1. Phương pháp giảng dạy tác phẩm tự sự:
Trong quá trình giảng dạy, không phải tác phẩm văn học nào cũng được phân tích, giảng dạy giống như nhau. Việc tiếp cận, phân tích và giảng dạy tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại là một yêu cầu rất quan trọng, phù hợp với qui luật tiếp nhận tác phẩm văn chương. Đối với thể loại truyện, khi giảng dạy GV ngoài việc vận dụng các phương pháp giảng dạy tác phẩm văn chương nói chung còn phải lưu ý đến những phương pháp mang tính đặc thù của thể loại. Ở đây chúng tôi trình bày một vài khía cạnh về phương pháp phân tích, giảng dạy tác phẩm truyện mà chúng tôi cho là cần thiết với người giáo viên văn học, trên tinh thần tiếp thu, kế thừa những thành tựu đã có.
Hình tượng nghệ thuật của truyện mang nội dung hiện thực và nội dung tư tưởng, đồng thời được cấu tạo nhuần nhuyễn qua ba yếu tố: tình tiết, nhân vật và lời kể. Vì thế, việc cảm thụ, phân tích và giảng dạy tác phẩm truyện trong sự thống nhất giữa hiện thực và nội dung tư tưởng chính là thông qua việc phân tích ba yếu tố trên để nắm vững, hiểu đúng cái hay, cái đẹp của hình tượng tác phẩm. Qua đó giúp học sinh tiếp thu và phát huy ý nghĩa cũng như tác dụng về mặt giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ của tác phẩm. Vì vậy, người GV, ngoài những yêu cầu khác, cần chú ý ba điểm sau về phương pháp:
1.1. Giúp học sinh nắm vững được sự phát triển của tình tiết trong tác phẩm, tức là nắm được cốt truyện:
Trong tác phẩm tự sự, nội dung chủ yếu của kết cấu tác phẩm chính là sự phát triển của tình tiết. Sự phân tích kết cấu truyện nên hướng vào việc tìm ra các chặng phát triển của tình tiết từ đó nắm được cấu tạo hình tượng tác phẩm. Cốt truyện chưa phải là toàn truyện, nhưng
nếu giúp học sinh nắm được cốt truyện thì có điều kiện tốt để hiểu toàn truyện. Trong Chí Phèo,
nếu giúp học sinh nắm được diễn biến cuộc đời nhân vật Chí Phèo sẽ là cơ sở để các em hiểu được nguyên nhân, lý do dẫn nhân vật này đến con đường bị bần cùng, tha hoá cũng như có thể hiểu được tính cách, bản chất của nhân vật…
1.2. Giúp học sinh cảm thụ được sâu sắc, đánh giá được đúng đắn nhân vật trong tác phẩm:
Nhân vật trong tác phẩm truyện là nơi tập trung biểu hiện tư tưởng, tình cảm của tác phẩm và tác giả, là trung tâm của tình tiết, gắn liền và hoà hợp với tình tiết. Vì thế, khi tiến hành phân tích nhân vật trong tác phẩm, GV cần hướng dẫn HS tìm các chi tiết nhà văn nói về lai lịch, diện mạo, ý nghĩ, cảm xúc, lời nói, cử chỉ hành động, thái độ… của nhân vật đó để làm căn cứ cho những đánh giá, nhận xét về nhân vật. Tránh tình trạng nhận xét, đánh giá một cách chung chung. Trong quá trình phân tích, chỉ nên chọn và phân tích những nhân vật nào đã có tính cách và cần phát hiện ở các nhân vật ấy những vấn đề, bài học thì việc phân tích mới có ý nghĩa và bổ ích. Về mặt phương pháp, yêu cầu phải phân tích từ những cái cụ thể rồi mới đến bước cái trừu tượng, cái khái quát. Cụ thể:
- Cho học sinh chú ý đến các chi tiết miêu tả, tự sự, nhận xét về nhân vật trong tác phẩm. Bởi vì, chi tiết là da thịt của hình tượng.
