Trong quá trình khai thác sử dụng tài nguyên để phát triển nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế trang trại cần xem việc lợi dụng triệt để tài nguyên sinh thái, lấy sinh thái làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển nông nghiệp sẽ góp phần bảo vệ tốt môi trường, phát triển bền vững.
Tăng cường phủ xanh đất trống đồi trọc để giảm bớt quá trình rửa trôi, xói mòn làm thoái hóa đất đồng thời tạo thêm cảnh quan cho tỉnh nhà.
Trong quá trình phát triển KTTT cần sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nguồn nước, lựa chọn công nghệ sạch, mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để xây dựng mô hình nông nghiệp sạch.
Khuyến khích miễn/giảm thuế hoặc cho vay vốn với việc nhập thiết bị và công nghệ xử lý chất thải, thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các trang trại ngay từ khi mới lập dự án.
Áp dụng thu phí ô nhiễm và các biện pháp hành chính khác đối với các trang trại, cơ sở chế biến thải ra môi trường khối lượng lớn khí thải, nước thải, chất thải.
Tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải, đẩy mạnh việc giáo dục người dân về bảo vệ môi trường.
Tóm lại, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây, cùng với những chính sách cởi mở hổ trợ tích cực của Nhà nước, kinh tế trang trại sẽ có động lực phát triển mới góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.
KẾT LUẬN
1. Kết luận
Phát triển KTTT là bước đi phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp trên thế giới và xu thế của thời đại đồng thời là động lực quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. KTTT ở Quảng Trị đã trở thành một thực tế và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhìn chung kinh tế trang trại ở Quảng Trị phát triển khá nhanh về số lượng, mở rộng về qui mô sản xuất, đa dạng về hình thức tổ chức sản xuất, phát huy được lợi thế của từng vùng.
Hầu hết kinh tế trang trại hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh đều mang lại hiệu quả cao hơn so với các hộ nông dân khác sản xuất.
Sự phát triển của các trang trại đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm cho một bộ phận nông nhàn ở nông thôn, làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ trang trại và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân; chỉ có một số ít trang trại chưa mang lại hiệu quả là do giá cả thị trường chi phối. Theo điều tra đến năm 2010, các trang trại đã tạo đưuọc việc làm cho 4.073 lao động; trong đó, 1778 lao động gia đình và 2295 lao động thuê ngoài đã góp phần làm giảm nghèo cho những người lao động không có đất sản xuất.
KTTT đã thúc đẩy tình hình sử dụng đất đai hiệu quả hơn, các trang trại đã tích cực đi đầu hưởng ứng chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai phá đất hoang, đất mặt nước để đưa vào sử dụng, được thể hiện qua việc tăng lên về số lượng các trang trại lâm nghiệp, trồng cây lâu năm, trang trại nuôi trồng thủy sản.
Các trang trại đã khai thác được lượng vốn trong dân để phát triển, làm cho nguồn vốn luôn luân chuyển và hoạt động có hiệu quả, nhờ nguồn vốn đó các trang trại còn trang bị thêm được nhiều máy móc thiết bị và tài sản cố định.
Phát triển KTTT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, sự phát triển tập trung của một số loại hình trang trại tại các địa phương đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, do mới hình thành nên hiện nay hầu hết các trang trại đều là trang trại gia đình. Kinh tế trang trại đã có không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, biến động giá cả các sản phẩm nông nghiệp ở cả trong và ngoài tỉnh.
Nguồn vốn đầu tư cho từng trang trại còn hạn chế, chủ yếu là các nguồn vốn vay ngắn hạn do vậy khó khăn cho các trang trại trong việc mở rộng, đầu tư sản xuất, nhất là các trang trại lâm nghiệp, trồng cây lâu năm.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, giao đất cho người dân còn chậm làm trở ngại quá trình đầu tư, phát triển của các trang trại, người dân không yên tâm sản xuất.
Các chính áp dụng vào phát triển kinh tế trang trại vẫn thiếu những chính sách, chủ trương cụ thể đến từng địa phương trong khi đó lại là nguồn động lực quan trọng giúp cho các chủ trang trại mạnh dạn, yên tâm sản xuất kinh doanh.
Tóm lại, Quảng Trị là tỉnh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên còn phụ thuộc rất nhiều vào con người, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, ban ngành Nhà nước, các cơ quan địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết, thuận lợi để các trang trại phát triển ngày càng vững mạnh. Trong thời gian tới, để KTTT của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch, rà soát lại các trang trại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp đồng bộ, lâu dài, chính sách hợp lí nhằm khuyến khích các loại hình kinh tế trang trại phát triển bền vững.
2. Kiến nghị
Để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại phát triển trong thời gian tới, có một kiến nghị và đề xuất sau:
- Về đất đai: trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho nhân dân ở các vùng có lợi thế để phát triển kinh tế trang trại, cải tiến thủ tục cấp đất, giao đất, cho thuê đất, miển thuế sử dụng đất đối với những năm đầu cho chủ trang trại khi có đầy đủ điều kiện và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
- Về vốn: hình thành tổ chức “ Tương trợ về vốn” gồm từ 10-15 trang trại cùng đóng góp xây dựng quỹ chung trích ra từ mỗi vụ thu hoạch, khi trang trại nào có nhu cầu thì có thể mượn quỹ chung này để giải quyết vấn đề về trang trại.
- Về quản lí Nhà nước đối với trang trại: cần xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với các trang trại trên địa bàn tỉnh và huyện để bố trí cán bộ chuyên theo dõi.
- Có chính sách di dời các trang trại củ xen lẫn ở trong khu dân cư và các trang trại mới thành lập đến nơi quy hoạch tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chóng dịch bệnh.
- Tăng cường khuyến khích liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các trang trại và các doanh nghiệp
- Cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo tập huấn về quản lý, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ.... cho các chủ trang trại.
- Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế trang trại như: miễn, giảm thuế sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo, thị trường, áp dụng khoa học công nghệ...
- Đối với các trang trại trồng cây lâu năm và trang trại lâm nghiệp thường từ 5-7 năm mới cho giá trị sản phẩm thu hoạch, nếu theo tiêu chí để xác định là KTTT (diện tích và sản lượng) thì các trang trại này chỉ đạt tiêu chí về mặt diện tích, nhưng không thể đạt tiêu chí về mặt giá trị sản lượng hàng hoá. Vì vậy, cần phải xem xét điều chỉnh tiêu chí trên.