Thứ nhất, nâng cao năng lực của lực lượng lao động nữ trong việc nhận thức, tuân thủ và thực hiện pháp luật lao động về điều kiện làm việc.
Thứ hai, một số kiến nghị cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật lao động về điều kiện làm việc của lao động nữ ở các doanh nghiệp Thành phố Hà Nội: Nâng cao năng lực hoạt động và tuyên truyền vận động cho nhóm phụ nữ nòng cốt. Thành lập các câu lạc bộ (CLB) phụ nữ tự quản. Xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn. Phối hợp với các tổ chức xã hội để thường xuyên làm các cuộc khảo sát, phỏng vấn NLĐ nói chung, LĐN nói riêng. Thường xuyên phân tích công việc để thu thập, đánh giá các thông tin liên quan đến ĐKLV cũng như các hoạt động thực tế của NLĐ nói chung, LĐN nói riêng. Hướng đến xây dựng môi trường làm việc “xanh”.
Đặt vào từng hoàn cảnh về kinh tế, xã hội, văn hóa, con người từng địa phương cũng như soi chiếu về đặc điểm của doanh nghiệp trên địa bàn, mà có thể tham khảo, áp dụng được một hay nhiều kiến nghị vừa nêu, giúp tăng cường việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động về điều kiện làm việc của LĐN ở doanh nghiệp trên địa bàn địa phương áp dụng.
KẾT LUẬN
1. Đảm bảo về điều kiện làm việc cho lao động nữ, pháp luật lao động cần có những quy định riêng về điều kiện làm việc của lao động nữ nhằm: bảo đảm về sức khoẻ, thể trạng cho lao động nữ, phục hồi sức khoẻ và tinh thần cho lao động nữ, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động…
2. Luận án nghiên cứu nội dung pháp luật về điều kiện làm việc của lao động nữ theo góc độ hẹp, tức là một tập hợp các quy phạm pháp luật về điều kiện làm việc thích đáng và thuận lợi được đảm bảo ở mức tối thiểu cần thiết. và các quy phạm pháp luật giúp cho việc duy trì, bảo vệ các điều kiện làm việc đó. Gồm các quy định về các tiêu chuẩn lao động là: tiền lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động; điều kiện tối thiểu khác ở nơi làm việc (chống phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục).
3. Việt Nam có truyền thống tôn trọng và bảo đảm bình đẳng giới và bảo vệ lao động nữ. Việt Nam tích cực thúc đẩy quan hệ quốc tế về bình đẳng giới và bảo vệ lao động nữ. Hệ thống chính sách và pháp luật về điều kiện làm việc của lao động nữ ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đảm bảo các điều kiện làm việc cho lao động nữ. Nhờ đó, trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong công tác bảo đảm và cải thiện điều kiện làm việc của lao động nữ.
4. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, công tác thực thi pháp luật về điều kiện làm việc của lao động nữ vẫn còn nhiều hạn chế với nhiều nguyên nhân khác nhau. Khảo sát ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy việc thực hiện những chính sách về điều kiện làm việc của LĐN ở các doanh nghiệp tại Hà Nội nhìn tổng thể đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực thi các chính sách về điều kiện làm việc cho lao động nữ, có quy định chưa thực sự cần thiết khi thực hiện trong thực tế, có quy định khó mang tính khả thi cao. Những hạn chế có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân chủ quan (tư tưởng, khả năng nhận thức, tính
phù hợp với điều kiện thực tiễn), có nguyên nhân khách quan (hạn chế về nguồn lực, điều kiện tài chính, cơ chế thực thi chưa phát huy được hiệu quả...).
5. Hoàn thiện pháp luật lao động về ĐKLV của lao động nữ ở Việt Nam hiện nay cần phải đảm bảo các yêu cầu: đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế toàn cầu hoá; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; đồng bộ, hợp lý, thống nhất với việc hoàn thiện pháp luật khác liên quan và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và mang tính khả thi cao.
6. Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về ĐKLV của lao động nữ, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp cụ thể về điều kiện làm việc của lao động nữ, gồm: sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật hiện hành về điều kiện làm việc của lao động nữ. Một số quy định bảo vệ LĐN nhưng chưa phù hợp hoặc thiếu tính khả thi cần được sửa đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, nội luật hóa và phê chuẩn thêm một số Công ước ILO phù hợp với thực tiễn của Việt Nam về điều kiện làm việc của lao động nữ.
7. Bên cạnh các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về điều kiện làm việc của lao động nữ, NCS cũng đưa ra một số giải pháp chung cho cả nước cũng như thành phố Hà Nội và một số giải pháp cho các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật lao động về điều kiện làm việc của lao động nữ.
Với những kết quả nghiên cứu ở cấp độ luận án tiến sĩ của mình, NCS hy vọng sẽ góp phần nhỏ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động về điều kiện làm việc của lao động nữ. Hy vọng rằng các quy định của PLLĐ sẽ ngày càng được hoàn thiện để tạo những điều kiện tốt nhất cho lao động nữ yên tâm làm việc, và đồng thời cũng có thời gian thực hiện thiên chức làm mẹ, chăm lo gia đình. Do thời gian và điều kiện có hạn nên luận án mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu thực tiễn thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mà chưa đi sâu nghiên cứu được tại các nơi khác. Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, viết bài không tránh khỏi được những hạn chế, thiếu xót, kính mong Hội đồng bảo vệ luận án sẽ đưa cho NCS được những nhận xét, góp ý chân thành nhất để luận án được hoàn thiện hơn.