Là biểu tượng của lòng tham và tội ác, sự xuất hiện của lửa đôi khi hé mở những điều bất thường, hoặc cũng có khi, lửa cảnh báo về sự trừng phạt khủng khiếp đang chờ con người ở phía trước. Một lão già với đôi mắt “đục
và sâu hoắm, phảng phất những tia lân tinh lạnh lẽo” ẩn hiện giữa “khu rừng
ma”, lão đi đến đâu chim chóc, thú rừng chết chóc đến đấy (Con thú lớn nhất). Bao quanh nhà lão là mùi gây gây của tử khí, “những đống lông chim xơ xác đen xỉn như màu mực tàu”, “những đống xương thú màu đá vôi thì lốm đốm những vệt nước tủy vàng khè, hôi hám” [27; 439]. Và rồi, Then đã trừng phạt vợ chồng lão. Cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt. Cái chết ẩn lấp trong ngôi nhà lão. Mụ vợ lão ở nhà nhóm lửa chờ chồng nhưng “Ngọn lửa
mụ nhóm như có ma ám, không đỏ mà lại xanh lét như mắt chó sói” [27; 440]. Đó là ngọn lửa của lòng tham và sự đói khát. Ngọn lửa thôi thúc mụ vợ lần bước vào rừng. Ngọn lửa khiến lão chồng quyết định quay trở lại săn cho được con thú lớn nhất. Nhưng chẳng có bất cứ con thú nào. Chỉ có tiếng súng nổ, tiếng rú thất thanh của mụ vợ, và bản thân lão thì kết thúc hành trình săn đuổi bằng một vết đạn xuyên trán.
Cùng với giấc mơ, đôi khi, lửa như một nỗi ám ảnh và một cảnh báo về sự trừng phạt cho những tội lỗi của con người. Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp mở đầu bằng việc Phong bỏ nghề mổ lợn gia truyền ra Hà Nội làm báo, và kết thúc bằng cơn ác mộng của Phong: “Đang nằm Phong mơ thấy mình lạc vào địa ngục. Một cái vạc to lửa cháy bùng bùng, những con quỷ dạ xoa
mặt đen, tóc dài đang chụm củi đun. Trong vạc, những người bị xiềng xích
rên la thảm thiết [27; 180]. Sau giấc mơ và lời trăn trối, Phong “nấc lên mấy
cái” rồi chết. Khép lại truyện là cảnh dòng họ Phạm gần như tuyệt tự, và hình
ảnh một khu mộ hoang phế mỗi mùa nước lớn “… ba ba, thuồng luồng vẫn
tụ họp đánh chén, đom đóm thắp đèn sáng rực thâu đêm, ếch kêu ồm ộp lẫn
Nguyễn Huy Thiệp, cuộc sống luôn được tái hiện ở phía trần trụi nhất. Sự tham lam và ích kỉ, toan tính và thủ đoạn luôn được ông lạnh lùng lật tẩy.
Vàng lửa là câu chuyện về cuộc săn tìm vàng của Phăng và nhóm người Châu Âu, dưới triều vua Gia Long. Ở đó, người đọc không chỉ bắt gặp những mánh khóe chính trị mà còn chứng kiến cả sự tàn bạo giữa người với người. Vàng làm Phăng lóa mắt. Nó khiến y bỏ mặc người cùng đoàn trong cơn sốt rét cho đến chết rồi ném xác người đó xuống sông. Vàng khiến y sẵn sàng rút súng bắn sả vào nhóm thổ dân vô tội… Tội ác của y đã bị báo ứng ngay trong đêm hôm đó. “Khoảng nửa đêm, lửa bốc cháy dữ dội xung quanh lều. Những
mũi tên tẩm thuốc độc ở đâu bắn đến như mưa (…) Lửa nóng quá. Trước
mặt, sau lưng, trên trời, dưới đất, đâu đâu cũng thấy lửa cháy rừng rực” [27; 299]. Đó là ngọn lửa công minh, ngọn lửa thử vàng, là ngọn lửa của thiện - ác… Tất cả để thấy được rằng “những cố gắng của con người hướng về điều
thiện đều là những cố gắng đau đớn, nhọc lòng. Điều thiện hiếm như vàng và sau đó phải được vàng đảm bảo nữa mới có giá trị thực”[27; 300].
