Thí nghiệm đo đáp ứng của bức xạ vũ trụ trên hệ đo NaI(Tl) 7.62 cm x 7.62 cm đã được thực hiện tại Bộ môn Vật lý hạt nhân trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP Hồ Chí Minh. Hình hệ đo được trình bày như hình 2.1. Trong thí nghiệm này, đầu dò NaI(Tl) được đặt trong buồng chì. Hai đầu dò nhấp nháy plastic 80 cm x 40 cm x 3 cm, đặt song song với nhau và phía trên đầu dò NaI(Tl), được sử dụng trong việc “đánh dấu” bức xạ vũ trụ. Kết quả phổ ghi nhận trên đầu dò NaI(Tl) được trình bày chi tiết trong phụ lục 1.
Để đánh giá kết quả thực nghiệm [14], trong luận văn này chúng tôi thực hiện mô phỏng dựa theo đúng các thông số của thực nghiệm. Mô hình mô phỏng được thiết lập tương tự như thực nghiệm và được trình bày như hình 2.2.Hệ mô phỏng gồm hai đầu dò nhấp nháy plastic có dạng hình hộp chữ nhật kích thước 80 cm x 40 cm x 3 cm đặt song song phía trên đầu dò NaI(Tl) hình trụ kích thước 7.62 cm x 7.62 cm. Khoảng cách giữa hai đầu dò plastic 20 cm, và plastic bên dưới (thứ hai) cách đầu dò NaI(Tl) 15 cm. Đầu dò NaI(Tl) được bọc một lớp chì dày 1 cm. Mô hình mô phỏng được xây dựng dựa trên phần mềm GEANT4. Trong mô hình mô phỏng GEANT4, chúng tôi tiến hành xây dựng những nội dung như sau: xây dựng hình học cho các đầu dò (đầu dò plastic và đầu dò NaI(Tl)), xây dựng vật lý tương tác cho các hạt. Đối với việc xây dựng chùm hạt bức xạ vũ trụ (muon, electron, proton, neutron, gamma) tới detector, chúng tôi dựa vào phần mềm CRY. Chi tiết về việc xây dựng mô hình mô phỏng như xây dựng hình học, khai báo vật lý tương tác và phần mềm CRY sẽ được trình bày tại mục 2.2.
Hình 2.1. Hệ đo thực nghiệm đáp ứng của bức xạ vũ trụ lên đầu dò NaI(Tl), tại BM. VLHN, trường ĐH. KHTN, TP Hồ Chí Minh.