- Phát hiện và lựa chọn các chi tiết tiêu biểu, sắp xếp phân loại chúng theo trình tự hợp lý nhằm làm sáng tỏ nhân vật.
- Sau cùng, tổng hợp các mặt phân tích về nhân vật thành một nhận định khái quát, nêu bật được ý nghĩa và tác dụng nhận thức cũng như giáo dục của nhân vật. Gợi ra những vấn đề liên hệ, suy nghĩ, thảo luận, tranh luận về nhân vật.
1.3. Giúp học sinh cảm và hiểu được cái ý vị trong lời kể của tác giả (hay người kể chuyện):
Ngôn ngữ nghệ thuật bao giờ cũng nhằm khơi gợi sự sống, truyền đạt cảm xúc. Đặc điểm này của ngôn ngữ thể hiện rất rõ trong lời kể của truyện. Hay nói cách khác, lời kể thực chất là
toàn bộ sự vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả nhằm biểu hiện hình tượng của tác phẩm. Và lời kể chính là phong cách ngôn ngữ trong truyện. Phân tích lời kể của tác giả là nội dung chính của việc phân tích phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Hơn nữa, lời kể của
truyện là những sợi tơ dệt nên tình tiết và nhân vật, tạo nên hình tượng tác phẩm. Việc phân tích
lời kể vì thế gắn liền với việc phân tích tình tiết và nhân vật. Làm được điều này là GV đã giúp học sinh không những thấy được thành công của tác phẩm, tài năng của tác giả mà còn giúp các em yêu quí thêm ngôn ngữ dân tộc, từ đó có ý thức sử dụng đúng tiếng mẹ đẻ.
Ngoài ra, khi giảng dạy các tác phẩm truyện, người GV còn phải lưu ý đến các vấn đề sau, đặc biệt là với tác phẩm thuộc giai đoạn 1930 – 1945:
- Lưu ý đến mối quan hệ giữa tác phẩm và tác giả: Tức là, phải trả lời câu hỏi: tác phẩm này là
của ai? Cũng có nghĩa là phải chú ý đến sự thay đổi về quan điểm nghệ thuật của tác giả. Đặc biệt
với các tác giả sáng tác trong giai đoạn 1930 – 1945. Bởi vì, với nền văn học Việt Nam mốc 1945 rất quan trọng. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm sáng tác của nhiều tác giả. Đó là sự khác nhau về tư tưởng, sự ảnh hưởng của ánh sáng cách mạng… Hiểu được những thay đổi này của từng tác giả sẽ giúp chúng ta có thể lý giải cặn kẽ, thấu đáo về tác phẩm.
- Lưu ý đến mối quan hệ giữa tác phẩm và thời đại: Nghĩa là phải xem xét thời gian sáng
tác của tác phẩm, đến hoàn cảnh lớn và nhỏ của tác phẩm. Bởi vì, hoàn cảnh lịch sử có ý nghĩa quyết định đến cả giọng điệu của tác giả. Nếu không hiểu đúng sẽ không giảng đúng tác phẩm.
- Lưu ý đến mối quan hệ giữa tác phẩm với trào lưu nghệ thuật (khuynh hướng cảm hứng
thẩm mỹ). Ở mỗi khuynh hướng sáng tác có những đặc trưng riêng, hiểu biết sâu sắc về những
khuynh hướng sáng tác sẽ giúp giáo viên có đủ cơ sở khoa học để tiếp cận và lý giải tốt tác phẩm.
2. Phương pháp giảng dạy truyện ngắn:
Nhà văn sáng tác theo loại thể thì việc cảm thụ, tiếp nhận của người đọc cũng chịu sự chi phối của loại thể. Nói cách khác, phương thức cấu tạo hình tượng mà tác giả sử dụng khi sáng tác qui định phương thức cảm thụ hình tượng đó của người đọc, đồng thờiù qui định cả phương thức giảng dạy.