Cũng như nước, lửa tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau - khi âm ỉ, lúc dữ dội; khi ấm áp, lúc cháy bỏng; khi hiền hòa, lúc sôi sục giận dữ. Cuộc vật lộn chống lại những xung năng tính dục trong con người thường được ví với cuộc vật lộn chống lại ngọn lửa. Huyền thoại của nhiều bộ tộc trên thế giới xuất hiện những câu chuyện nằm trong lối ẩn dụ này. Một trong số đó có thể kể đến huyền thoại vùng Nam Mỹ được Frazer nhắc đến trong cuốn
Những huyền thoại về nguồn gốc của lửa. Để có được lửa, người anh hùng đã đuổi theo một phụ nữ. Và bí mật của ngọn lửa đã được tiết lộ khi người phụ nữ này ngồi xuống đất, giang đôi chân và ấn mạnh vào bụng dưới. Một
cục lửa lăn ra từ phía âm hộ chị ta [168; 143]. Tất nhiên, đó không phải là thứ lửa làm mọi vật bốc cháy và sôi lên, mà đó là thứ lửa nằm trong một trường liên tưởng khác - lửa ham muốn, một hấp lực thiêu đốt con người. Trở lại với truyện ngắn đương đại Việt Nam, ta có thể bắt gặp ngọn lửa ấy trong tác phẩm Người chờ sấm của Lã Thanh Tùng, Hải đường tăng của Trần Thùy Mai. Điều đặc biệt là ở những tác phẩm này, lửa không chỉ được tái hiện trong khoảnh khắc mà nó theo dọc suốt chiều dài tác phẩm và có vai trò không thể thiếu trong sự hình thành cốt truyện. Mở đầu truyện ngắn Hải đường tăng là cơn mưa bất thường, mưa xối xả, “mưa như roi quất vào mặt”. Và giữa màn mưa trắng trời ấy, trong chùa Phật Tích, một ngọn lửa lớn
“rực lên, tỏa một quầng sáng ấm áp” [13; 209]. Cho đến lúc ngọn lửa ấy dần “lụi xuống”, ánh hòa quang của nó vẫn còn rất đẹp, “sư Viên Tâm có cảm
giác ngọn lửa này là một sinh vật đang sống, một đời sống dù ngắn ngủi nhưng rất đẹp, thật khó đành lòng dập tắt” [13; 210]. Đó là ngọn lửa tự nhiên, ngọn lửa thắp lên chào đón đêm thơ của nhà sư trước khi ông được phong Thượng tọa. Đó cũng là thứ lửa ấm áp mà những người xung quanh cảm nhận được từ sự từ tâm của vị sư hai mươi năm chay tịnh chốn cửa Thiền. Cao trào của tác phẩm được đẩy lên khi nhà sư quay trở về thiền phòng, tay ông chạm phải “một vật mềm mại và rất ấm”, “mùi thơm nồng
dịu phảng phất” [13; 210], và Xuyến - người quen cũ của ông đang ngồi trên giường, không một mảnh vải che thân. Lúc này, một thứ lửa khác bùng lên trong ông - lửa từ những xung động nơi tâm hồn: “ông rụt tay lại như chạm
phải lửa, nhưng lửa đã từ tay ông cháy bùng lên rất nhanh trong từng tế bào
cơ thể” [13; 210]. Rồi, “lửa cứ sôi lên, càng lúc càng hun đốt cơ thể ông”
sung mãn nhất vẫn không ngừng ve vãn. Ranh giới của sự chay tịnh và tội lỗi lúc này chỉ tựa một cái chớp mắt. Con người lý trí và con người bản năng chỉ còn là những ước lệ mơ hồ.
Hận thù đã đẩy Xuyến đến chỗ bất chấp tất cả để kéo cho được một người xuống hỏa ngục với mình, thay vì “thành Phật”. Và cũng chính hận thù ấy đã trở thành thứ “vũ khí phản chủ”, lật tẩy mọi toan tính của cô. Sau những xung động, nhà sư nhận ra rằng trong thân thể người phụ nữ này không có sức nóng, nó “không hàm chứa sự khao khát của tình yêu, thậm chí
cũng không có ma lực của thèm khát nhục dục. Nó đang là phương tiện lạnh
lùng của một thứ lý trí lạnh lẽo”. Cùng lúc ấy, “lửa bỗng nguội đi trong cơ
thể ông” [13; 212].
