1. Trên cơ sở phân tích mô hình hoạt động và đánh giá ưu nhược điểm của các công nghệ phân tách ứng dụng kỹ thuật điện cao áp, luận án đã lựa chọn mô hình phân tách sử dụng điện cực dạng máng nghiêng, đề xuất phạm vi điều chỉnh thông số và công suất của thiết bị phù hợp với điều kiện nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam.
2. Các đánh giá dựa trên cơ sở đo đạc thông số về kích thước và khả năng nhiễm điện của các thành phần có tính chất về điện khác nhau có trong số lượng mẫu sa khoáng đã thu thập đủ lớn tại Việt Nam cho phép rút ra kết luận về mô hình và khả năng phân tách các phần tử, cho phép đề xuất thông số cần tối ưu đối với thiết bị phân tách. Kết quả mô phỏng điện trường trong luận án đã cho phép lựa chọn hình dạng và kích thước điện cực hợp lý cho mô hình vật lý của thiết bị.
3. Luận án đã phát triển được quy trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tác động đến hiệu suất của thiết bị . Trên cơ sở các kết quả mô phỏng và thử nghiệm, mô hình thiết bị hoàn chỉnh đã được thiết kế chế tạo. Mô hình chế tạo cũng đáp ứng được các yêu cầu để tiếp tục phát triển nghiên cứu.
Hiệu suất phân tách thực tế của thiết bị với thông số tối ưu đã đạt được trong phòng thí nghiệm là trên 99,5%. Đây cũng là cơ sở đề luận án lần đầu tiên đề xuất được công nghệ và mô hình thiết bị phân tách tĩnh điện phù hợp với điều kiện Việt Nam.
KIẾN NGHỊ VỀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO
1. Các nghiên cứu trong luận án phù hợp với đối tượng nghiên cứu đã lựa chọn bao gồm sa khoáng titan thu thập tại các mỏ đang hoạt động tại Việt Nam. Luận án đề xuất tiếp tục nghiên cứu các đối tượng có sai khác về đặc tính so với đối tượng đã thử nghiệm do tỷ lệ, thành phần, hàm lượng cấu trúc khác. Bên cạnh đó tác giả mong muốn ứng dụng thiết bị rộng rãi tại các đơn vị khai thác mỏ tại Việt Nam. Đặc biệt việc so sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật của thiết sẽ rất thuận lợi cho việc khẳng định các ưu điểm của mô hình vật lý đã xây dựng thành công.
2. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật điện cao áp trong phân tách hạt trong luận án tuy đạt được kết quả thành công về hiệu suất phân tách đối với sa khoáng, nhưng mới chỉ là các kết quả ban đầu. Tiềm năng ứng dụng của công nghệ cap áo tĩnh điện trong công nghiệp còn rất lớn, luận án mong muốn mở rộng việc áp dụng công nghệ phân tách này cho các lĩnh vực khác như tuyển hạt giống, lọc bụi tĩnh điện. Các nội dung này đòi hỏi phát triển hướng nghiên cứu tiếp theo trong từng lĩnh vực cụ thể.