Truyện ngắn là loại hình văn học có tính tư duy cao và có nhiều đặc điểm kết cấu chuyên biệt, vì thế trong quá trình phân tích và giảng dạy thể loại này, ngoài việc vận dụng các phương
pháp chung chúng ta còn cần lưu ý đến những đặc trưng riêng của nó để việc phân tích, giảng dạy có thể đạt hiệu quả tối ưu. Dựa vào những đặc trưng riêng của truyện ngắn, khi tiếp cận tác phẩm, chúng ta có thể tiến hành lựa chọn hoặc kết hợp phân tích, giảng dạy theo nhân vật, theo kết cấu hoặc phân tích biến cố, tình huống… để từ đó tìm hiểu và đánh giá đúng giá trị tác phẩm.
2.1. Phân tích truyện ngắn theo nhân vật:
Khi phân tích nhân vật truyện ngắn ta cần phân biệt đặc điểm nhân vật truyện ngắn và nhân vật tiểu thuyết ở hai điểm. Đó là, số lượng nhân vật ở truyện ngắn ít hơn ở tiểu thuyết và nhân vật truyện ngắn luôn gắn với biến cố của tác phẩm. Vì thế khi phân tích nhân vật, không được tách rời, cô lập nhân vật với tình tiết. Tùy tác phẩm, có khi ta phải phân tích tình tiết để hỗ trợ cho việc phân tích nhân vật. Điều đặc biệt cần lưu ý trong quá trình phân tích truyện ngắn theo nhân vật là cần bắt đầu từ việc phân tích các chi tiết của tác phẩm đến chỗ phát hiện ý nghĩa khái quát của nhân vật. Tức là việc phân tích phải đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ riêng biệt đến khái quát. Làm như vậy nhằm tránh tình trạng nhận xét một cách chung chung và không có sức thuyết phục đối với học sinh. Khi phân tích hình tượng nhân vật, cần chú ý đến các yếu tố sau:
- Các chi tiết miêu tả nhân vật trong tác phẩm: thường có hai dạng hoặc cụ thể hoặc tiềm ẩn. Các chi tiết cụ thể học sinh đọc tác phẩm sẽ dễ nhìn thấy, nhưng các chi tiết tiềm ẩn lại quan trọng hơn và HS thường khó phát hiện. Vì vậy, GV phải hướng dẫn (bằng cách gợi, hỏi, dẫn dắt…) để giúp học sinh tìm ra.
- Các đặc điểm tính cách của nhân vật: Truyện ngắn thường có ít tình tiết và mỗi tình tiết đều tiêu biểu. Điều này giúp giáo viên dễ dàng trong việc hướng dẫn học sinh làm sáng tỏ tính cách nhân vật. Để phân tích tính cách nhân vật, giáo viên cần giúp học sinh tìm và sắp xếp, phân loại, làm sáng tỏ các chi tiết đặc sắc được nhà văn dùng để miêu tả nhân vật. Ở mức cao hơn, nếu cần, phải phân tích để thấy được quá trình hình thành và phát triển tính cách nhân vật.
- Khi phân tích nhân vật, phải kết hợp phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật với phân tích nội dung tác phẩm. Tức là việc phân tích nhân vật trong truyện ngắn không được tách rời khỏi chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tính cách nhân vật được nhà văn thể hiện qua biến cố, ngôn ngữ, ngoại hình và hành động nhân vật. Vì thế, muốn phân tích được đúng và chính xác tính cách nhân vật ta phải tìm và bám chặt vào các chi tiết này. Bởi vì, những chi tiết đặc sắc, có khả năng phát sáng chính là cái “huyệt”, là cái ”thần” của tác phẩm.
Việc phân tích truyện ngắn theo kết cấu đòi hỏi phải bao quát toàn bộ tác phẩm. Bởi vì, kết cấu không phải là yếu tố hình thức thuần túy, mà nó còn thể hiện sự hình thành và phát triển của tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Cao hơn, kết cấu góp phần tổ chức, liên kết những cảm xúc, hành động, ngôn ngữ… để trực tiếp xây dựng hình tượng tác phẩm.
