Tài nguyên theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn vật liệu, năng lượng, thông tin có trên Trái đất và trong vũ trụ mà con người có thể sử dụng để phục vụ cuộc sống và sự phát triển của mình. Tài nguyên bao gồm nhóm các tài nguyên hoàn lại (có thể phục hồi được), nhóm các tài nguyên không hoàn lại (không thể phục hồi được) và nhóm các tài nguyên vô tận.
Tài nguyên du lịch là một dạng đặc sắc của tài nguyên nói chung và là một bộ phận cấu thành quan trọng trong tổ chức lãnh thổ du lịch. Có rất nhiều quan niệm về tài nguyên du lịch, song nhìn chung có thể khái quát đó là những tổng thể tự nhiên, văn hóa lịch sử có khả năng đáp ứng cho các hoạt động du lịch. Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005), tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử văn hoá, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch .
Về mặt cấu trúc tài nguyên du lịch được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau: phân loại theo nhóm cung cấp tiềm tàng, nhóm cung cấp hiện tại và nhóm tài nguyên kỹ thuật; Phân loại theo hệ thống với ba phụ hệ: thiên nhiên, nhân văn và dịch vụ; Phân loại theo ba nhóm: khí hậu, văn hóa xã hội, kinh tế hoặc tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, tài nguyên kinh tế - kỹ thuật và bổ trợ Luận văn áp dụng hệ thống phân loại tài nguyên du lịch trong Luật Du lịch Việt Nam (2005) bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
(1) Điều kiện địa lý - Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch (Luật DLVN, 2005). Như vậy, riêng đối với tài nguyên du lịch tự
nhiên có thể hiểu là tất cả các điều kiện địa lý thuận lợi cho khai thác, phát triển du lịch.
- Vị trí địa lý là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển du lịch nói chung cũng như tổ chức các điểm, cụm, tuyến du lịch nói riêng. Trong nghiên cứu của luận văn, vị trí địa lý không chỉ đơn thuần là vị trí hành chính của lãnh thổ mà được xem như một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên - tài nguyên vị thế. Tài nguyên vị thế là những giá trị và lợi ích có được từ vị trí địa lý và các thuộc tính về cấu trúc, hình thể sơn văn, cảnh quan, sinh thái của một không gian, có thể sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Đối với phát triển du lịch, tài nguyên vị thế được xét dưới các góc độ: giá trị vị thế (địa) tự nhiên với các giá trị và lợi ích có được từ vị trí không gian, giá trị vị thế (địa) kinh tế với các giá trị và lợi ích có được từ các đặc điểm địa lý ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế của lãnh thổ, giá trị vị thế (địa) chính trị với lợi ích kết hợp của lợi thế về địa lý tự nhiên và nhân văn trong các bối cảnh chính trị của từng quốc gia, khu vực.
- Địa hình. Sự phân hóa của địa hình góp phần tạo nên sự đa dạng của cảnh quan, tuy nhiên, đặc trưng hình thái và trắc lượng hình thái của địa hình cũng có thể là những yếu tố thuận lợi hoặc trở ngại cho các hoạt động du lịch.
Ngoài ý nghĩa, bề mặt địa hình là nơi diễn ra các hoạt động của du khách, là địa bàn xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật thì đặc điểm của địa hình góp phần quyết định các loại hình du lịch, địa hình càng đa dạng thì càng có sức hấp dẫn du khách. Nhìn chung, địa hình miền núi thường có nhiều ưu thế hơn đối với hoạt động du lịch nhờ vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên (rừng, núi, thác, suối, hang động...) cùng với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành.
Ngoài ra còn có các dạng địa hình có giá trị cao cho các hoạt động du lịch như các hồ, đầm, các đảo và quần đảo, bãi biển ven bờ, các di tích tự nhiên...
- Khí hậu. Trong các chỉ tiêu về khí hậu, nhiệt độ và độ ẩm không khí là những yếu tố quan trọng nhất, ngoài ra, còn có các yếu tố khác như gió, áp suất khí quyển, ánh nắng mặt trời và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các điều kiện khí hậu được xem như một dạng tài nguyên đặc biệt và được khai thác, phục vụ cho các mục đích du lịch, nghỉ dưỡng khác nhau. Nhìn chung, đối với nhu cầu nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe và các hoạt động du lịch thuần túy, đòi hỏi nhiều các yếu tố thuận lợi về áp suất không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng, lượng ôxy và độ trong lành của không khí. Tuy nhiên, đối với các loại hình du lịch đặc thù như thể thao nhảy dù, tàu lượn, khinh khí cầu, thả diều, thuyền buồm... lại yêu cầu các yếu tố thời tiết thích hợp như hướng gió, tốc độ gió, quang mây, không có sương mù... Do các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu nên tính mùa của khí hậu có ảnh hưởng rất rõ đến tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
- Thủy văn. Tài nguyên nước bao gồm hệ thống nước mặt và nước ngầm được khai thác, sử dụng cho các mục đích tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
Tài nguyên nước mặt bao gồm biển, sông, suối, hồ..., ngoài ý nghĩa khai thác cho các hoạt động dân sinh còn có vai trò điều hòa khí hậu, nhiều nơi tạo được cảnh quan đẹp đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách.
