1. Công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin
Ngày 05/4/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC về việc hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, công ty đại chúng quy mô lớn vào diện bắt buộc công bố thông tin giống doanh nghiệp niêm yết. Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên, được xác định tại Báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán hoặc theo kết quả phát hành gần nhất, và có số cổ đông không thấp hơn 300 tính tại thời điểm chốt danh sách cổ đông.
Cụ thể, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố định kỳ thông tin về báo cáo tài chính năm, bán niên, quý và bất thường trong thời hạn 24 giờ đối với các sự kiện như: Công ty bị tổn thất tài sản từ 10% vốn chủ sở hữu; mua bán tài sản có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty; cổ phiếu của công ty niêm yết tăng trần hoặc giảm sàn 10 phiên liên tiếp...
Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ cũng phải công bố thông tin định kỳ về Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng 06 và tháng 12 cùng với thời điểm công bố thông tin Báo cáo tài chính bán niên và Báo cáo tài chính năm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/6/2012, thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC ngày 15/04/2010 của Bộ Tài chính.
Năm 2012 – Tập I CÔNG TY KIỂM TOÁN VÀ KẾ TOÁN AAC
2. Ghi nhận TSCĐ vô hình: Trường hợp Công ty có chi trả một khoản chi phí cụ thể mua tài sản là bộ nhận diện thương hiệu không phải được tạo nên từ nội bộ doanh nghiệp theo Hợp đồng kinh tế để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, nếu tài sản này phù hợp với định nghĩa TSCĐ vô hình và thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại điểm khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Phần B Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính mà không hình thành TSCĐ hữu hình thì được coi là TSCĐ vô hình. Để xác định nguồn lực vô hình thỏa mãn định nghĩa TSCĐ vô hình cần phải xem xét các yếu tố: Tính có thể xác định được, khả năng kiểm soát nguồn lực và tính chắc chắn của lợi ích kinh tế trong tương lai.
Trường hợp, bộ nhận diện thương hiệu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định vô hình thì khoản chi phí mà Công ty bỏ ra để có bộ nhận diện thương hiệu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 3 năm. (CV số 1150/TCT-CS ngày 03/04/2012)
3. Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập
Ngày 13/03/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập.
Theo đó, doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định và được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Doanh nghiệp kiểm toán là công ty TNHH, cần có vốn pháp định là 3 tỷ đồng và từ năm 2015, mức vốn này là 5 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định nói trên. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH kiểm toán phải có ít nhất hai thành viên góp vốn là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty. Kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai doanh nghiệp kiểm toán trở lên.
Đối với doanh nghiệp kiểm toán có yếu tố nước ngoài, quy định về mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là 500.000 USD tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp kiểm toán là công ty TNHH nói trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2012. Trong thời hạn hai năm kể từ ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán trước ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Luật kiểm toán độc lập và các quy định tại Nghị định này để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Trước 30 ngày kể từ thời hạn hai năm chuyển tiếp, doanh nghiệp kiểm toán phải làm hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.