IV. Giải pháp phòng tránh rủi ro của giao dịch trong thương mại điện tử
11 Tham gia bảo hiểm
Các biện pháp nêu trên đều là những biện pháp cần thiết để phòng tránh những rủi ro bất trắc trong thương mại điện tử. Song cho dù có áp dụng biện pháp nào đi chăng nữa cũng không thể đảm bảo an toàn một cách tuyệt đối bởi có rất nhiều rủi ro mang tính khách quan. Rủi ro có thể xảy ra hoặc không, lúc này hay lúc khác, mang lại tai hoạ lớn, vừa hay nhỏ... con người đều hoàn toàn không lường trước được.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình giao dịch trên mạng, ngoài áp dụng các biện pháp nêu trên, các doanh nghiệp kinh doanh nên tham gia bảo hiểm các rủi ro trong kinh doanh trên mạng. Hiện nay, một số công ty bảo hiểm nước ngoài đã tung ra thị trường một loại dịch vụ bảo hiểm mới là “Bảo hiểm Internet - Internet insurance” cũng ở ngay trên mạng Internet. Mặc dù chưa phải là đầy đủ, song những biện pháp nêu là các bước cơ bản để phòng ngừa và hạn chế những rủi ro tổn thất có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh trên mạng của các doanh nghiệp.
KẾT LUẬN
Như vậy, người tham gia giao dịch điện tử nên cố gắng chú ý xem thông điệp dữ liệu của mình được gửi, nhận trên hệ thống thông tin nào để khi muốn kiện tụng thì có thể lấy dữ liệu ra từ hệ thống đó làm cơ sở cho việc khởi kiện cũng như làm căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của mình. Một chú ý thêm là: Một giao dịch điện tử không chỉ có người mua, người bán mà còn có các đơn vị, tổ chức khác tham gia như trung tâm thanh toán điện tử, tổ chức chứng thực chữ ký điện tử, tổ chức thực hiện việc gửi, nhận, lưu trữ thông điệp điện tử… Pháp luật gọi họ là “người trung gian”. Do vậy, khi khởi kiện, người mua hoặc người bán có thể tiếp cận người trung gian để nhận được các dữ liệu điện tử trong quá trình giao dịch để làm chứng cứ gửi đến tòa án.
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động cho các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng trong việc hỗ trợ thông tin, hướng dẫn và cảnh báo người tiêu dùng về những nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi giao dịch điện tử, nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm cho người tiêu dùng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia giao dịch điện tử.
Thương mại điện tử là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và có mức độ rủi ro cao. Vì vậy các quốc gia luôn quan tâm đến vấn đề quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Cần xác định quản lý nhà nước về thương mại điện tử không đơn thuần là một bộ phận của quản lý nhà nước về kinh tế, về công nghệ thông tin. Đối tượng của quản lý nhà nước về thương mại điện tử là toàn bộ các hoạt động của thương mại điện tử, của tất cả các chủ thể ở mọi hình thức, mọi cấp độ cả lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật công nghệ thông tin, văn hóa, an ninh.
Phát triển thương mại điện tử đòi hỏi phải có hệ thống tài chính, ngân hàng, hải quan hoạt động có hiệu quả để xử lý các dữ liệu, các giao dịch thông qua các phương tiện điện tử. Hệ thống tự động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hải quan như: thanh toán, thu thuế, chuyển tiền… được thực hiện thông qua các hình thức thẻ thanh toán quốc tế, thẻ ghi nợ, séc điện tử, các chứng từ điện tử… Thương mại điện tử chỉ hoạt động khi có một hệ thống tài chính, ngân hàng, hải quan phát triển và được tự động hóa ở mức cao, đảm bảo an toàn, chính xác, bí mật cho các giao dịch của khách hàng.