lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Đức tin vào quần chúng nhân dân, tôn trọng quần chúng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân là suy nghĩ thường trực, nhất quán trong con người Hồ Chí Minh. Người đi sang Pháp, sang các nước phương Tây nhằm mục đích học hỏi xem bên ngoài người ta làm thế nào để rồi về nước giúp đồng bào mình giải phóng khỏi gông cùm nô lệ, áp bức. Và Hồ Chí Minh đấu tranh không ngừng, không nghỉ, thậm chí phải hy sinh bằng mọi giá giành được độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào.
Hồ Chí Minh khẳng định “lực lượng của dân rất to”; nhân dân “có hàng chục triệu đôi bàn tay” ; nhân dân “rất hăng hái, rất anh hùng”, “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được”. Người nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần, dân liệu cũng xong”.
Dân chúng không chỉ đông đảo mà còn rất tài tình, sáng suốt. Bác khẳng định “dân chúng rất khôn khéo”, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Có người thường cho là dân dốt không biết gì. Người cho “đó là một sai lầm nguy hiểm”. Người giải thích: “đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh...Do sự hay so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, mối mâu thuẫn. Họ so sánh, giải
quyết đúng là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình”. Trong quan hệ giữa dân và Đảng, Hồ Chí Minh quan niệm: Dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ là công bộc của dân, với nội hàm là vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Họ phải như những người lính vâng mệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định, toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Khi bàn về mục tiêu hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định Đảng không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng phải thu phục, chinh phục được nhân dân, muốn vậy, Đảng phải làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ của nhân dân.
Người đã viết thật sâu sắc “Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy”. Người nói: “Làm Chủ tịch nước mệt lắm. Trăm việc đều phải lo. Trời mưa, trời nắng, gió bão,... chưa ai lo, mình đã phải lo”. Người thấy được một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Câu chuyện về sự quan tâm giáo dục cán bộ: “Tôn trọng lợi ích của dân”: “Cuối năm 1954, Chính phủ có chủ trương thu hồi tiền của cách mạng phát hành trước đây để đổi lại cho nhân dân tiền Đông Dương ngân hàng. Tháng 2-1955, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh từ miền Nam ra gặp Bác báo cáo kết quả, trong đó có chuyện (so với số tiền đã phát hành) thì thu về còn thiếu khoảng 600 ngàn đồng. Bác nghiêm giọng: “Vậy là chú đã “quỵt” của bà con Nam Bộ 600 ngàn đồng. Chú đã phạm đến quyền lợi của nhân dân”. Luật sư vội giải thích: Đồng bào Nam bộ không chịu đổi lại vì trên
giấy bạc Việt Nam có in ảnh Bác. Bà con giữ lại để biểu thị quyết tâm theo Bác đến cùng”.
Nghe vậy, Bác rất xúc động nhưng vẫn dặn dò: “Mỗi việc làm của các chú, bất cứ việc gì đều phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân chứ không được hứa suông. Bất luận việc gì đã hứa với dân là phải tìm cách làm cho được, không làm được phải xin lỗi dân. Chính quyền ta của dân, vì dân thì phải như vậy”.
Câu chuyện gần dân của Bác: Một buổi trưa, Bác nằm dưới tán cây to ở Phủ Chủ tịch, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lại hỏi: “Trời nắng thế này, mình nằm dưới tán cây mà còn thấy hầm hập, không biết anh em trực chiến trên nóc nhà Quốc hội có đủ nước dùng không? Bác dạo này yếu quá, sợ lên không nổi”. Đồng chí Vũ Kỳ chạy đi một lúc, quay trở về. Bác nói ngay: “Chú phải nói đúng những điều chú thấy, chú nghe....”. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại anh em chiến sĩ có nước chín để dùng nhưng phải dè sẻn... Sau một hồi suy nghĩ, Bác nói lại: “Chú cho rút tất cả tiền tiết kiệm của Bác, gửi ngay sang Bộ Quốc Phòng. Chú nói tiền này Bác tặng cho bộ đội phòng không để có thêm nước uống”. Trưa hôm sau, đồng chí Lê Hữu Lập, cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của Bác và trao cho Bộ Quốc Phòng.
Một lần khác, trong chuyến đi công tác tại tỉnh Hà Đông, Bác xuống tát nước cùng nông dân ngay trên bờ ruộng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng xuống cầm dây gầu nhưng lóng ngóng không sao tát được nước. Bác Hồ không nói gì. Chỉ riêng một chi tiết này thôi cũng khiến chúng ta phải ngỡ ngàng. Đó chính là trọng việc gần dân, không xa rời nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Câu chuyện “Bài học dựa vào dân” theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thọ Chân - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên Trưởng Ban Thi đua Chính phủ... Tháng 01/1950, tại chiến khu Việt Bắc tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ ba. Tối hôm đó, có một tiệc trà để chào mừng các đoàn đại biểu. Trong buổi liên hoan, tôi thấy Bác đi ra, như đang tìm ai. Thấy thế, anh Trần Duy Hưng hỏi Bác: Thưa Bác, Bác đang tìm ai đấy ạ? Bác trả lời: Bác thấy mấy cháu nhỏ ở xung quanh, Bác muốn cho các cháu cùng ăn bánh kẹo. Hôm qua gặp đoàn đại biểu Nam Bộ, Bác hỏi rất kỹ tình hình đấu tranh của đồng bào miền Nam. Với tư cách là người phụ trách công tác ở nội thành Sài Gòn, tôi báo cáo tỷ mỉ với Bác về tình hình đấu tranh ở Sài Gòn và chuyển lên Bác bản kiến nghị của hơn một nghìn trí thức nội
thành Sài Gòn gửi đại diện Pháp đòi rút quân, đòi cải cách dân chủ ... Trong thời gian còn ở Việt Bắc, có lần tôi được đi theo Phạm Hùng và Võ Nguyên Giáp đến nhà sàn của Bác ở an toàn khu Sơn Dương. Trong buổi nói chuyện, tôi thấy Bác đặc biệt chú ý đến tình hình miền Nam. Khi tôi nói ý định xin tiền của Trung ương, bác cười và bảo: Trung ương không có tiền mà chỉ cấp tiền để cho các chú đi và về thôi. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm, nhưng nếu biết cách thì cũng có thể đốt được cả cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to, nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được.
Bác muốn nhắc nhở: phải tuyệt đối tin ở dân, dựa vào dân để kháng chiến. Qua câu chuyện chúng ta thấy được tầm nhìn rộng lớn bao la của Bác. Học Bác, mỗi cán bộ đảng viên cần nắm vững bài học dân là gốc, phải tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Người.