- Thành phố cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực quản lý về thủy sản của lực lượng kiểm ngư, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá.
- Tăng cường công tác thống kê thuỷ sản, thông qua các chỉ số để xác định áp lực khai thác lên nguồn lợi, từ đó có các điều chỉnh phù hợp trong quản lý nghề cá.
- Tăng cường các phương pháp giữ liên lạc thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các tàu hoạt động ở vùng khơi có thời gian hoạt động dài ngày trên biển.
- Tăng cường mô hình phối hợp giữa Đồn biên phòng với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nắm chắc các quy định về vùng khai thác cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến việc khai thác, làm ăn trên biển.
23
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Trong nhiều năm qua, cả Trung ương và chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng đều có những chính sách hỗ trợ cho phát triển khai thác thủy sản nói chung và khai thác hải sản xa bờ nói riêng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nghề cá của thành phố. Mặc dù thời gian qua số lượng tàu cá trên 90CV do ngư dân tự đầu tư đóng mới, cải hoán có tăng lên song không nhiều, trình độ công nghệ khai thác, sơ chế bảo quản sau khai thác còn nặng thủ công, lạc hậu, chất lượng, giá trị sản phẩm thấp.
Do vậy, để khắc phục các hạn chế nêu trên, cần phải thực hiện một cách đồng bộ, có hệ thống các chính sách về tàu cá, về lực lượng lao động tàu cá, về hỗ trợ vay vốn, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ và phù hợp với đặc thù của nghề cá sẽ tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản xa bờ của thành phố phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn khơi đánh bắt xa bờ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển nước nhà, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả và toàn diện chính sách về ngư nghiệp trên địa bàn thành phố.
Công tác điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản và dự báo ngư trường khai thác là phần rất quan trọng trong công tác quản lý khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học đã có nhiều đề tài nghiên cứu đánh giá nguồn lợi và dự báo ngư trường nhưng vẫn chưa có được số liệu chính xác và đầy đủ để phục vụ nghề cá. Để có được số liệu đầy dủ và chính xác, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác điều tra, đánh giá trữ lượng
và dự báo ngư trường một cách liên tục và rộng khắp, đặc biệt cần ứng dụng khoa học – công nghệ để thu được hiệu quả lớn hơn.
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kinh tế biển nói chung và về ngành thủy sản nói riêng, cần xem xét gắn mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; có cơ chế phù hợp, đảm bảo tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển với các nước trong khu vực, đặc biệt với những quốc gia có biển liền kề nhằm đảm bảo an ninh khu vực.
Tóm lại, để thực hiện thành công những định hướng, chủ trương đường lối của Nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ hiện nay và thời gian đến, đòi hỏi phải có sự chung tay, thống nhất của toàn hệ thống chính trị từ trung ương cho đến địa phương trong quá trình triển khai và thực hiện những định hướng cơ bản về phát triển kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng với tầm chiến lược trung và dài hạn.