Một khi đã phân tích kết cấu của truyện tất yếu phải phân tích cốt truyện. Vì cốt truyện là một hệ thống các sự kiện và hành động được phát triển cụ thể của nhân vật, của tình tiết tác phẩm. Nếu cốt truyện là mối liên hệ và phát triển tính cách nhân vật, thì kết cấu truyện nhằm nâng cao, khẳng định tính cách nhân vật. Tuy nhiên, truyện ngắn thường có hai hướng kết cấu: kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện và kết cấu của tác phẩm không có cốt truyện. (Ví dụ:
hướng thứ nhất là Chí Phèo của Nam Cao và hướng thứ hai là Hai đứa trẻ của Thạch Lam). Vì
thế khi phân tích, giảng dạy truyện ngắn theo kết cấu nên hướng học sinh vào việc tìm ra các chặng phát triển của tình tiết, từ đó nắm được cấu tạo hình tượng tác phẩm. Trong truyện ngắn có cốt truyện, nhất là trong những tác phẩm có cốt truyện hay, thường thì cốt truyện có quá trình
vận động và phát triển qua các phần: trình bày, phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và cuối cùng là
kết thúc. Khi tìm hiểu được quá trình và sự vận động này, xem như chúng ta đã tìm hiểu được
chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Đặc biệt, khi phân tích, giảng dạy truyện ngắn theo kết cấu, người GV ngoài việc chú ý
đến các chi tiết đặc sắc còn cần chú ý đến kết thúc của tác phẩm. Kết thúc trong truyện ngắn
thường là nơi nhà văn thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm rõ nhất, sâu nhất và nổi bật nhất (Ví dụ: kết thúc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, kết thúc tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, vv…)
Ngoài ra, giảng dạy truyện ngắn, GV cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
+ Khi phân tích, giảng dạy truyện ngắn phải làm nổi bật chủ đề tư tưởng và ý nghĩa giáo dục của tác phẩm. Bởi bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng nhằm đem đến cho con người những nhận thức mới, những tư tưởng, tình cảm cao đẹp và khơi dậy trong mỗi người những rung động thẩm mỹ sâu sắc về cuộc sống và về chính con người.
+ Tác phẩm văn học là một thể thống nhất, có sự kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa nội dung phản ánh và hình thức biểu hiện, vì thế trong quá trình phân tích, giảng dạy tác phẩm văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng, cần hướng dẫn học sinh từ việc phân tích hình thức để hiểu nội dung
và qua việc phân tích để thấy được sự kết hợp chặt chẽ, thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm.
+ Truyện ngắn cũng là một tác phẩm nghệ thuật được cấu tạo từ ngôn từ nghệ thuật. Nhưng ở truyện ngắn, ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng (so với các thể khác cùng loại hình tự sự) có đặc biệt hơn. Trong truyện ngắn, nhà văn thường phối hợp giữa việc diễn tả cảm xúc trữ tình với kể chuyện. Truyện ngắn trong bản chất của nó là một thể loại tự sự – trữ tình, cô đúc, ý ngoài chữ, thường tạo ấn tượng và liên tưởng cho người đọc. Hơn nữa, trong truyện ngắn lời kể (ngôn ngữ nghệ thuật) của tác giả, hay người kể chuyện luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc bộc lộ tư tưởng nhân văn, nhân đạo của tác giả, cũng như tạo nên sự thành công của tác phẩm. Do đó, khi giảng dạy cần hướng dẫn HS chú ý phân tích ngôn ngữ nghệ thuật (lời kể của tác giả) trong tác phẩm. Điều này sẽ giúp HS cảm nhận được nội dung tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm, tấm lòng và tài năng của tác giả, đồng thời giúp HS phát triển ngôn ngữ của mình và yêu quí tiếng mẹ đẻ.