Văn phòng tổng công ty nên tham mưu và cùng với nhà máy đưa ra các cách thức tạo động lực làm việc cho người lao động sao cho hiệu quả nhất nhằm giải quyết được vấn đề người lao động cần, thể hiện trình độ, nghệ thuật của những người làm công tác quản lý.
Ngoài ra, nguyên nhân chính dẫn đến không thực hiện tốt vấn đề tạo động lực cho người lao động là do tình trạng kế hoạch sản xuất liên tục thay đổi khiến tất cả các bộ phận nghiệp vụ bị động, chuẩn bị không kịp thời, nên tình trạng chờ đợi giữa các khâu thường xuyên xảy ra, gây lãng phí và ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của công nhân.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng công ty đặc biệt là phòng kinh doanh may, phòng xuất nhập khẩu và kho tổng công ty cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình đồng bộ nguyên phụ liệu, thông báo kịp thời đến Nhà máy khi có sự điều chỉnh để tránh bị động trong sản xuất. Mặt khác đàm phán, thương lượng với khách hàng, hàng tháng phải chốt thông tin đơn hàng trước khi triển khai xuống Nhà máy, hạn chế tình trạng thay đổi thông tin quá nhiều làm xáo trộn gây nhầm lẫn trong kế hoạch sản xuất, không để công nhân ngồi chờ việc, năng lực thừa nhưng không có việc làm trong ngày phải tăng ca quá nhiều ảnh hưởng đến động lực làm việc.
Tạo động lực làm việc cho người lao động là vấn đề có vai trò ngày càng trở nên quan trọng đối với mục tiêu ổn định và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Hoạt động tạo động lực làm việc cho người lao động được thực hiện tốt sẽ thúc đẩy đảm bảo nguồn lực cho tổ chức về cả số lượng và chất lượng, đồng thời tạo động lực làm việc cho người lao động hăng say làm việc, cố gắng phấn đấu học tập nâng cao trình độ để nâng cao kết quả làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy. Mặt khác khi quy trình và các yếu tố tạo động lực làm việc cho người lao động của nhà máy là hợp lý, thỏa mãn những nhu cầu của người lao động sẽ làm cho người lao động yên tâm làm việc gắn bó hơn với nhà máy.
Với những nội dung đã nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về lý thuyết cũng như nghiên cứu điều tra thực tế tại Nhà Máy May Hòa Thọ 1 của luận văn đã được trình bày trên đây. Tác giả hy vọng có thể đưa ra cái nhìn tổng quát về vai trò của tạo động lực và các giải pháp tạo động lực làm việc thông qua công cụ tài chính và công cụ phi tài chính này một cách khoa học và hợp lý, từ đó lôi kéo người lao động phát huy cao nhất khả năng của họ, kết hợp thành một khối thống nhất để cùng đạt tới mục đích chung.
Bên cạnh đó tác giả cũng đánh giá thực trạng tìm ra các ưu nhược điểm từ đó đề xuất một số giải pháp tạo động lực làm việc tại Nhà Máy May Hòa Thọ 1, góp phần duy trì và phát triển được nguồn lao động ổn định, khai thác và sử dụng nguồn lực này một cách có hiệu quả hơn.
Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ với những hạn chế về thời gian nguồn lực cũng như những hỗ trợ nghiên cứu khác nên không thể tránh được những thiếu sót. Tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để tôi chỉnh sửa luận văn hoàn thiện hơn.