2.1. Kiểm sát các hoạt động tố tụng bắt đầu phiên tòa
Khi tham dự phiên tòa sơ thẩm, việc kiểm sát hoạt động tố tụng tại phiên tòa của HĐXX, Thư ký tòa án và những người tham gia tố tụng khác là hết sức quan trọng. Khi thực hiện nhiệm vụ này, cần chú ý tham gia phiên tòa ngay từ trước khi phiên tòa sơ thẩm bắt đầu để có thể kiểm sát hoạt động của Thư ký tòa án trước khi HĐXX vào làm việc.
Khi HĐXX vào xét xử, phải tiến hành kiểm tra số lượng, điều kiện tham gia HĐXX của mỗi thành viên HĐXX, đối chiếu với danh sách HĐXX trên thực tế tại phiên tòa với danh sách HĐXX được ghi trong quyết định đưa vụ
án ra xét xử. Tiếp theo, cần kiểm tra tư cách pháp lý của HĐXX, Thư ký Tòa án, xác định có thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo Điều 53, 54 BLTTDS 2015 không? Nếu phát hiện thấy có những căn cứ thể hiện Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký tòa án thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì phải yêu cầu HĐXX quyết định việc thay đổi người đó hoặc ra quyết định hoãn phiên tòa trong trường hợp thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký tòa án. Trường hợp HĐXX không chấp nhận yêu cầu về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký tòa án vẫn tiếp tục xét xử thì vẫn tham gia phiên tòa nhưng ngay sau phiên tòa, phải báo cáo ngay với Lãnh đạo Viện để quyết định việc kháng nghị.
Trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, phải kiểm tra tư cách pháp lý của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại các Điều 68, 75, 77, 79, 81 BLTTDS 2015. Ngoài ra, nếu trong vụ án này có sự tham gia của người giám định mà phát hiện được người giám định đó thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo khoản 2 Điều 80 và khoản 2 Điều 82 BLTTDS 2015, thì phải yêu cầu HĐXX quyết định việc thay đổi người đó. Nếu có căn cứ phải thay đổi người giám định thì đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Trường hợp HĐXX không chấp nhận yêu cầu của KSV về việc thay đổi người giám định, người phiên dịch mà vẫn tiếp tục xét xử thì vẫn tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng ngay sau phiên tòa, phải báo cáo ngay với Lãnh đạo VKS để quyết định việc kháng nghị.
2.2. Kiểm sát thủ tục tranh tụng và tham gia tranh tụng
Trong giai đoạn tranh tụng, cần kiểm sát xem trong quá trình tranh tụng HĐXX có tuân thủ thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa,việc hỏi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và hỏi những người tham gia tố tụng khác hay không.
Ngoài ra, cần chú ý kiểm sát việc xem xét vật chứng, công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, nghe băng ghi âm, ghi hình.
Kiểm sát các căn cứ mà HĐXX tạm ngừng phiên tòa và trình tự phát biểu khi tranh luận.
Tập trung theo dõi và ghi chép đầy đủ tất cả các diễn biến của quá trình tranh tụng tại phiên tòa nhằm Kiểm tra chứng cứ qua việc hỏi và trả lời, phân tích các thông tin trong câu hỏi và câu trả lời để xem các vấn đề của vụ án đã được hỏi hay chưa? Có chứng cứ nào mới phát sinh hay không? Có vấn đề nào có thể làm thay đổi ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án hay không?
Chú ý theo dõi việc hỏi của HĐXX để phát hiện vi phạm của HĐXX khi hỏi như: hỏi theo định kiến một cách cố ý hoặc vô ý; không tôn trọng người tham gia tố tụng khi hỏi; hỏi phiến diện hoặc hỏi không đầy đủ… khi đó cần trực tiếp phải tham gia hỏi để khắc phục những vi phạm này. Trong quá trình hỏi phải tôn trọng sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Phải bám sát vào đề cương hỏi, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Khi hỏi xong, phải tập trung lắng nghe câu trả lời, ghi lại thông tin trong câu trả lời, phân tích thông tin trong câu trả lời, so sánh đối chiếu với câu hỏi để xem câu trả lời đã đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi hay chưa. Nếu câu trả lời không đúng trọng tâm, phải dừng ngay và yêu cầu trả lời đúng trọng tâm. Nếu câu trả lời chưa đầy đủ, có thể hỏi lại, hỏi bổ sung. Khi kết thúc hỏi, phải đánh giá tổng thể kết quả hỏi để phát hiện có nội dung nào mới xuất hiện không? Có vấn đề nào khác với ý kiến ban đầu của VKS về việc giải quyết vụ án hay không? Những thay đổi đó có cần phải báo cáo Lãnh đạo Viện không hay có thể tự quyết định.
2.3. Phát biểu quan điểm của VKS tại phiên tòa
Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, theo đề nghị của chủ tọa phiên tòa, KSV sẽ tiến hành phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Việc trình bày ý kiến tại phiên tòa phải dựa trên nội dung diễn biến của phiên tòa kết hợp với sự chuẩn bị khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và
ý kiến của lãnh đạo VKS. Nếu tại phiên tòa xuất hiện những tình tiết mới làm thay đổi nhận định ban đầu của VKS thì tự mình xem xét, kết luận, nhưng ngay sau phiên tòa, phải báo cáo với lãnh đạo cấp mình về tính tiết mới đó và ý kiến của mình. Cần chú ý, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phải gửi bản phát biểu ý kiến đó cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc.
2.4. Kiểm sát việc tuyên án
Phải theo dõi, lắng nghe toàn văn bản án, ghi chép phần nhận định và phần quyết định của bản án. Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như diễn biến tại phiên tòa, xác định được bản án có thể hiện khách quan tính chất của vụ việc hay không. Trường hợp có vấn đề nào đó không có căn cứ trong nội dung bản án thì báo cáo, đề xuất với lãnh đạo VKS để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.