Thực tiễn áp dụng pháp luật về quy trình công chứng hợp đồng giao dịch

Một phần của tài liệu QUY TRÌNH công chứng HỢP ĐỒNG, giao dịch và ĐỀ XUẤT hướng hoàn thiện PHÁP LUẬT (Trang 30)

2.1. Những mặt đạt được

Những kết quả đạt được đã khẳng định Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, hoạt động công chứng đã phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời tạo một bước phát triển mới cho hoạt động công chứng ở nước ta. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh tế, hoạt động công chứng đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại; đồng thời cũng góp phần quan trọng vào quá trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng theo từng giai đoạn và lộ trình phù hợp. Từ đó phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Luật công chứng hiện hành, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hoạt động công chứng, tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch, công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công chứng, đẩy mạnh việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng.

2.2. Những mặt hạn chế

Quy trình công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 được xem là hành lang pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia xác lập, thay đổi, chấm dứt các giao dịch dân sự; Góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như hạn chế những tranh chấp, rủi ro phát sinh giữa các bên trong quan hệ giao dịch dân sự; qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Tuy nhiên, nội dung của Luật Công chứng và các văn bản pháp luật hiện hành về quy trình công chứng hợp đồng, giao dịch vẫn còn những hạn chế nhất định cần được tiếp tục hoàn thiện.

Có rất nhiều các hợp đồng, giao dịch bị Tòa án tuyên bố vô hiệu do lỗi công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng dẫn tới nhiều hệ lụy, tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Việc áp dụng pháp luật công chứng liên quan đến các hợp đồng, giao dịch cũng không thống nhất giữa các tổ chức hành nghề công chứng.

Trong Luật công chứng năm 2014 về công chứng các hợp đồng, giao dịch còn có nhiều quan điểm khác nhau. Việc quy định về thẩm quyền theo địa giới hành chính (Điều 42, Luật công chứng năm 2014) gây nhiều bất lợi, khó khăn cho người dân.

3. Giải pháp và kiến nghị đối với quy trình công chứng hợp đồng giao dịch

Để khắc phục những hạn chế và vướng mắc của quy trình công chứng hợp đồng, giao dịch cần phải tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng với các dịch vụ công chứng tại nhà, công chứng ngoài giờ…. phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động công chứng là một loại hình dịch vụ công, công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và nhân danh Nhà nước trong quá trình thực hiện hoạt động công chứng. Do vậy đây là công việc cần đòi hỏi trình độ chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Không nên nóng vội chuyển đổi các Phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp) thành Văn phòng công chứng (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) như một số quan điểm hiện nay. Cần ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, về công chứng viên

Để nâng cao chất lượng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên cần quy định chặt chẽ hơn các điều kiện bổ nhiệm công chứng viên. Theo đó, xác định rõ hơn về địa vị pháp lý của công chứng viên. Quy định rõ công chứng viên chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Bổ sung các quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng, quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, bổ sung quy định về kiểm tra và tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Công chứng viên phải thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ hai, về tổ chức hành nghề công chứng

Sửa đổi, bổ sung các quy định về Văn phòng công chứng nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho Văn phòng công chứng trong việc thay đổi loại hình hoạt động, thúc đẩy phát triển. Quy định việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải phù hợp với từng thời kỳ phát triển từ đó đáp ứng được nhu cầu công chứng của người dân.

Triển khai thực hiện có hiệu quả để phát triển tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư trên toàn quốc, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức trong xã hội; tăng cường tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, khắc phục tình trạng phát triển tổ chức hành nghề công chứng không đồng đều giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề công chứng; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng. Xây dựng quy hoạch công chứng viên căn cứ theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; hướng dẫn định hướng các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật Công chứng và văn bản hướng dẫn thi hành để phát triển lành mạnh các hoạt động công chứng.

Xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về bất động sản, tạo nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhằm hạn chế rủi ro cho công chứng viên trong quá trình hành nghề công chứng.

KẾT LUẬN

Công chứng là một nghề đặc biệt có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức cũng như của chủ thể khác tham gia vào giao dịch. Vì vậy việc đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản công chứng được xem là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng của các công chứng viên. Để đảm bảo được giá trị pháp lý cũng như hiệu lực của các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng thì công chứng viên trong quá trình thực hiện hoạt động công chứng cần phải tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục công chứng.

Sau khi tìm hiểu về thực trạng hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, học viên rút ra được những kết luận về xác định lại khái niệm công chứng, quá trình hình thành và pháp triển pháp luật về công chứng ở Việt Nam. Đưa ra được quy trình công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật. Từ đó nêu ra những ý kiến đóng góp với mục đích nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quy trình công chứng. Bên cạnh đó, để bảo đảm được giá trị cốt lõi của các văn bản công chứng cần thiết phải đổi mới, đồng bộ các thiết chế về tổ chức và hoạt động công chứng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tài liệu tham khảo là văn bản quy phạm pháp luật

[1] Luật Công chứng số 82/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 [2] Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20/06/2014 [3] Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 [4] Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013

[5] Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19/06/2014 [6] Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014

[7] Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 ngày 20/11/2014

[8] Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước

[9] Nghị định số 31/CP ngày 18/05/1996 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước

[10] Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch

[11] Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 về chứng minh nhân dân

[12] Nghị định số 130/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 về giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam

[13] Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

[14] Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

[15] Văn bản hợp nhất số 61/VBHN-BTC ngày 06/12/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên

II. Tài liệu tham khảo là sách, giáo trình, tạp chí

[1] Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng tập 1, Nhà xuất bản Tư pháp [2] Giáo trình kỹ năng hành nghề công chứng tập 3, Nhà xuất bản Tư pháp

Một phần của tài liệu QUY TRÌNH công chứng HỢP ĐỒNG, giao dịch và ĐỀ XUẤT hướng hoàn thiện PHÁP LUẬT (Trang 30)