giao dịch.
b. Bảo lãnh của Chính phủ:
Một biện pháp khác là bảo lãnh của Chính phủ. Nếu không có bảo lãnh từ Chính phủ thì hầu như các giao dịch thuê tài chính máy bay của chúng ta đều thất bại vì người đi thuê đều là các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước. Mà bên cho thuê máy bay luôn lưu ý đến quyền miễn trừ quốc gia của các doanh nghiệp này nên họ đòi hỏi bảo lãnh từ Chính phủ. Điều này cũng đem lại nhiều phiền toái về thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp Việt Nam và cũng là gánh nặng tài chính cho Chính phủ. Nếu các doanh nghiệp Việt nam đi thuê máy bay không phải là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thì đương nhiên bên cho thuê không thể đòi hỏi bảo lãnh cho các doanh nghiệp đó từ phía Chính phủ Việt nam. Để khắc phục tình trạng này thì Chính phủ phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và xây dựng một Luật doanh nghiệp chung. Cổ phần phần hóa cần làm một cách triệt để và áp dụng các tư duy mới. Qui định về việc Nhà nước phải chiếm 51% số vốn của một doanh nghiệp dường như quá lỗi thời. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm cổ phần hóa của các nước tiên tiến. Ở một số nước qui định Nhà nước chỉ có 1 cổ phần trong số vốn của doanh nghiệp đó nhưng đó vẫn là cổ phần chi phối.
c. Các chính sách về thuế:
Một biện pháp khác nữa mà Chính phủ có thể thực hiện để tạo ra cơ chế hỗ trợ cho các hãng hàng không đó là các chính sách về thuế. Cần miễn, giảm các loại thuế đánh vào các nguồn vốn huy động trong nước để tài trợ thuê tài chính máy bay. Một số loại thuế khác cũng cần được bãi bỏ để khuyến khích hoạt động cho thuê tài chính máy bay ở Việt Nam như thuế nhà thầu với mức thuế 2% trên tổng giá trị hợp đồng thuê máy bay thuế đánh vào bên cho thuê. Trên thực tế, giá thuê mà bên cho thuê ký với bên Việt Nam là giá thuê Net, tức là sẽ được miễn trừ mọi khoản thuế phát sinh. Như vậy thực chất số tiền thuế đó bên Việt Nam sẽ phải chịu và nộp cho Nhà nước Việt Nam thay cho bên cho thuê.
d. Thủ tục thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án thuê tài chính máy bay: bay:
Cuối cùng là các biện pháp hỗ trợ về trình tự, thủ tục trong việc trình và thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư cũng như trong đấu thầu lựa chọn các đối tác cho thuê tài chính máy bay. Các qui định về đầu tư và đấu thầu hiện hành đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần được sửa đổi (Nghị định 88/1999/CP ban hành Qui chế đấu thầu, Nghị định 14/2000/CP và Nghị định 66/2003/CP về sửa đổi, bổ sung Qui chế đấu thầu ; Nghị định 52/1999/CP ban hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định 07/2003/CP sửa đổi, bổ sung Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng). Đặc biệt chúng không phù hợp với tính chất rất đặc thù của hoạt động thuê tài chính máy bay. Như
các qui định về số lượng nhà thầu trong đấu thầu hạn chế ( Điều 4.2 Nghị định 66/2003), bắt buộc phải có bảo lãnh dự thầu (Điều 28 Nghị định 66/2003), Điều kiện đấu thầu quốc tế ( Điều 10.2 Nghị định 66/2003)....Do vậy Chính phủ cần xây dựng một Qui trình riêng về đầu tư và đấu thầu trong lĩnh vực hàng không dân dụng nhằm tạo bước đột phá trong việc đàu tư, thuê, mua máy bay.
KẾT LUẬN
Tóm lại việc nghiên cứu và phân tích các khía cạnh pháp lý của hoạt động thuê tài chính máy bay trong lĩnh vực hàng không dân dụng là rất cần thiết để so sánh, đối chiếu với pháp luật trong nước qui định về các vấn đó. Từ đó thấy được những hạn chế, bất cập của pháp luật trong nước và đề ra một số biện pháp thiết thực hoàn thiện pháp luật.
Hiện nay Việt Nam đang rất cần có các phương tiện, máy móc và thiết bị vận chuyển hiện đại nên việc tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho các bên tài trợ và bên cho thuê là một vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước phụ thuộc vào việc có được các trang thiết bị, phương tiện vận chuyển có tính năng khoa học công nghệ cao phục vụ phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay của nước ta. Trong tiến trình tham gia các hiêp định thương mại song phương với Mỹ, Hoa kỳ và một số nước khác cũng như việc tham gia vào WTO, nền kinh tế của nước ta sẽ phải mở cửa cho các đối tác nước ngoài vào hoạt động kinh doanh. Điều tất yếu là các qui định của pháp luật nước ta cũng phải được thay thế, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới theo hướng đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó pháp luật Việt Nam về thuê tài chính và thuê tài chính máy bay cũng không nằm ngoài xu thế này.
Ngành Hàng không dân dụng với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng lớn với tính quốc tế hóa cao, có thể tạo ra các đột phá về kinh tế và làm thay đổi bộ mặt của đất nước cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và vai trò vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đã đi đầu trong việc đổi mới các hoạt động của mình nhất là trong việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Đến nay Việt Nam đã là thành viên của 73 điều ước quốc tế đa phương và song phương về hàng không dân dụng, ký kết 41 Hiệp định vận chuyển hàng không song phương.
Việc nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về thuê tài chính máy bay trong lĩnh vực hàng không dân dụng cũng không nằm ngoài việc trao đổi trau dồi, nâng cao và tăng cường hơn nữa các kiến thức pháp lý nhằm góp phần làm cho hệ thống pháp luật hàng không dân dụng của Việt Nam nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung được hoàn thiện và tiến gần với hệ thống pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, tạo điều kiện cho nước ta thực hiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.