Xuyên suốt tác phẩm là những ánh lửa khi mờ khi tỏ, khi âm ỉ, leo lét, lúc bùng lên mạnh mẽ. Ở đó có ngọn lửa thù hận, ngọn lửa dục tính, và có cả ngọn lửa của “trí huệ bát nhã” - thứ lửa hóa giải mọi đau đớn, thù hận, khiến
người đàn bà “biết sợ”, biết “hối tiếc” và hồi sinh trong tâm hồn. Dường như có bao nhiêu cung bậc của cảm xúc thì có bấy nhiêu sắc thái của lửa.
Đôi khi, lửa còn là biểu tượng của niềm kiêu hãnh, nó xóa bỏ mọi ô uế, tạp niệm, thanh lọc tâm hồn con người. Với Sông cạn, Hồ Anh Thái đưa ta đến một không gian đậm chất huyền thoại. Ở đó lửa đi ra từ cảm hứng lãng mạn, cổ điển và mang theo âm hưởng của truyền thống văn hóa Ấn Độ. Đó là ngọn lửa kiêu hãnh và cũng là ngọn lửa tẩy uế. Năm 1535, vua Bahadur Shah từ vùng Gujarat đến vây hãm thành Chittor, quân trong thành phải chịu thất thủ, và thảm họa đã xảy ra với 32.000 dũng sĩ đẳng cấp Rajput: họ mở cổng
thành lao ra cảm tử, trong khi 13.000 phụ nữ và trẻ em tự sát trên một giàn thiêu tập thể. Nhưng cho đến phút cuối cùng, những con người ấy vẫn hiện lên như những tượng đài sừng sững với tinh thần anh dũng, quả cảm.
Không còn là biểu tượng của tội lỗi và dục vọng, lúc này lửa trở thành biểu tượng của sự kiêu hùng - màu mà toàn bộ tướng sĩ đã khoác lên trong trận cảm tử - những tấm áo màu vàng nghệ - “màu tượng trưng cho lửa”. Ở đó, lửa vừa mở ra một không khí bất thường - không khí chờ đợi và chuẩn bị cho một sự hủy diệt tập thể, đồng thời lửa cũng là điểm thắt nút của toàn bộ câu chuyện. Manju không nộp mạng. Cũng như bao phụ nữ khác trong thành, nàng dành những phút giây cuối cùng cho tình yêu và chọn cái chết trên giàn hỏa thiêu để bảo toàn sự trong sạch của mình: Manju “vén cao tấm sari cho
nó khỏi quấn vào chân mà chạy. Chạy và vấp ngã. Nàng phải chết trên giàn thiêu. Lửa sẽ hủy diệt và tiêu tan mọi uế tạp và ô nhục của cõi trần. Lửa
thanh lọc cho con người. Nàng không thể chết vì những bàn tay nhơ bẩn.
Nàng chạy. Vấp. Ngã. Rồi chồm dậy chạy tiếp”. Từ ngọn lửa trên giàn hỏa thiêu của thần Hercale, ngọn lửa trên giàn hỏa thiêu của Sita (Ramayana) đến ngọn lửa mà Manju nhảy vào là cả một sức nặng truyền thống văn hóa Ấn Độ. Trong lửa, cái chết không còn là sự hủy diệt mà nó trở thành vĩnh cửu và thanh khiết.
Đặt trong tương quan với cổ mẫu nước, có thể nói, lửa trở thành một biểu tượng kép trong tâm thức nhân loại. Nếu ở dạng thức cao nhất, nước hướng đến sự thanh tẩy và nhân từ; thì bằng ánh sáng của mình - lửa lại hướng đến chân lý, đến trạng thái thông tuệ. Lửa nồng nàn và dữ dội. Và với tâm thức vốn ưa sự bình lặng, hiền hòa của người Việt thì nước vẫn là một
lựa chọn thường xuyên hơn. Phải chăng đó cũng là lý do khiến tần số xuất hiện của lửa trong truyện ngắn đương đại Việt Nam có phần khiêm tốn hơn so với nước?