Điều 320. Hành vi vi phạm pháp luật về thương mại
1. Các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại bao gồm:
a) Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh; giấy phép kinh doanh của thương nhân; thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam và của thương nhân nước ngoài;
b) Vi phạm quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh;
c) Vi phạm chế độ thuế, hóa đơn, chứng từ, sổ và báo cáo kế toán; d) Vi phạm quy định về giá hàng hóa, dịch vụ;
đ) Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
e) Buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả hoặc nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép;
g) Vi phạm các quy định liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Gian lận, lừa dối khách hàng khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; i) Vi phạm các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;
k) Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu;
l) Vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa;
m) Các vi phạm khác trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại được quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 321. Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về thương mại
1. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, tổ chức, cá nhân bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:
a) Xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 322. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại
Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Chương IX
Điều 323. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Luật này thay thế Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997.
Điều 324. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hạnh Phúc
1 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 có căn cứ ban hành như sau: “Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Quản lý ngoại thương.”
2 Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
3 Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
4 Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
5 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
6 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
7 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
8 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
9 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
10 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
11 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
12 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
13 Điều 112 và Điều 113 của Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định như sau:
“Điều 112. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
2. Các pháp lệnh sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Ðiều 113 của Luật này:
a) Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL- UBTVQH10;
b) Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11; c) Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11.
3. Bãi bỏ khoản 3 Ðiều 28, khoản 3 Ðiều 29, khoản 3 Ðiều 30, các điều 31, 33, 242, 243, 244, 245, 246 và 247 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11.
Điều 113. Quy định chuyển tiếp
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các vụ việc phòng vệ thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, điều tra trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11”.