Điều 145. Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ
1. Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách về phát triển đường bộ, bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình về chuyên ngành đường bộ và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ. 4. Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 5. Đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ.
6. Quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, gia hạn, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
7. Quản lý việc kiểm định, thiết kế kỹ thuật, kiểm tra, chứng nhận, bảo đảm chất lượng, thử nghiệm, cải tạo, bảo dưỡng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và trang bị, thiết bị, linh kiện, phụ tùng, hệ thống, tổng thành của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Cấp, công nhận, thu hồi, giấy phép, giấy chứng nhận và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến kiểm định, chứng nhận, thử nghiệm, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
8. Quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ.
9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về giao thông đường bộ; đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật giao thông đường bộ. Quản lý, tập huấn đăng kiểm viên thực hiện việc kiểm định, kiểm tra chất lượng, thử nghiệm đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
10. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
11. Hợp tác quốc tế, hài hòa tiêu chuẩn, chứng nhận, thừa nhận, công nhận về giao thông đường bộ.
Điều 146. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
3. Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông dữ liệu về xử lý vi phạm của người lái xe và cấp, gia hạn, đổi, thu hồi giấy phép lái xe.
4. Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe và cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe
6. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
7. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; căn cứ điều kiện kinh tế xã hội và yêu cầu bảo vệ môi trường không khí tại địa phương để phân vùng áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn mức tiêu chuẩn khí thải chung đối với xe cơ giới tham gia giao thông.
Điều 147. Thanh tra giao thông đường bộ
1. Thanh tra giao thông đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ.
2. Thanh tra giao thông đường bộ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ; trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;
b) Thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe,tại nơi đặt các
bộ cân kiểm tra tải trọng xe, tại nơi bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;
c) Thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới. Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
d) Chủ động lập kế hoạch để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử phạt hành vi vi phạm về chở hàng quá tải, quá khổ, kích thước thùng hàng, bãi đỗ xe ,điểm dừng, đỗ xe ô tô sai quy định;
đ) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra. 3. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra đường bộ thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông đường bộ.
Điều 148. Tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ
1. Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
2. Phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử phạt hành vi vi phạm về chở hàng quá tải, quá khổ, kích thước thùng hàng, bãi đỗ xe, điểm dừng, đỗ xe ô tô sai quy định.
3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.
4. Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Điều 149. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông đường bộ đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
4. Đối với những hành vi vi phạm cùng quy định xử phạt đối với người lái xe và chủ phương tiện, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm của chủ phương tiện.
5. Đối tượng được coi là chủ phương tiện bị xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm:
a) Cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe;
b) Trường hợp người điều khiển phương tiện là chồng (vợ) của cá nhân đứng tên trong Giấy đăng ký xe thì người điều khiển phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
c) Đối với phương tiện được thuê tài chính của tổ chức có chức năng cho thuê tài chính thì cá nhân, tổ chức thuê phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
d) Đối với phương tiện thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã và được hợp tác xã đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì hợp tác xã đó là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
đ) Trường hợp phương tiện do tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp (theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân khác hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật) trực tiếp đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phương tiện thì tổ chức, cá nhân đó là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
e) Đối với phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
g) Đối với tổ hợp xe (gồm xe ô tô kéo theo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc tham gia giao thông trên đường bộ), trong trường hợp chủ của xe ô tô không đồng thời là chủ của rơ moóc, sơ mi rơ moóc thì chủ của xe ô tô (cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a khoản này hoặc cá nhân, tổ chức quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản này) là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện đối với các vi phạm liên quan đến rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo theo tham gia giao thông trên đường bộ.
h) Và các trường hợp khác theo quy định.
6. Người lái xe được coi là đại diện chủ phương tiện trong trường hợp chủ phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm và được chấp hành quyết định thay cho chủ phương tiện (trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt trái phép).
7. Người có thẩm quyền quyền được sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Chương VIII