới, các quốc gia cần khai thác, tranh thủ có hiệu quả tác động tích cực đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của Ngân hàng thế giới.

Việt Nam hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vận động theo xu thế mở và hội nhập, do đó, việc mở rộng và phát triển quan hệ với Ngân hàng thế giới để tranh thủ những tác động tích cực là rất cần thiết. Từ khi Việt Nam thanh toán khoản tín dụng quá hạn và chính thức nối lại quan hệ tín dụng với Ngân hàng thế giới, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng thế giới ngày càng được tăng cường. Những tác động này đã góp phần không nhỏ hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên,

trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam gặp những vướng mắc, đặc biệt trong quan điểm cải cách kinh tế sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, việc tăng cường đối thoại, chia sẻ kiến thức và hợp tác chặt chẽ hơn nữa là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ những vướng mắc này. Hy vọng rằng, với một thế chủ động cải cách, thực hiện hội nhập sâu rộng, Việt Nam sẽ ngày càng hợp tác có hiệu quả nhằm tranh thủ những tác động tích cực của định chế tài chính quốc tế này.

Một phần của tài liệu Vai trò của ngân hàng thế giới đối với các nước đang phát triển và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam (Trang 37 - 41)