Một trong những dạng tài nguyên nước ngầm có giá trị cho hoạt động du lịch là các nguồn nước khoáng. Nhiều nguồn nước khoáng tự nhiên đạt tiêu chuẩn, được sử dụng trực tiếp làm nước uống, nước giải khát. Đối với mục đích chữa bệnh, nhiều nguồn nước khoáng có thành phần hoá học đa dạng, độ khoáng hóa và hàm lượng các vi nguyên tố khá cao như nhóm nước khoáng cacbonic, nhóm silic, nhóm brôm-iôt-bo, nhóm sunfua hydrô, nhóm phóng xạ, và nhóm nước khoáng nóng. Các nguồn nước khoáng này đáp ứng được nhu cầu an dưỡng, chữa bệnh, đặc biệt với một số bệnh về hệ vận động, thần kinh, tiêu hoá, da liễu và nội tiết.
- Sinh vật. Tài nguyên sinh vật bao gồm toàn bộ các loài thực vật, động vật sống trên lục địa và dưới nước vốn có sẵn trong tự nhiên và do con người thuần
dưỡng, chăm sóc, lai tạo. Tài nguyên sinh vật vừa góp phần cùng với các loại tài nguyên khác tạo nên phong cảnh đẹp, hấp dẫn vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường như: bảo tồn các nguồn gen, che phủ mặt đất, chống xói mòn... Đối với một số loại hình như du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu khoa học, tài nguyên sinh vật có
ý nghĩa quan trọng trước hết là tính đa dạng sinh học, đặc trưng của các loài quý hiếm, đặc hữu và các hệ sinh thái đặc thù thường tập trung tại các VQG, các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô, sân chim...
(2) Tài nguyên du lịch nhân văn
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005), tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
- Thành phần các dân tộc. Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học được khai thác là điều kiện sinh sống, đặc điểm văn hoá, phong tục, tập quán, hoạt động sản xuất với những sắc thái riêng của các dân tộc trên địa bàn cư trú cuả các dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có tới 53 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống và cư trú ở các vùng miền núi xa xôi. Nhiều dân tộc vẫn giữ nguyên được những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của mình, đặc biệt là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mường ở miền Bắc; các dân tộc Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na ở miền Trung và Tây Nguyên; và các dân tộc Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long, đều có những truyền thống văn hoá có giá trị cao có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch.
- Các di tích lịch sử văn hoá là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị nhiều mặt điển hình, do tập thể hoặc cá nhân con người sáng tạo ra trong lịch sử để lại. Việc xếp hạng và phân loại các giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của các các di tích được quy định trong Luật Di sản văn hóa (2001) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo tồn, khai thác, sử dụng di tích phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, du lịch… Các di tích lịch sử văn hoá là một
nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
- Các lễ hội truyền thống. Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp rất đa dạng và phong phú, là một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian lao động mệt nhọc, là dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại như thờ cúng tổ tiên, ôn lại truyền thống, hoặc để giải quyết những lo âu, những khao khát ước mơ mà cuộc sống thực tại chưa giải quyết được. Các lễ hội đặc biệt có sức hấp dẫn khách du lịch bởi các yếu tố: (1) biểu hiện sống động của nền văn hóa dân tộc,
(2) thước đo sự phát triển của văn hóa dân gian, (3) đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp, (4) biểu hiện của tính cộng đồng.
Lễ hội gồm hai phần: phần nghi lễ và phần hội
+ Phần nghi lễ là phần mở đầu cho các lễ hội với những nghi thức nghiêm trang, trọng thể. Phần nghi lễ mở đầu ngày hội bao giờ cũng mang tính tưởng niệm lịch sử, hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại. Nghi thức tế lễ nhằm bày tỏ lòng tôn kính với các bậc thánh hiền và thần linh, cầu mong được thiên thời, địa lợi, nhân hòa và sự phồn vinh hạnh phúc.
+ Phần hội diễn ra những hoạt động tiêu biểu, điển hình cho tâm lý và văn hóa cộng đồng. Trong hội thường có các trò chơi dân gian.
- Các làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống: làng nghề thủ công là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống lâu đời. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao thoa và phát triển các giá trị văn hóa lâu đời của mỗi dân tộc. Các làng nghề truyền thống chính là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn, bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm trong đó cả nội dung giá trị vật thể (hàng lưu niệm) và phi vật thể (kỹ năng làm nghề, cảm nhận văn hóa nghệ thuật…)